Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện cuộc đời: Chị “đậu nành” nay đã biết lấy khổ làm vui

Ban chuyên mục Đời sống Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu đến quý độc giả loạt bài “Câu chuyện cuộc đời” kể về những con người đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước. Họ có thể là một giáo sư, tiến sĩ, một bác sĩ, một doanh nhân hay một anh công nhân, chị nông dân, em học sinh sinh viên, v.v… Mỗi người với thân phận, giai tầng, nghề nghiệp và hoàn cảnh khác nhau, nhưng sâu thẳm từ trong tiềm thức vẫn luôn đau đáu một nỗi khát khao được tìm về với chân lý và ý nghĩa nhân sinh vốn có của đời người.

Thử thách nghiệt ngã của số phận

Ngày chị mang thai ở quê, chồng chị bảo sẽ lên Sài Gòn tìm việc làm mong cuộc đời của mẹ con chị sau này đỡ khó nhọc hơn. Cũng từ ngày đó cho đến lúc sinh nở, rồi ròng rã bao năm nuôi con một mình, chồng chị không trở về, cũng không có tin tức…

Thân gái một mình lưu lạc đến Sài Gòn, không có lấy một người có thể nương tựa, trong nhà không có đàn ông, chỉ có chị và 2 đứa con, 1 gái, 1 trai đều còn rất nhỏ. Gục ngã dường như là điều không thể, chị vừa là mẹ, vừa là cha của bọn trẻ. Dẫu có cùng cực thế nào thì cũng nhất quyết không thể ngã xuống, chị nhủ với lòng mình như vậy. Hồi còn dưới quê, chị là một giáo viên mầm non. Nhưng hoàn cảnh bây giờ chị chỉ có thể buôn gánh bán bưng, làm những nghề không cần bằng cấp mà vẫn mưu sinh được.

Những ai thường đến một ngôi chợ nhỏ ở Gò Vấp, hẳn đã quen mặt chị bán sữa đậu nành tên Hồng. Mười mấy năm rồi, chị vẫn trung thành với gánh hàng nước mát đậu nành của mình. Nhớ lại những năm tháng ngậm đắng nuốt cay trong cuộc đời, chị kể…

Lên Sài Gòn, mẹ con chị thuê một căn phòng trọ để sống, ngày ngày chị nấu sữa đậu nành đem ra chợ bán. Đứa con trai vì còn quá nhỏ, có lúc chị làm liều nhốt nó lại trong nhà để đi bán, rồi trưa dọn hàng về chăm con. Không có lấy một người thân thích để nương tựa. Về sau chị cho con đi nhà trẻ nửa buổi sáng để có người trông, nhưng vì không có tiền đóng tiền ăn trưa cho con, cứ đến giờ các bạn quây quần ngồi ăn, cô giáo lại bắt con chị không được nhìn, phải quay mặt ra cửa để chờ mẹ đến đón. Những hôm vắng khách, chị nán lại bán thêm thành ra đón muộn. Khi thấp thoáng thấy bóng dáng của chị, đứa trẻ nhảy cẫng lên chạy ào ra như là chờ đợi chị từ lâu lắm lắm. Chị nhìn con mà ứa nước mắt…

Cái nghề của chị cũng phụ thuộc vào sự nắng mưa của ông Trời, Sài Gòn mà, cứ 6 tháng nắng, rồi lại 6 tháng mưa… Hàng ngày chị thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để nấu sữa. Nhiều hôm mới chở hàng ra khỏi nhà được không lâu thì trời mưa như trút nước, xe hỏng, hàng đổ, nước mắt với nước mưa hòa lẫn vào nhau không còn phân biệt được. Nhưng chị tự nhủ với lòng, có thế nào thì cũng phải ra chợ, bán được 5 đồng, 10 đồng gì cũng phải đi, ướt hết cũng phải đi, không đi thì tiền thuê chỗ, tiền chợ, tiền nhà, tiền học của con biết phải tính làm sao…

Cuộc sống cực khổ khó khăn như vậy, mẹ con chị nương tựa lẫn nhau mà sống qua ngày. Nhưng tạo hóa trêu ngươi, dường như cảm thấy thử thách người đàn bà này như vậy vẫn chưa đủ. Năm 2008, có lẽ do làm việc quá sức, mang vác quá nặng, cột sống của chị gồ lên một đoạn ở thắt lưng. Bác sĩ phán một câu mà chị nghe xong liền xóa nó ra khỏi đầu ngay “nếu không mổ, chị sẽ bị liệt”. Chị cười, chị không thể mổ vì không có tiền, mổ rồi nằm một chỗ ai sẽ lo cho các con của chị đây, hàng trăm thứ tiền biết lấy ở đâu ra. Không thể mổ mà chị cũng không cho phép mình bị liệt. Chị liệt rồi thì các con chị sẽ thế nào đây. Vậy là chị chọn giải pháp phớt lờ như không nghe thấy bác sĩ nói gì. Việc cần làm thì chị vẫn cứ phải làm. Cuộc sống buộc chị phải kiên cường mà hướng về phía trước.

Cái khổ đeo bám dai dẳng

Nhờ siêng năng chịu khó và tiết kiệm dành dụm, chị có được một số tiền nhỏ. Bà chủ nhà biết được bèn mượn tiền của chị, nói là để sửa lại phòng trọ cho khang trang hơn. Chị nghĩ vậy cũng tốt, dù sao chị cũng còn thuê lâu dài ở đây. Thế nhưng, sau khi sửa phòng trọ xong, bà chủ quyết định tăng tiền thuê nhà lên. Chị không có khả năng để thuê với mức giá đó, bèn phải dọn đi chỗ khác ở. Nói thế nào bà chủ cũng không trả lại tiền chị đã cho bà vay. Một lần nữa, bóng tối lại trùm phủ lên gia đình bé nhỏ của chị. Qua chỗ trọ mới, có lần vì không kịp đóng tiền nhà cho chủ, ông chủ đã qua phòng đạp đổ nồi nước mát đang nấu dở dang, 2 đứa con sợ hãi khóc mếu khóc máo. Chị bảo con không có gì phải khóc, đổ rồi thì ta lại nấu nồi khác. Còn có cái khổ nào mà chị chưa từng nếm trải nữa…

Ánh sáng cuối đường hầm

Năm 2011, một người bạn đã giới thiệu cho chị biết pháp môn tu luyện cổ truyền của Phật gia tên là Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công. Đây là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân, bao gồm 5 bài động tác luyện tập khí công nhẹ nhàng và các bài giảng đạo đức tu thân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ngày nhận được quyển sách Chuyển Pháp Luân (quyển sách chỉ đạo sự tu luyện của Pháp Luân Công), chị đọc say mê, cảm thấy như tất cả những câu hỏi lớn trong cuộc đời mình đều được trả lời hết trong quyển sách này.

Chị biết được vì sao cuộc đời chị khổ đến thế, chị biết được mục đích sống và làm người của mình, chị cũng giải được biết bao điều bí ẩn của nhân sinh mà cả cuộc đời chị, chị chưa từng nghĩ mình có thể hiểu được. Quan trọng hơn hết là chị biết được từ giờ trở đi, chị cần phải sống như thế nào theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Chị tin luật nhân quả, tin thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Nhờ đó chị không thấy cuộc đời bất công, không thấy oán trách hay buồn phiền những người đã mang đến đau thương cho cuộc đời chị. Trái lại, chị thấy hạnh phúc vô bờ bến như thể chị vừa ngộ ra được chân lý của cuộc đời. Thật không có niềm hạnh phúc nào hơn. Chị trân quý kiếp làm người này, trân quý tất cả những điều đã đi qua và trân quý quyển sách thần kỳ này vô hạn.

Chị Hồng đọc sách Chuyển Pháp Luân tại công viên (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Cũng từ đó, chị bắt đầu bước chân trên con đường của một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Hàng ngày, chị vẫn dậy từ tờ mờ sáng nấu sữa ra chợ. Đến chiều chị cùng các học viên Pháp Luân Công khác ra công viên luyện 5 bài công pháp và giới thiệu pháp môn tu luyện tuyệt vời này với những ai quan tâm.

Chị Hồng đang luyện bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua. Một hôm khi vừa đi chợ về, chị rất đỗi ngạc nhiên khi thấy bà chủ phòng trọ cũ lặn lội đến tận phòng trọ mới, đi tìm chị để trả lại tiền đã vay cho chị. Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi, chị không còn mong đợi sẽ nhận lại được số tiền ấy nữa. Vậy mà… Chị cười bảo, vừa may chiếc xe chaly cũ chở hàng của chị rệu rạo quá rồi, hỏng hóc khắp chỗ. Giờ với số tiền này, chị có thể mua một chiếc xe mới cho con gái đi làm, còn mình thì dùng lại xe của con gái.

Thay đổi thân tâm, lấy khổ làm vui

Khi kể câu chuyện của mình, chị vén áo lên cho xem khúc xương gồ ở sống lưng. Bao năm rồi vẫn thế nhưng chị không bị làm sao cả. Từ ngày tu luyện Đại Pháp, chị khỏe lên rất nhiều, chẳng mấy khi ốm đau bệnh tật gì. Hàng ngày chị vẫn làm việc quần quật để mưu sinh, cực khổ vẫn còn đó, nhưng nụ cười và niềm vui lại tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt chị.

Vì tu theo Chân-Thiện-Nhẫn, chị chú ý giữ gìn từng chút suy nghĩ và hành vi của mình trong cuộc sống. Sữa đậu nành của chị gần như là nguyên chất, uống rất béo, thơm ngậy mùi đậu, nước mát được nấu từ nguyên vật liệu tự nhiên với đường phèn, rất tốt cho sức khỏe, nồi niêu, ly tách sạch tinh tươm. Chị từng chia sẻ: “Thà mình lời ít đi một chút để đảm bảo chất lượng và được sống chân thật.” Ai đã từng một lần ghé uống nước hàng chị, đều khó có thể quên được hương vị nguyên chất của sữa đậu nành và sẽ quay trở lại. Với những khách hàng khó tính, kênh kiệu, chị vẫn một mực nhẫn chịu, hết lòng phục vụ và vui vẻ với họ chứ không cảm thấy khó chịu và tủi thân như trước nữa.

Chị Hồng vui vẻ giới thiệu Pháp Luân Công với những người khách hữu duyên đến uống nước tán gẫu ở hàng chị. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Tu luyện theo Chân Thiện Nhẫn nên chị rất có trách nhiệm và có tâm với sản phẩm do mình làm ra. Vì thế các bậc phụ huynh rất tin tưởng và thường xuyên dẫn các bạn nhỏ đến uống sữa ở hàng nước chị Hồng. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Con gái chị giờ đã lấy chồng, sinh con. Người con rể biết mẹ vợ tu luyện Pháp Luân Công, không những rất ủng hộ mà còn ngỏ ý muốn học theo. Đứa con trai nhỏ của chị giờ đã học cấp hai, biết nấu cơm và rửa nồi phụ giúp cho mẹ. Mặc dù vẫn chưa trưởng thành, nhưng nhiều lần con đã biết nói với chị “mẹ cứ lo tu luyện cho tốt, con tự lo được cho bản thân mình.

Nhiều người biết được hoàn cảnh cuộc đời của chị, không khỏi ngạc nhiên sao lại có một người kiên cường, mạnh mẽ và lạc quan yêu đời đến thế, cứ như cái cây sừng sững gió mưa nào cũng không quật ngã nổi, như hoa sen vẫn tỏa ngát hương giữa dòng đời đầy ô nhiễm này. Hỏi chị, chị chỉ nhẹ nhàng cười bảo… nhờ tu luyện Pháp Luân Công.

Ban chuyên mục Đời sống Thời báo Đại Kỷ Nguyên

Website giới thiệu Pháp Luân Công, các bài giảng và video hướng dẫn các bài công pháp: phapluan.org

Video giới thiệu Pháp Luân Công:

Xem thêm:

Exit mobile version