Buổi trưa, ông chủ vừa bước chân vào phòng khách, bỗng nhiên nghe thấy có tiếng động lạ phát ra từ hướng phòng ngủ. Ông nhận ra đó là tiếng đàn từ cây vĩ cầm của mình.
“Có người lạ!” – Suy nghĩ ấy vừa loé lên trong đầu, ông vội bước lên gác và thấy một đứa trẻ khoảng 10 tuổi đang say sưa chơi vĩ cầm trong phòng. Cậu bé trông nhếch nhác, quần áo lấm lem, đầu bù tóc rối, khuôn mặt đen nhẻm, gầy gò, thật không phù hợp với chiếc đàn đang cầm trên tay. Ông biết đây hẳn là một kẻ gian nên đẩy mạnh cửa bước vào.
Thấy người đến, cậu bé hốt hoảng sợ hãi, khuôn mặt cắt không còn giọt máu. Ông chủ thấy vậy liền mỉm cười, ân cần đến hỏi cậu bé:
– Cháu là cháu của ông chủ phải không? Ta là quản gia ở đây. Hai ngày trước, ông chủ nói với ta rằng cháu sẽ tới chơi, nhưng không ngờ cháu lại tới sớm thế!
Chú bé sững sờ trong giây lát, như hiểu ra chuyện gì, cậu trả lời “người quản gia”:
– Bác của tôi không có nhà sao? Tôi cần ra ngoài một chút. Lát nữa tôi sẽ quay lại.
Ông chủ gật đầu, sau đó ông cầm cây đàn chú bé vừa đặt xuống và hỏi:
– Ta rất thích đàn vĩ cầm. Cháu cũng thích nó sao?
– Vâng, nhưng cháu chơi vẫn còn kém lắm!
– Vậy tại sao không cầm lấy cây đàn này để luyện tập thêm nhỉ? Ta nghĩ ông chủ sẽ rất vui nếu cháu sở hữu cây đàn này. Ông nói với giọng ấm áp.
Cậu bé thoáng vẻ nghi ngờ nhưng vẫn nhận lấy cây đàn từ tay ông. Đi tới gần cửa, cậu bé bỗng ngước lên và nhìn thấy bức ảnh lớn của ông chủ đang treo trên tường. Cậu bé hốt hoảng chạy vội ra khỏi căn nhà sang trọng mà không dám quay đầu lại. Ông chủ đoán chắc cậu bé đã đã hiểu ra câu chuyện, làm gì có ông chủ nào lại treo ảnh người quản gia trên tường nhà mình kia chứ.
Chiều tới, bà chủ trở về cảm thấy có điều gì đó khác thường, bà liền hỏi chồng:
– Anh yêu, cây đàn vĩ cầm của anh đâu rồi? Sao hôm nay không thấy anh chơi một bản nhạc nhỉ?
Ông bình thản nói:
– Anh cho người ta rồi.
– Cho người ta sao? Em có nghe nhầm không vậy? Anh chẳng vẫn nói cây đàn là một phần của anh sao?
Bà chủ dường như không tin vào tai mình sau khi nghe những gì chồng nói.
– Anh yêu à, anh có thể nói rõ cho em hiểu được không? Em vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra trong lúc em đi vắng. Nhưng nếu cây đàn có thể cứu giúp cho một linh hồn nào đó, thì em sẵn sàng đồng tình với hành động của anh…
Thấy vợ đã hiểu được phần nào sự việc, ông chủ bắt đầu kể lại câu chuyện về cậu bé và nói:
– Anh cảm thấy mình đã làm một việc đúng.
– Em cũng mong chú bé hiểu được sự giúp đỡ của anh.
Năm năm sau, trong một cuộc thi âm nhạc dành cho thanh thiếu niên, ông chủ được mời làm giám khảo và trao giải cho người dành giải nhất. Lúc trao giải, ông cảm thấy chàng trai này rất quen, hình như đã từng gặp ở đâu đó, nhưng không thể nhớ ra được. Sau khi kết thúc, chàng trai trẻ cầm cây vĩ cầm tới trước mặt ông và nói với giọng đầy biết ơn:
– Xin chào Ngài. Ngài vẫn còn nhớ con chứ ạ?
Ông lắc đầu, nhất thời vẫn chưa thể nhớ ra được.
– Ngài là người đã cho con cây đàn này, và con vẫn giữ nó tới ngày hôm nay. Ngày hôm đó, con là một kẻ tồi tệ, nhưng Ngài đã cảm thông với lòng tự trọng của một chú bé nghèo khổ. Chính tấm lòng cao thượng của Ngài đã thắp sáng ngọn lửa say mê trong con. Nếu không có Ngài, con sẽ không có ngày hôm nay. Con thực lòng vô cùng biết ơn Ngài. Bây giờ, con đã có thể trả lại cây đàn cho Ngài được rồi.
Người đàn ông già cầm lấy, mở hộp đàn. Cây đàn quen thuộc, vô cùng thân yêu mà ông tưởng như không bao giờ còn có thể thấy nữa cuối cùng đã trở lại. Ông nhớ lại chuyện năm năm trước khi bước chân vào phòng. Mắt ông rơi lệ. Cậu bé năm nào đã không làm ông phải thất vọng.
Bạn đang đọc bài viết: “Cậu bé ăn trộm trở thành nghệ sĩ vĩ cầm nhờ lòng bao dung của một người xa lạ” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |