Không quá thường xuyên, nhưng đôi khi bạn sẽ được nghe kể câu chuyện về những con người dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vượt lên số phận và thậm chí còn dang rộng tay để giúp đỡ người khác. Câu chuyện cảm động về đôi bạn thân Gia Hải Hạ và Gia Văn Kỳ là một trong số đó.
Nhìn những những hàng cây xanh tốt trải dài tít tắp ở khu đất phía Bắc của xã Dã Lí, làng Tôn Trang, thuộc Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc, thật khó để tưởng tượng rằng chỉ 12 năm trước đây, nơi này chỉ có trơ đá và cỏ dại. Sự thay đổi kỳ diệu này tất cả là nhờ những nỗ lực tận tụy và sự cống hiến không biết mệt mỏi của một người đàn ông mù tên là Gia Hải Hạ và người bạn thân nhất của ông – ông Gia Văn Kỳ – đã mất cả 2 tay. Trong hơn 10 năm, đôi bạn này đã trồng được hàng ngàn cây xanh nhằm bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất xung quanh ngôi làng của họ.
Ở độ tuổi ngũ tuần, cả Hải Hạ và Văn Kỳ đều đã trải qua những khó khăn không thể tưởng tượng được trong cuộc đời của họ. Hải Hạ sinh ra với căn bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh đã làm ông bị mù một con mắt. Con mắt còn lại của ông bị mất hẳn thị lực sau vụ tai nạn nghề nghiệp vào năm 2000. Số phận của Văn Kỳ cũng chẳng khá hơn, ông bị mất cả 2 cánh tay trong một vụ tai nạn từ năm 3 tuổi, và từ đó đến giờ phải sống cuộc đời thiếu mất 2 tay.
Bất chấp những mất mát về thể chất, Hải Hạ và Văn Kỳ vẫn quyết tâm sống một cuộc đời vẹn toàn và có ý nghĩa. Hai người bạn thân đã giúp đỡ tương hỗ lẫn nhau để làm nên những điều kỳ diệu có thực. Khi họ hiệp sức cùng nhau thì không việc gì mà họ không thể làm được.
Thành quả của sức mạnh ý chí và nỗ lực “tàn nhưng không phế” của hai người bạn là hơn 10.000 cây xanh họ đã cùng nhau trồng trong hơn 10 năm qua.
“Tôi là cánh tay của anh ấy”, Hải Hạ nói. “Anh ấy là đôi mắt của tôi. Chúng tôi là bạn tốt của nhau”.
Đôi bạn này gặp nhau vào năm 2001 khi họ đều đang vật lộn tìm việc làm vì khiếm khuyết tật nguyền.
Cả hai đều không muốn “đầu hàng” số phận, vì vậy họ đã lên kế hoạch trồng cây để kiếm tiền.
Hai người bạn này đã thuê lại 3 mẫu đất gần bờ sông từ chính quyền địa phương để trồng cây. Bằng công việc này, họ vừa mong muốn mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau, vừa bảo vệ dân làng khỏi lũ lụt, đồng thời cũng được trả một khoản thu nhập nhỏ từ chính quyền.
Hải Hạ và Văn Kỳ thức dậy vào 7h sáng mỗi ngày và đi ra ngoài trồng cây. Khi phải đi qua dòng nước chảy xiết để đến nơi làm việc thì Văn Kỳ cõng Hải Hạ qua bờ bên kia.
Dù tiền bạc eo hẹp, nhưng đôi bạn nghị lực ấy vẫn quyết tâm trồng rừng cho mảnh đất của quê hương mình. Không mua được cây con, họ chiết từ những cây lớn hơn để tạo ra những mầm sống mới.
Văn Kỳ, với vai trò là “đôi mắt” của Hải Hạ, cẩn thận hướng dẫn cho Hải Hạ khi họ chuẩn bị chiết cành.
Công việc đòi hỏi sự nhẫn nại bền bỉ, và thành quả lao động không phải lúc nào cũng nhìn thấy rõ. Tuy thế, khi nhìn thấy những mầm non lớn lên từng chút một cũng đủ làm cho cả hai cảm thấy thanh thản trong tâm hồn.
“Chúng tôi đứng trên đôi chân của mình”, “Nỗ lực lao động của chúng tôi đã cho những trái chín ngọt. Dù chúng tôi có gặm bánh bao đi nữa, chúng tôi vẫn thấy bình an trong tâm.”
Rất nhiều người tốt bụng đã tình nguyện giúp Hải Hạ và Văn Kỳ sau khi nghe câu chuyện về họ. Một mạnh thường quân đã đề nghị trả chi phí phẫu thuật để khôi phục thị lực cho Hải Hạ; còn một người khác đã tặng tiền cấp dưỡng để họ có một mái nhà tốt và có đủ thức ăn.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi một hành động cao đẹp được phúc báo bằng hằng bao nhiêu điều tốt đẹp khác phải không? Hãy cùng chia sẻ câu chuyện về nghị lực phi thường của đôi bạn “đặc biệt” này và giúp cho thiện tâm tiếp tục lan rộng!
Biên dịch Khanh
Theo Filmsforaction
Xem thêm: