Dyrk Daniels là người đã chụp bức ảnh nổi tiếng giữa chú hổ Bengal nặng 170 kg tên Taj và cô bé tại Vườn thú Mountain Cougar, thành phố Issaquah, tiểu bang Washington vào năm 2011. Vậy bức ảnh đã ra đời như thế nào?
Daily Mail là tờ báo đầu tiên đăng tải bức ảnh này vào ngày 31-10-2011 – để minh chứng rằng những viên kim cương trong nhiếp ảnh trong thời đại bùng nổ Internet có thể đã mất đi… nhưng chưa bao giờ bị lãng quên.
Trang 8bitDad đã đăng lại một tháng rưỡi sau tờ Daily Mail, họ đã may mắn được nhiếp ảnh gia Dyrk Daniels đồng ý trả lời một vài câu hỏi liên quan đến tình cha con.
“Khi tôi đi làm và không có mặt bên cạnh con gái, có những khoảng thời gian tôi cảm thấy giống như con hổ Bengal kia – bị ngăn cách với con gái bởi những ‘chấn song’ của trách nhiệm.”
– nhiếp ảnh gia Dyrk Daniels
8BD: Nhiếp ảnh là sở thích hay là công việc của anh?
DD: Không, công việc của tôi là một kỹ sư.
8BD: Anh đã chụp ảnh được bao lâu?
DD: 5 năm.
8BD: Tờ Daily Mail nói rằng anh có hai đứa con, chúng năm nay bao nhiêu tuổi?
DD: Con gái tôi năm nay 21, là sinh viên năm cuối Đại học Washington, chuyên ngành truyền thông. Con trai tôi 19 tuổi, học năm hai tại Đại học Washington, ngành kỹ sư cơ khí.
8BD: Các con của anh có niềm đam mê nhiếp ảnh giống bố không?
DD: Có, con gái tôi rất thích chụp ảnh. Con bé đang dùng chiếc máy Nikon D80 cũ của tôi. Nó rất đam mê, nhưng hiện tại nó tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp sắp đến.
8BD: Anh dạy cho con anh những gì về động vật và các Sở thú?
DD: Tôi cố gắng truyền đạt cho chúng sự tôn trọng thích đáng với tất cả động vật (không chỉ những con vật dễ thương) và sự nhận thức rằng các sở thú trên khắp thế giới đang cố gắng bảo tồn những loài vật đang gặp nguy hiểm, cũng như giáo dục con người sự quý giá của những loài vật này, và rằng chúng ta nên nỗ lực cứu lấy chúng trong thiên nhiên.
8BD: Có rất nhiều điều để nói về bức ảnh của anh về một bé gái và chú hổ Taj, một giống hổ Bengal khổng lồ. Nếu anh có thể quay lại thời điểm đó, anh có nghĩ Taj lúc đó đang chơi đùa với em bé hay nó còn có những cảm xúc khác?
DD: Lúc đó tôi chụp một loạt ảnh, tấm ảnh đó là đẹp nhất. Còn có hai tấm ảnh nữa được chụp trước đó, miêu tả em bé với hai tay giơ lên trong tư thế ấy, một bức chụp cảnh Taj đang tiếp cận em bé, đầu của nó cúi xuống ngực, và bàn chân của nó bắt đầu giơ lên.
Tấm tiếp theo chụp cảnh đầu của Taj vẫn chúc xuống và bàn chân của nó giơ cao bằng với tay trái của em bé. Tấm cuối cùng, tất nhiên là chụp cảnh Taj đập bàn chân vào chỗ vách ngăn đối diện với em bé. Vậy nên chắc chắn tôi nghĩ rằng nó đang chơi đùa và hoàn toàn hiểu rằng em bé không phải là mối đe dọa với nó, mà cần được chăm sóc.
8BD: Tôi biết có nhiều gia đình cũng ở đó trong lúc anh chụp bức ảnh Taj với cô bé. Anh có nghĩ rằng Taj có một mối liên hệ đặc biệt với cô bé trong bức ảnh không?
DD: Vâng, tôi cho là thế. Một chú hổ trắng tên Almos, là anh em của Taj, cũng có một cuộc gặp gỡ tương tự với một cô bé lớn tuổi hơn, nhưng không xúc động đến thế. Almos đập mạnh bàn chân vào vách ngăn vì cô bé đang quay lưng lại vách ngăn. Không cần phải nói, phản ứng của cô bé có phần dữ dội hơn so với em bé nọ.
8BD: Trước đây anh có từng gặp trường hợp như thế chưa?
DD: Tôi chưa từng thấy việc gì như thế trước đây.
8BD: Anh có tin rằng động vật và trẻ em có thể kết nối với nhau ở một mức độ thuần khiết nào đó?
DD: Vâng, tôi tin rằng trẻ em và động vật có sức hút lẫn nhau. Tôi cũng tin rằng việc trẻ không biết sợ và trái tim thuần khiết của trẻ có thể được động vật cảm nhận thấy, do đó không khơi dậy bản năng chiến đấu của chúng.
8BD: Anh có vẻ say mê động vật và do đó anh cố gắng để chụp những khoảnh khắc hiếm thấy của chúng. Là một người cha, anh có áp dụng những nghiên cứu động vật vào kỹ năng làm cha của anh hay không? Nếu có, loài vật nào anh hay nhớ đến nhất?
DD: Tôi có một mối liên hệ với họ nhà mèo lớn. Tôi dường như hiểu rõ chúng nhất. Chúng càng nguy hiểm, thì vẻ ngoài, chuyển động và hành vi của chúng càng đẹp. Chụp ảnh động vật (dù là động vật hoang dã hay sở thú) là một cộng việc đòi hỏi kiên nhẫn và thấu hiểu.
Bạn cần phải kiên trì, nhận thức được rằng động vật cũng như trẻ em, chúng hoạt động trong không gian riêng của chúng, nhưng bạn cũng phải liên tục theo dõi, nếu không có thể bạn sẽ lỡ mất một khoảnh khắc đặc biệt.
Việc thấu hiểu hành vi, nhu cầu của động vật và sự tập trung giúp tôi định vị bản thân tránh sa đà vào những gì mình mải miết theo đuổi; cũng như thế với con cái, việc thấu hiểu chúng cho phép tôi ở bên mỗi khi chúng cần tôi và cho chúng khoảng không gian riêng lúc cần thiết.
Khi mà tôi chỉ có 2/3 thời gian trong tuần dành cho con bé. Tất nhiên những ngày này, tôi cảm thấy giống như muốn ôm chầm lấy con gái và gửi trọn tất cả tình yêu thương và sự âu yếm.
Nhiếp ảnh cũng vậy, đôi lúc bạn cần chấp nhận sự thật, rồi bạn sẽ thấy vui vẻ, có những lúc bạn không thành công và cố gắng tìm ra giải pháp cho lần sau. Không có công thức huyền diệu nào, mà là vấn đề của sự nhẫn nại.
Theo 8bitdad
Chấn Nam biên dịch
Xem thêm: