Đại Kỷ Nguyên

Cậu bé nghèo gãy chân không có tiền chữa trị và hành động bất ngờ của người đàn ông lạ mặt

Trong guồng quay vội vã của cuộc sống hiện đại, con người ta đôi khi sống gấp, sống vội mà quên đi sự sẻ chia, yêu thương dành cho những người xung quanh từ lúc nào. Tuy nhiên, bạn hãy dành chút thời gian đọc câu chuyện sau để thấy rằng tình người vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời nhiều bon chen này… 

Một câu chuyện tưởng chừng như hoang đường… 

Câu chuyện do chị Lê Trang, đến từ Hướng Hóa, Quảng Trị tận mắt chứng kiến đang được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến hàng ngàn người sửng sốt khó tin.

Em là ai, tôi không biết! Tôi chỉ biết em khoảng tầm 15 tuổi, người đồng bào dân tộc Pakô – Vân Kiều ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị.

Mẹ mất sớm, cha lại mắc chứng tâm thần, nên em dù mới là một cậu bé “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng bất đắc dĩ trở thành trụ cột cho cả gia đình.

Ấy vậy mà, khó khăn chồng chất khó khăn, tai nạn lao động lại khiến em bị gãy chân. Em được một người cô họ đưa vào bệnh viện khám, nhưng khi đi hành trang lại không hề có một chút tiền dằn túi.

Đã một tuần trôi qua nhưng hai cô cháu vẫn lang thang nay đây mai đó, với đôi chân bị gãy chưa được chữa trị của em vì không có tiền.

Nghe người cô kể để điều trị cho em phải mất khoản phí 15 triệu đồng.

Và rồi, may mắn thay, điều kì diệu đã đến với em. Khi em và người cô họ đang đứng trước cổng bệnh viện đợi bắt xe về nhà thì gặp được ‘vị thần hộ mệnh’ của mình.

Người đàn ông ấy quê ở Thái Bình, vào Quảng Trị mấy ngày để lắp máy móc cho người ta. Anh đi cùng tôi trên chuyến xe chạy từ thành phố Đông Hà lên Lao Bảo, Hướng Hóa.

Thấy em và người cô đang đứng giữa đường, đợi bắt xe về nhà vì không có tiền chữa chân, anh xuống xe hỏi chuyện, cuối cùng anh chốt một câu: “Để chữa trị chân cho cháu mất khoản viện phí bao nhiêu?”

“15 triệu” – con số thốt ra nghẹn ngào từ người cô của em, có lẽ đó là khoản tiền quá lớn mà họ, những người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ấy chưa được nhìn thấy bao giờ.

Không chút ngần ngại, anh yêu cầu nhà xe chở mình tới cây ATM gần nhất, rút 15 triệu tiền mặt và tặng ngay số tiền đó cho hai cô cháu người Vân Kiều không mảy may đắn đo.

Đặt vào tay em, anh đang đặt vào tay cậu bé ấy một sức sống, một niềm tin mới”.

Yêu thương trao đi cũng là yêu thương ở lại…

Người đàn ông đó tên Chính, quê ở Thái Bình. Anh không hề giàu có, dư dả, chỉ là một người thợ lắp đặt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp bình thường. Đối với anh, số tiền 15 triệu không hề nhỏ, đó là khoản tiền lao động đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức.

Thế nhưng, cậu bé Vân Kiều anh vừa gặp khổ quá, cũng chẳng còn biết phải bám víu vào ai, và lương tâm không cho phép anh đi lướt qua cậu bé tội nghiệp ấy mà vờ như không có chuyện gì xảy ra được. Anh biết rằng, mình cần làm một điều gì đó, cho cậu bé, cũng chính là cho mình…

Tất cả mọi người chứng kiến hành động của anh khi đó đều vô cùng ngạc nhiên, còn anh thì bình thản vô cùng. Đối với anh, giúp người gặp nạn là chuyện mà ai cũng nên làm, không có gì lớn lao cả. Vừa rút 15 triệu đưa cho cậu bé xong, anh đã phải vội vàng quay lưng đi, còn chưa kịp nghe rõ câu cảm ơn nói vội của hai cô cháu. Có lẽ, họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại nhau thêm lần nào nữa.

Con người chúng ta, gặp nhau một lần cũng là nhân duyên, và người đàn ông với tấm lòng nhân hậu đó, đã gieo một mối thiện duyên cho cuộc đời bằng sự chân thành thuần khiết, không chút toan tính thiệt hơn.

Đại văn hào Nga Marsim Gorky đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Thế nhưng, có một mặt trái đáng buồn trong xã hội chúng ta hiện nay, đó là, con người đang dần mất đi tình thương ấy để sống với lòng ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Đó chính là thái độ sống vô cảm, lạnh lùng, là căn bệnh “ung thư tâm hồn”.

Tôi cũng từng được chứng kiến một việc đáng buồn: Hôm đó, khi tôi đang đi trên phố thì thấy một cụ già gầy guộc, quần áo rách rưới, ngồi bên vỉa hè chìa tay xin ăn. Một cháu bé chừng 8 tuổi đi cùng với mẹ liền đưa cho cụ già gói bánh cháu đang cầm trên tay. Cụ già nói, giọng thều thào: “Cảm ơn cháu”. Lập tức, người mẹ sẵng giọng nói với cháu bé: “Ăn mày giả vờ đấy”. Cháu bé ngơ ngác, không hiểu mình đã làm sai điều gì.

Một bệnh nhân được đưa tới bệnh viện, dù đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, nhưng không được cứu chữa ngay vì còn chờ người nhà đến làm các thủ tục cần thiết, đến khi xong mọi thủ tục thì đâu còn người nữa để mà cứu. Một vụ tai nạn trên đường vắng, nạn nhân nằm trên vũng máu, xe gây ra tai nạn đã bỏ chạy mất tăm, còn bao nhiêu xe khác vẫn vun vút lao qua vì “quá bận”, “quá vội”…

Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác tràn ngập các vụ việc cướp tiền, tình, tù tội kinh hoàng đến sởn gai ốc. Độc giả đọc báo chí có tác dụng cảnh báo, nhưng đọc mãi thành quen, rồi chai sạn, thờ ơ trước những chuyện tày trời như thế, để rồi “tình người” bị lãng quên từ lúc nào không hay.

Một cậu bé Vân Kiều gặp nạn đang chơi vơi giữa dòng người tấp nập, một người đàn ông lạ mặt trên chuyến xe khách mới gặp lần đầu và số tiền 15 triệu trao tay trong chớp nhoáng. Câu chuyện đời thường tưởng chừng như hoang đường ấy, phải chăng đã đủ cho bạn lấy lại niềm tin vào cuộc sống?

Linh An

Xem thêm:

 

Exit mobile version