Đại Kỷ Nguyên

Cổ tích tình yêu khó tin của hai số phận mang ‘dòng máu dioxin’ ở Nghệ An

Đó là một đám cưới đơn giản ở một xóm nhỏ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khiến người dân nơi đây không khỏi rơi nước mắt. Cô dâu là một phụ nữ với khuôn mặt biến dạng, chị tên là Phan Thị Yến; còn chú rể là một người đàn ông tật nguyền trên chiếc xe lăn, anh là Ngô Xuân Bình.

Đám cưới của đôi vợ chồng nhiễm chất độc màu da cam với tình yêu chân thành mà dung dị được ví như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Mọi người đến dự đều rưng rưng nước mắt, phần vì mừng cho hạnh phúc của hai vợ chồng, phần vì xót thương cho số phận bất hạnh của anh chị, rồi họ sẽ sống tiếp ra sao khi mà cuộc đời quá nghiệt ngã?

Nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai ngay cả trong thời bình

Chị Yến là con gái út trong một gia đình cách mạng. Ông Phan Bình Minh (bố chị Yến) trở về sau chiến tranh khốc liệt. Thế nhưng, những di chứng của chiến tranh vẫn không thể xóa nhòa khi mà chất độc Dioxin đã ngấm vào cơ thể ông, hằn sâu trên thân thể của con cái. Chị Yến phải chịu nhiều thiệt thòi, trí não phát triển chậm chạp, miệng méo xệch, hở hàm ếch, khuôn mặt chị biến dạng khiến nhiều người xung quanh xa lánh. Thương con gái, gia đình chạy chữa khắp nơi, bán lúa bán gạo, cầm cố tài sản đem chị Yến đi phẫu thuật, nhưng kết quả vẫn không cải thiện.

Số phận anh Bình cũng không khác là bao. Anh bị nhiễm di chứng chất độc màu da cam từ cha, ông Ngô Xuân Thụy, khiến tay chân co quắp, nói không thành lời. Anh không thể tự lo cho cuộc sống được, kể cả những việc sinh hoạt cá nhân nhỏ nhặt nhất anh cũng cần người chăm sóc. Sự bất lực vô vọng của người đàn ông tật nguyền luôn ám ảnh anh, khiến anh cảm thấy cuộc đời chỉ là nỗi đau kéo dài nỗi đau, không có chút ánh sáng hy vọng nào.

Định mệnh đem những mảnh đời bất hạnh đến sưởi ấm cho nhau

Nhiều năm trước, Ông Minh và ông Thụy nhập ngũ vào chiến trường, cùng nhau vào sinh ra tử, đi qua những hiểm nguy khốn khổ của thời chiến. Giờ đây, khi hòa bình đã đến, họ vẫn không thể nào thoát khỏi nỗi cơ cực. Gia đình khó khăn, vất vả chạy từng bữa ăn cũng không đủ, lại thêm nỗi đau chất chứa mỗi khi nhìn thấy những đứa con vô tội phải chịu sự bất hạnh, hai người đồng đội luôn canh cánh nỗi lòng. Họ thường xuyên qua lại thăm hỏi, khi thì mang cho nhau dăm bảy bát gạo, khi thì chia sẻ mớ rau hái trong vườn… những điều nhỏ thôi, nhưng cũng phần nào vơi đi sự cô quạnh của hai cựu chiến binh già. Họ cứ như vậy mà nương tựa vào nhau, san sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống.

Định mệnh sắp đặt, anh Bình và chị Yến trở thành bạn thân từ những cuộc gặp gỡ của hai người đồng đội. Họ chia sẻ với nhau những khó khăn cơ cực, những trăn trở nhức nhối đang trải qua mỗi ngày, cả sự mặc cảm dày vò trong suốt tuổi thơ bị bạn bè châm chọc và những thiệt thòi bất hạnh suốt những tháng năm trưởng thành. Họ cứ quấn quýt với nhau như thế, dìu dắt nhau đi qua những nghiệt ngã cuộc đời…

Dần dà, anh Bình có tình cảm với chị Yến, anh nằng nặc đòi bố mẹ cùng đến nhà chị hỏi xin cưới chị về làm vợ. Cảm động trước sự quả quyết và thật thà của anh, chị Yến cũng dần đáp lại tình cảm.

Kể lại những ngày tháng Bình đeo đuổi mình, chị Yến nghẹn ngào: “Cả hai chúng tôi dù đều thiệt thòi về cơ thể, anh bị nặng hơn tôi, nhưng anh ấy lại có một tâm hồn rất đa cảm. Ngày ấy, chính sự chân tình của anh đã khiến trái tim tôi rung động.

“Tôi cũng lo lắm chứ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi nhận lời cầu hôn của Bình. Tôi lo rằng tổ ấm gia đình và những đứa con sau này liệu có ảnh hưởng di chứng như chúng tôi hay không. Nhưng rồi, sự chân thành của anh đã gắn kết chúng tôi”.

Đã cùng nhau trải qua sinh tử, lại chung nỗi đau của những người cùng cảnh ngộ, hai gia đình biết được anh Bình và chị Yến có tình cảm với nhau thì mừng lắm, họ càng cố gắng vun đắp cho hai người.

“Lúc đó, tôi cũng lo không biết hai vợ chồng đều khuyết tật thì làm gì để nuôi nhau, nhưng chơi với anh lâu cứ mỗi lần nhìn vào đôi mắt anh tôi vừa thương anh và thầm hiểu anh ấy cần một người bên cạnh để chăm sóc” – chị Yến chia sẻ.

Năm 2004, anh Bình và chị Yến tổ chức một đám cưới, một bữa tiệc nho nhỏ nhưng ấm cúng được bà con lối xóm chung tay tổ chức cho hai người.

Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong bộ váy cưới màu trắng, tay đẩy chú rể co quắp trong chiếc xe lăn ra mắt mọi người khiến những người có mặt đều trào nước mắt. Bất hạnh là vậy, nghiệt ngã là vậy, nhưng anh chị vẫn không nguôi niềm khao khát kiếm tìm hạnh phúc. Và may mắn đã không bỏ rơi họ, họ đã tìm thấy nhau trong cuộc sống tưởng chừng như vô vọng này, để nỗi đau bớt đi phần nào day dứt.

Nơi cuối cầu vồng không phải là nỗi đau

Cưới xong, cuộc sống vợ chồng anh chị gặp muôn vàn khó khăn. Chị Yến xin việc nhiều nơi nhưng không được, anh Bình thì ốm đau thường xuyên, gia đình vốn đã nghèo khó, nay lại càng túng thiếu. Có lúc đến cả bữa ăn cũng không có, anh chị chỉ biết nhìn nhau bất lực, những giọt nước mắt đau khổ cứ trào ra.

Nhờ những người láng giềng tốt bụng giới thiệu, mãi sau chị Yến mới xin được làm nhân viên cho một cơ sở sản xuất hoa lụa tại thành phố Vinh.

Người chủ tốt bụng thỉnh thoảng còn cho thêm chị đôi đồng để về lo cho người chồng khuyết tật. Không dư dả nhưng như vậy cũng coi như tạm đủ sống. Thương vợ chồng anh chị, hai bên nội ngoại cũng quyên góp dựng được căn nhà cấp 4 để ở riêng.

Chị Yến. Ảnh dẫn: kênh 14

Bằng sự cần cù, nỗ lực học hỏi, cộng với chút khéo tay, chị Yến đã tạo ra được nhiều sản phẩm đẹp, được nhiều người khen ngợi. Cuối cùng thì những ngày khốn khó cũng qua đi, giờ đây thu nhập chị Yến chắt bóp thì cũng đủ trang trải cho gia đình nhỏ. Và họ bắt đầu nhen nhóm mong ước có một đứa con, nhưng… nỗi sợ hãi về thân thể khiếm khuyết khiến họ cứ day dứt mãi…, chỉ một đứa con thôi, giống như những cặp vợ chồng bình thường khác, sao mà lại khó đến thế…

Chị Yến chia sẻ trong nước mắt:

“Hai vợ chồng không dám sinh con, vì sợ cháu sẽ phải gánh chịu nỗi đau giống như bố mẹ. Nhưng rồi, nỗi khao khát có một đứa con để bế ẵm đã chiến thắng mọi âu lo.”

Và hạnh phúc đến với vợ chồng chị Yến, năm 2005, cả anh chị lẫn hai bên nội ngoại đều thở phào nhẹ nhõm khi chị sinh được bé trai Ngô Xuân Hoàn lành lặn, khỏe mạnh, bụ bẫm. Sau bao ngày mòn mỏi chờ đợi, sợ hãi xen lẫn lo âu, cuối cùng thì mọi người đã có thể an tâm mà mỉm cười, đứa bé như tiếp thêm sức mạnh cho đôi vợ chồng khiếm khuyết, khiến họ càng khao khát và trân trọng cuộc sống hơn.

Đến nay, bé Hoàn đã 12 tuổi, là học sinh xuất sắc của Trường THCS Hưng Chính. Biết gia cảnh nghèo khó, thương mẹ vất vả làm lụng, lại thương bố đau ốm liên miên, Hoàn rất chăm chỉ học tập, luôn vâng theo lời người lớn, ai ai cũng yêu quý em. Sau giờ lên lớp, Hoàn giúp mẹ chăm sóc, tắm rửa và cho bố ăn. Có con trai đỡ đần, chị Yến có thêm thời gian để đi làm, đời sống gia đình cũng bớt chật vật hơn so với trước đây.

13 năm làm vợ, vừa quần quật kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, vừa chăm chồng, nuôi con nhưng chị Yến chưa một lần than thở. Ngược lại, chị luôn thấy hạnh phúc với nỗi bận bịu và nhọc nhằn đó.

Ảnh cưới vợ chồng chị Yến và cậu con trai thông minh, sáng láng. (Trong tấm ảnh cưới, chỉ có 2 khuôn mặt là của chị Yến và anh Bình, còn thân là của người khác). Ảnh: kênh 14

Chỉ lên tấm ảnh chân dung bé Hoàn, nằm sát ảnh cưới của vợ chồng (mà thực chất chỉ có mỗi khuôn mặt là của anh chị), chị gạt những giọt nước mắt hạnh phúc, tâm sự.

“Làm nhiều hơn chút thì có sao đâu, có đủ tiền lo ba bữa cho hai bố con là mình vui rồi. Như thế này mình thấy hạnh phúc mỹ mãn lắm, không trông mong gì hơn”.

Hạnh phúc chỉ đơn giản có vậy. Một niềm vui nho nhỏ khi đủ cơm ăn áo mặc và có người để yêu thương. Chứng kiến nghị lực phi thường của người phụ nữ này, chúng ta thêm hiểu may mắn không bao giờ bỏ quên những người xứng đáng; nơi cuối cầu vồng không phải là nỗi đau.

Suy ngẫm:

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau nó để lại vẫn chưa bao giờ nguôi tắt, vẫn có những con người hằng ngày, hằng ngày kiên cường chống chọi với nó, bằng cả sự nỗ lực không ngơi nghỉ và niềm khao khát được sống một cuộc đời thực sự. Họ sống không chỉ cho chính bản thân mình, họ còn sống để truyền cảm hứng cho những những người xung quanh, để con người thêm niềm tin vào những phép màu bình dị trong cuộc sống, để con người còn đủ niềm tin rằng: “Tận cùng của nỗi đau chính là hạnh phúc”.

Dành cho những ai còn đang bất mãn và than phiền với cuộc sống, hãy ngừng nghĩ về nghịch cảnh của mình, và dừng lại đọc câu chuyện cổ tích giữa đời thực này, bạn sẽ nhận ra rằng: khó khăn không bao giờ có thể lấy đi được hạnh phúc, chỉ cần bạn tin tưởng và sống hết lòng.

Và cho những ai còn đang trong cuộc hôn nhân bế tắc, sầu não vì một gia đình không hạnh phúc. Hãy tạm ngừng một chút và nhìn cách mà anh Bình và chị Yến nương tựa vào nhau để sống và yêu thương. Những tưởng hạnh phúc cứ mãi bỏ quên hai con người khiếm khuyết, nhưng chính sự chân thành và giản dị đã đem đến cho họ những phép màu diệu kỳ. Chỉ cần bạn bao dung hơn một chút, thấu hiểu hơn một chút, chắc chắn bạn sẽ thấy hạnh phúc luôn ở quanh ta.

Linh An

Xem thêm:

 

Exit mobile version