Một vị sư lên rừng lấy củi, trên đường về gặp một cậu bé đang chạy chơi đùa, hái hoa bắt bướm.
Vị sư đến gần, hỏi: “Trên tay con cầm gì thế?”.
Cậu bé láu cá đáp: “Con đố sư biết đó, nhưng nếu sư nói sai, sư phải mất cho con bó củi nhé?”.
Vị sư cười hiền: “Một con bướm đã chết đúng không?”.
Cậu bé cười phá lên: “Ha ha, sư đoán sai rồi, đúng là con bướm, nhưng nó còn sống, sư ạ!”.
Nói rồi, cậu mở hai lòng bàn tay, con bướm vội vã bay đi.
Vị sư ôn tồn bảo: “Vậy à, củi của con đây, con cầm về đi”.
Cậu bé hí hửng đem bó củi về khoe cha, cứ tưởng sẽ được cha khen, ai dè người cha nghiêm nghị: “Đem bó củi lên chùa trả rồi xin lỗi sư thầy ngay!”.
“Nhưng con thắng mà?”, cậu bé hậm hực.
“Nếu sư nói con bướm còn sống, con cũng bóp cho nó chết đúng không? Từ đầu, ông ấy đã định đem bó củi để đổi lấy một mạng sống rồi đó”, người cha ôn tồn giải thích.
Nghe vậy, cậu bé lặng lẽ cúi đầu. Hai cha con đem bó củi lên chùa, chắp tay xin lỗi vị sư. Vị sư chỉ khẽ mỉm cười, gật đầu.
***
Trong cuộc sống, có những người tuy thân xác đã lớn, nhưng tư tưởng lại chỉ như cậu bé trong câu chuyện trước khi được cha chỉ ra cho tỏ tường. Lừa được của ai thứ gì, liền cảm thấy đắc ý, nghĩ rằng mình “khôn”, nhưng cái khôn ở đây là khôn lỏi, thật đáng chê. Những người ngạo mạn và hiếu thắng sẽ chỉ thấy được cái lợi cỏn con trước mắt, mà không biết được thật sự mình đã mất điều gì. Chính sự ngạo mạn, hiếu thắng và tư lợi ấy đã phong bế cơ hội học hỏi và trưởng thành của họ, tước đi của họ một trái tim thuần khiết và tâm hồn cao thượng.
Bởi vậy, chớ thấy người lùi bước mà bảo là họ thua, họ kém. Chẳng qua, họ không có tâm tranh đấu, họ có thể “Nhẫn”, có thể lùi một bước để thấy “biển rộng trời cao”. Điều ấy mới thật là đáng quý, vì nếu không có một ý chí kiên cường, không có sự tu dưỡng đạo đức, thì động chạm đến danh, đến lợi, liệu có thể nhấc chân bước lùi thật nhẹ nhàng chăng? Người ta cũng thường nói, thiện lương khó hơn là thông minh, bởi vì thông minh là thiên phú, còn thiện lương là một sự lựa chọn, quả đúng lắm thay!
Thanh Tâm
Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?