Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện cảm động của cô giáo trẻ miền Tây về giấc mơ con chữ khó nhọc của lũ trẻ vùng sông nước

Có lẽ, người có thể thấu hiểu nỗi niềm của những đứa trẻ một cách sâu sắc nhất ngoài gia đình chúng, chẳng ai khác là những người làm nghề giáo. Những câu chuyện có thật về những đứa trẻ vùng châu thổ được Cô Phan Thị Bảy, giáo viên của trường THCS Mỹ Trung (Cái Bè, Tiền Giang) kể lại đã khiến bao người rơi lệ…

Vết sẹo trên tay

Lòng cô Bảy chợt thắt lại khi thằng Dành xòe tay ra. Định đánh mấy roi vào tay cu cậu cho chừa cái tật ham chơi không chịu học thuộc bài, mà nhìn thấy bàn tay chi chít sẹo, nát bươm vì những vết kẹp cua của nó, cô lại không nỡ. Cả buổi hôm ấy, cô Bảy cứ bị ám ảnh mãi về đôi tay nhỏ xíu đầy vết thương của Dành. Rồi cô quyết định tìm đến nhà cậu bé.

Ba má Dành nghèo lắm, đến một miếng đất cắm sào cũng chẳng có. Họ đưa đàn con đi khắp nơi, tới chỗ nào có người thuê làm thì dựng cái chòi lá ở tạm qua ngày. Việc học hành của mấy đứa nhỏ cũng vì thế mà trở nên “nay đây mai đó”, chẳng bao giờ cố định.

Nhà đông con mà tiền làm ra thì chẳng được bao nhiêu, nuôi mấy miệng ăn thôi cũng chẳng nổi. Thương ba má vất vả, mỗi khi đi học về là anh em Dành lại cất sách vở vào một góc rồi chạy ra đồng bắt cua, bắt ốc. Mà bắt cua đâu phải chuyện dễ, tụi nhỏ phải ngâm mình dưới nước, đưa tay vào hang cho cua kẹp rồi mới lôi được ra ngoài. Ấy thế nên tay Dành mới chi chít những vết thương như vậy.

Con đường đến trường của mấy đứa nhỏ sao lắm gian nan…

Ở vùng sông nước này, cái nghèo nó cứ thành vòng luẩn quẩn, người ta càng chạy càng không thoát ra được. Khi mà cái đói vẫn cứ rình rập mỗi ngày thì lo đủ cái ăn đã là may lắm rồi, chứ nói chi đến việc học chữ. Dù đã được nhà trường miễn toàn bộ học phí rồi mà sao vẫn thấy con đường đến trường của mấy đứa nhỏ sao lắm gian nan…

Lần đầu ăn bánh bao

Nhà Kiệt ở mé sông trước trường. Ba má nó chẳng đủ tiền mua nổi một miếng đất xây nhà nên đành ở nhờ hàng xóm. Ấy thế mà Kiệt ngoan và học giỏi lắm, năm ngoái nó còn được thưởng cả một chiếc xe đạp đi học.

Hôm cô Bảy dẫn Kiệt và các bạn lên Cái Bè nhận thưởng, thấy tụi nhỏ đói bụng, cô liền ghé tiệm mua bánh bao cho mấy đứa ăn. Kiệt mừng quýnh, nó ăn ngấu nghiến, ăn luôn cả miếng giấy lót bánh bên dưới. Thấy vậy, mấy đứa bạn vội can:

“Cái này là giấy lót bánh đó, không ăn được đâu!”

Kiệt vẫn cười vô tư:

“Ăn được chứ, Ngon lắm đó tụi bây!”

Từ bé đến giờ, đó là cái bánh bao đầu tiên mà Kiệt được ăn…

Tụi nhỏ vẫn chưa bao giờ thôi cố gắng…

Nấm mồ lẻ loi

Hậu có lẽ là cậu học trò mà khiến cô Bảy thương nhất, nhớ nhất. Thằng bé nhỏ xíu, gầy còm nhom thế thôi nhưng hiếu học lắm. Nhà nghèo, ba má đi làm thuê cả ngày, gần như chẳng bao giờ ở nhà; còn anh trai nó thì đi bán vé dạo. Mọi công việc trong nhà đều do một tay nó làm hết.

Hôm đó là buổi thi môn Văn, các bạn đã vào phòng thi hết mà cô Bảy vẫn chưa thấy Hậu đến. Thằng bé lúc nào cũng đúng giờ, chưa bao giờ đến trễ, không hiểu sao hôm nay lại như vậy. Càng nghĩ càng thấy lo, cả buổi hôm ấy cô Bảy cứ bồn chồn, ngó ngược ngó xuôi tìm nó mãi mà chẳng thấy.

Buổi thi vừa kết thúc, cô Bảy vội vàng tìm đến nhà Hậu xem có chuyện gì xảy ra. Rồi cô chết điếng người khi nghe tin Hậu đã qua đời hồi chiều nay, nó bị điện giật khi chuẩn bị lên trường thi môn cuối. Sự sống, sao lại mong manh đến như vậy? Tuần trước, thằng bé còn hứa sẽ hát cho cô nghe khi kết thúc năm học, vậy mà…

Dưới những mái lá nghèo trên mảnh đất phù sa này là biết bao phận người gian khó.

Cô Bảy nhìn người ta đặt Hậu vào chiếc quan tài nhỏ xíu do hội từ thiện mang đến mà nước mắt cứ trào ra. Cho đến tận khi rời khỏi thế giới này, cậu học trò tội nghiệp của cô cũng không có nổi một bộ quần áo đàng hoàng để mặc, người ta phải lấy bông gòn cho vào hòm để giữ ấm. Giá như cô có điều kiện hơn một chút…

Nghe đâu sau khi lo hậu sự cho Hậu, ba má nó cũng chuyển đi Vũng Tàu làm thuê cho người ta, để lại ngôi mộ của nó nằm lẻ loi, lạnh lẽo một mình trên mảnh đất vắng. Năm ấy, Hậu mới 12 tuổi….

Có lẽ, chỉ có ai đến rồi mới hiểu được những trắc trở và nhọc nhằn mà những đứa trẻ nơi đây phải đối mặt hàng ngày. Dường như người ta đã quen với khung cảnh bình yên, êm ả với những cánh cò chỉ có trong ca dao, những cánh đồng lúa xanh mướt, ngó lên trời là thấy chim, bước xuống sông là có cá ở miền sông nước, mà không biết rằng, ở nơi ấy, đối với nhiều đứa trẻ, được đến trường cũng là một giấc mơ xa xỉ. Và tụi nhỏ chỉ biết theo chân bố mẹ lang bạt hết vùng đất này, tới con sông nọ, chẳng biết nơi đâu là bến đỗ cuối cùng…

Nguồn ảnh: Afamily
Linh An

Exit mobile version