Đại Kỷ Nguyên

Cậu bé ôm đàn ghita ra đường đánh, khi bạn bè nhìn thấy tấm biển dưới chân, ai cũng đau lòng…

Thế giới này sẽ ra sao nếu không có âm nhạc? Thế giới sẽ mất đi rất nhiều cơ hội để học cách lắng nghe. Điều đó, chí ít sẽ đúng với riêng tôi, một cậu bé 16 tuổi coi tiếng đàn ghi-ta là một phần sự sống của mình.

Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả tại miền Nam Thái Lan. Từ nhỏ, tôi đã sống trong sự chăm sóc chu đáo của mẹ và sự dạy bảo nghiêm khắc của cha, và một phần không thể thiếu đó là âm nhạc. Những lúc rảnh rỗi tôi ôm đàn ghi-ta chơi những bản nhạc từ cổ điển tới hiện đại, để được chìm ngập trong không gian chứa đầy âm nhạc.

Mỗi lần tiếng đàn vang lên, tôi thấy cuộc sống tuổi 16 của mình không còn cô đơn nữa. Âm nhạc giúp tôi được trò chuyện, vậy nên, tôi mang đàn ghi-ta theo ngay cả khi tới trường.

Những lúc rảnh rỗi tôi ôm đàn ghi-ta chơi những bản nhạc từ cổ điển tới hiện đại

Tôi chơi với hai “nghệ sĩ” nữa, một đứa chơi trống còn một đứa hát. Cuộc sống ở trường học của tôi sẽ thật quá tẻ nhạt nếu không có âm nhạc và hai đứa bạn thân. Tôi thấy yên ổn trong thế giới đẹp đẽ của mình, khi trò chuyện về tình yêu âm nhạc và những buổi biểu diễn mơ ước với chúng. Tôi không bận tâm nhiều tới những người bạn khác…

Cho tới một ngày, một kẻ cùng lớp tôi xuất hiện cùng với cây đàn ghi-ta trên lưng. Điều đó không hiểu vì sao lại khiến tôi cảm thấy khó chịu đến thế. Hắn ta vác chiếc đàn như thể là một vật gì đó nặng nề lắm. Tôi không nhìn thấy ở hắn tình yêu mà một người chơi đàn cần có. Cái dáng khòng khòng nhỏ thó của hắn khiến tôi bực mình. Cộng thêm khuôn mặt buồn thảm đến tệ hại càng làm tôi thấy khó chịu. Tôi không thể tưởng tượng được một người như thế có thể chơi nhạc. Đó hẳn phải là thứ âm nhạc rất tồi tệ.

Một buổi trưa, tôi bắt gặp tên nhỏ con không đủ tiêu chuẩn chơi đàn ấy đang ngồi bên bậu cửa sổ trong hành lang, gảy đàn. Lại gảy đúng bài hát mà tôi rất thích “Ngọn núi cao”.

“Ngọn núi cao, hãy luôn nhìn về phía ấy

Hãy nhìn xuống đôi bàn chân của bạn

Nó nhỏ bé, yếu ớt, nhưng hãy cứ tiến lên

Vì khi nhìn đôi bàn chân rớm máu đó, bạn biết mình đang tiến lên…”

Một buổi trưa, tôi bắt gặp tên nhỏ con không đủ tiêu chuẩn chơi đàn ấy đang ngồi bên bậu cửa sổ trong hành lang

Giai điệu sâu sắc của bài hát đã khiến tôi muốn bật khóc. Khi ấy, tôi đang trải qua nỗi đau khổ đầu tiên trong cuộc đời – Người đã dạy tôi ghi-ta và đưa tôi vào thế giới tuyệt diệu của âm nhạc, ông ngoại, đã đổ bệnh rồi qua đời. Sự ra đi của ông đối với một đứa trẻ 12 tuổi như tôi là một cú sốc.

Ngày đó, khi biết rằng hình ảnh đau đớn của ông sẽ khiến một đứa trẻ như tôi hoảng sợ. Ông đã dạy bài hát này cho tôi. Ông nói bằng một giọng run run nhưng vẫn ấm:

“Ai cũng cần đi hết cuộc hành trình của mình, đi đến cuối cùng cũng phải dũng cảm, nhưng không được bi quan hay luyến tiếc gì, vì sau mỗi đỉnh núi cao, sẽ là một đỉnh núi cao hơn.

