Đại Kỷ Nguyên

Cậu bé bại não bị bỏ rơi, người phụ nữ nhận nuôi suốt 42 năm

Ảnh chụp màn hình: PEAR NEWS.

Dù chồng xa lánh, kinh tế chật vật và muôn trùng khó khăn khi chăm một người bại não, người phụ nữ ấy đã vượt qua tất cả, để chăm sóc đứa con không máu mủ với mình.

Một ngày tháng 7-1978, Bành Liên Thanh (khi ấy đang là một điều dưỡng) đang lúi húi chuẩn bị bữa tối cho hai vợ chồng trong căn nhà nhỏ ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc thì chợt nghe tiếng khóc trẻ con.

Cô cùng chồng vội chạy ra cổng nơi có tiếng khóc thì thấy một bé sơ sinh được quấn trong chiếc tã sơ sài. Bên trong là mảnh giấy nhỏ nguệch ngoạc dòng chữ ghi ngày tháng năm sinh và lời cậy nhờ chăm sóc bé.

Khi nhìn khuôn mặt đói sữa của đứa trẻ, một cảm xúc mãnh liệt khó diễn tả bằng lời chợt dâng lên trong trái tim Bành Liên Thanh. Cô đưa mắt nhìn chồng và lập tức quyết định trở thành mẹ của đứa trẻ. Năm đó Liên Thanh 31 tuổi, chưa có con. Cô đặt tên con là Chí Tường với mong muốn mọi điều tốt lành sẽ đến bên con.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đứa trẻ khát sữa ngày nào trở nên hồng hào, có da có thịt. Liên Thanh và chồng từ những người chỉ biết công việc cũng trở thành ông bố bà mẹ bỉm sữa. Niềm hạnh phúc khi cùng nhau chăm một đứa trẻ khiến ngôi nhà luôn tràn tiếng cười.

Nhưng niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu. Khi Chí Tường 2 tuổi, thấy con không có những biểu hiện phát triển giống những đứa trẻ khác, hai vợ chồng đưa con đi khám.

Cả hai gần như ngã quỵ khi bác sĩ thông báo Chí Tường bị bại não. Ngay lập tức, mẹ chồng, chồng và mọi người thân, bạn bè ra sức khuyên Liên Thanh gửi đứa trẻ vào trại mồ côi hoặc một trung tâm chăm sóc trẻ tàn tật, bởi tình trạng của Chí Tường khá nặng, có thể không đi lại và nói năng được. Nhưng cô không đồng ý.

Thời gian thấm thoắt trôi qua đã 42 năm, đứa trẻ bị vứt bỏ khi 14 ngày tuổi xưa kia giờ đã là người đàn ông trưởng thành, không thể đi lại hay làm bất cứ việc gì giúp gia đình. Nữ điều dưỡng tươi trẻ xưa kia giờ cũng đã là một bà lão 73 tuổi lưng còng.

Bà Liên Thanh đã dành tất cả tình yêu và sức lực của mình để tận tâm chăm sóc đứa con không máu mủ. Mỗi ngày đều đặn, người phụ nữ ấy tần tảo thay rửa, dọn chất thải, bón cơm cho con trai nuôi, bất chấp cả tình cảm với chồng cứ ngày một nhạt dần.

Vượt qua những lời ra tiếng vào, rằng làm vợ nhưng không sinh con cho chồng, lại đi chăm sóc một đứa con không máu mủ, thân thể tàn tật, tương lai không thể dựa dẫm, bà Liên Thanh vẫn yêu thương Chí Tường như con ruột. Trái tim nhân hậu của bà, lòng bao dung vô bờ bến của bà, đã làm cảm động biết bao người. Ông Trời không cho Chí Tường một cơ thể khỏe mạnh, nhưng Ông đã ban cho anh một người mẹ vĩ đại!

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

Exit mobile version