Ông muốn cháu nhớ rằng âm nhạc là không chỉ đơn thuần khiến chúng ta thư thái. Nó còn có vô vàn những tác dụng kì diệu khác. Và cháu chính là người sẽ tạo ra điều kì diệu này, cháu trai của ông.”

“Ông ơi, nhưng cháu sẽ tạo ra nó bằng cách nào?”

Nhưng tôi không thể nghe ông trả lời nữa… vì ông đã đi rồi, trên khuôn mặt ông khi ấy là một nụ cười.

“Ông ơi, nhưng cháu sẽ tạo ra nó bằng cách nào?”

Bây giờ, cậu bạn này lại làm tôi muốn nổi điên khi chơi ca khúc ấy một cách uể oải, lười biếng và thiếu tôn trọng. Tôi không biết cậu ta muốn làm gì với thứ âm nhạc “cơm nguội” ấy. Tôi phải nói với cậu ta rằng hãy dừng ngay thứ âm nhạc khó nghe và thiếu nhiệt huyết ấy đi, nhưng hai đứa bạn thân đã giữ tôi lại. Chúng nói rằng tôi nên tôn trọng với cậu ấy, hãy nói khi bình tĩnh hơn.

Tuy bực mình, nhưng tôi nghĩ đúng là mình không nên nói những điều có thể khiến người khác tổn thương. Sự giận dữ của tôi sẽ bịt chặt đôi tai của họ.

Chiều nào cậu bạn này cũng lầm lũi vác chiếc đàn đi đâu đó chứ không về nhà. Cho tới tuần sau đó, kẻ không tôn trọng âm nhạc nghỉ học một tuần. Và chiều đó, ba chúng tôi quyết định tới gần nhà cậu bạn nhỏ thó để hỏi thăm. Chúng tôi đi con đường hàng ngày cậu ta vẫn rẽ vào.

Chiều nào cậu bạn này cũng lầm lũi vác chiếc đàn đi đâu đó chứ không về nhà.

Con đường đó hóa ra không dẫn tới nhà cậu bé mà ra một con đường lớn ven sông. Nơi đó, cậu bạn cùng lớp của chúng tôi đang chơi nhạc. Vẫn là bài “Ngọn núi cao”, nhưng lần này cậu ta hát to hơn, và vẫn rất tệ.

Chúng tôi quan sát cậu bạn một cách kín đáo. Hóa ra cậu ta tập đàn để đi hát dong. Điều này không khiến tôi quá ngạc nhiên, bởi nhà cậu thuộc diện nghèo nhất trong trường. Điều tôi ngạc nhiên là cậu ta đàn hát dở tệ, khuôn mặt thì ủ ê mà sao lại có nhiều người qua lại thả tiền vào chiếc túi đựng đàn như vậy?

Ca sĩ của nhóm chúng tôi lắc đầu “Tệ quá, hát thế mà cũng hát, thật không biết xấu hổ”. Tôi gật đầu tán thành, chỉ có tay trống của chúng tôi cứ đứng im, nheo mắt nhìn điều gì đó. Cậu ấy chỉ về phía một tấm bảng nhỏ “Quyên tiền để chữa bệnh ung thư của mẹ”.

Lúc đó cả ba chúng tôi im lặng.

Và tôi chợt nhận ra, từ trước đến giờ tôi chưa từng bao giờ thành tâm mà lắng nghe âm nhạc của cậu. Tôi đã quên mất một điều quan trọng, âm nhạc là một thứ ngôn ngữ của trái tim. Bấy lâu nay, tôi không lắng nghe trái tim của cậu ấy mà chỉ nghe những “than vãn”, “định kiến” đến từ chính bên trong mình.

Tôi đã quên mất một điều quan trọng, âm nhạc là một thứ ngôn ngữ của trái tim.

Tôi cũng phát hiện ra, cậu ấy hát như cơm nguội một phần chính là vì tiếng đàn. Tôi tiến tới phía cậu bạn và theo phản xạ, hai người bạn thân giữ tôi lại. Nhưng lần này, tôi nhìn họ và khẳng định: “Yên tâm, tớ rất bình tĩnh”.

Đến trước mặt cậu bạn, tôi không biết mở lời ra sao. Bởi khi nhìn thấy tôi, ánh mắt của cậu ấy bất chợt chứa đầy sự xấu hổ và bối rối. Nhìn thấy ánh mắt ấy, tôi chỉ có thể nói:

“Dây đàn trùng quá rồi, tôi sẽ giúp căng lại”.

Cậu bạn nhỏ thó không nói gì, hai mắt vẫn nhìn xuống dưới, nhưng cậu đưa đàn cho tôi.

Tôi chỉ mất vài phút để đưa cây đàn trở lại tình trạng tốt nhất. Tôi đưa trả lại chiếc đàn, chỉ có thể mỉm cười và không nói thêm được gì. Hai đứa bạn thân của tôi đã đứng đó tự bao giờ.

Cậu bạn nhỏ thó thử dây đàn, và khuôn mặt cũng như ánh mắt cậu sáng lên theo từng nốt nhạc. Dường như đã lâu rồi cậu không có được cảm giác chơi nhạc trên một cây đàn như thế. Chúng tôi bất ngờ khi cậu ấy đứng thẳng lên và cất giọng hát. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy có một điều gì đó thay đổi trong giọng hát của cậu: Sáng và tự tin hơn rất nhiều.

Chúng tôi bất ngờ khi cậu ấy đứng thẳng lên và cất giọng hát.

Ba đứa chúng tôi chỉ nhìn nhau và gật đầu, rồi đứng bên cạnh cậu bạn nhỏ để tạo thành một ban nhạc với trống, ghi-ta, hát chính và hát bè. Chúng tôi hòa cùng giọng hát của cậu ấy lúc nào không hay. Ước mơ có một buổi biểu diễn của cả ba đứa chúng tôi đang thành hiện thực. Tiếng ghi ta, tiếng trống và những tiếng hát thật hòa điệu. Ban nhạc “pop-up” của chúng tôi dường như khiến mọi người chú ý.

Một người dừng lại, sau đó là năm người và chỉ một lúc sau, chúng tôi có một lượng khán giả chừng hai mươi người. Và buổi hòa nhạc đã diễn ra thật tuyệt vời trong ánh sáng của hoàng hôn phản chiếu lấp lánh xuống dòng sông bên dưới chiếc cầu mà chúng tôi đang đứng.

“Quyên tiền để chữa bệnh ung thư của mẹ”, đó là một tấm biển quá đỗi tuyệt vời…

Những khuôn mặt xa lạ đầy thư thái và thân thiện ấy cho chúng tôi biết âm nhạc đang kết nối tất cả chúng tôi, đang giúp chúng tôi chia sẻ những khó khăn của cậu bạn nhỏ thó. Và khán giả có lẽ không biết rằng họ còn đang chia sẻ ước mơ âm nhạc với tất cả chúng tôi.

“Hãy nhìn xuống đôi chân nhỏ của bạn

Nó đang chảy máu, cũng có nghĩa là bạn đang tiến lên

Và hãy nhìn lên phía trên, bởi có một bàn tay đang chờ đợi để trợ giúp bạn, kéo bạn cùng tiến lên

Đỉnh núi đang chờ tất cả chúng ta”

Những tiếng hát của tuổi 16 mang theo tình thương của một đứa con đối với mẹ, mang theo ước mơ của những tâm hồn yêu âm nhạc, mang theo cả sự đồng cảm và lắng nghe. Tiếng hát ấy dung chứa tất cả nhưng vẫn đủ dịu dàng để hòa vào ánh nắng hoàng hôn rồi nhẹ nhàng thấm sâu vào trái tim của mỗi người đang có mặt trong buổi hòa nhạc đường phố chiều hôm ấy.

Và ngày hôm đó, tôi phát hiện ra tác dụng kì diệu đầu tiên của âm nhạc mà ông ngoại đã nói – Những giai điệu có thể mở cửa những trái tim.

Hải Lam

Xem thêm:

Exit mobile version