Đại Kỷ Nguyên

Manhattan: Cột mốc bí ẩn ở công viên Trung tâm và tầm nhìn của các kĩ sư từ thế kỉ 19

Ở công viên Trung tâm tại Manhattan, thành phố New York, Mỹ, có một cột mốc nhỏ bí ẩn trông khá bình thường và trơ trọi. Đôi khi du khách tới đây sẽ phải tự hỏi rằng tại sao người ta không nhổ bỏ nó đi? Thật ra đằng sau cột mốc bí ẩn đó là cả một câu chuyện, mà nếu không có nó, thì cũng không có Manhattan sầm uất của ngày hôm nay.

Manhattan, một trong 5 quận nổi tiếng của thành phố New York. Nhắc đến Manhattan, người ta tự nhiên sẽ nghĩ đến một loạt các thành ngữ nổi tiếng như: thị trường chứng khoán phố Wall, giới triệu phú, nhà hát Broadway, cùng các tòa nhà cao tầng với những nhân viên cổ cồn trắng. Cái tên Manhattan theo tiếng Ba Tư có nghĩa là “mảnh đất của sự say sưa”, và mảnh đất ấy thực sự đã làm nhiều người mê đắm vì sự giàu có và phồn hoa của nó. Thế nhưng ít ai biết rằng, Manhattan sầm uất của hôm nay chỉ bắt đầu từ hơn 1.000 cột mốc nhỏ, mà cho đến hiện tại, dấu vết duy nhất còn lại của chúng là một mốc sắt rỉ sét tại công viên Trung Tâm thành phố New York.

Mốc sắt rỉ sét mang trong mình câu chuyện về Manhattan(Ảnh: Tech Insider, YouTube)

Từ đầu thế kỷ 19, các nhà chức trách Mỹ đã hiểu rất rõ rằng, Manhattan cần phải có một thiết kế tổng thể. Chính vì thế, họ đã quyết định chia mảnh đất này thành một hệ thống ô chữ nhật khổng lồ. Đó không phải là một công việc dễ dàng! Và kỹ sư khảo sát John Randel, Jr. cùng các cộng sự đã phải làm việc rất vất vả trong 10 năm liền, kể từ 1807. Công việc của Randel không chỉ nằm trên bàn giấy, ông phải đi tới tất cả các giao lộ, từ đại lộ số 14 tới đại lộ số 155, và đánh dấu chúng với hơn 1000 cột mốc bằng sắt hoặc đá cẩm thạch. Hầu hết các công cụ khảo sát thời bấy giờ đều do Randel tự mình chế tạo nên.

Các công cụ khảo sát thời xưa (Ảnh: Cyclopaedia, US public domain, Wikipedia)
Nhóm của Randel phải đặt cột mốc tại mỗi giao lộ trong bản đồ (Ảnh: Tech Insider, YouTube)

Nhưng các kỹ sư của chúng ta không chỉ phải đối mặt với các khó khăn về dụng cụ, địa hình hay mức độ khổng lồ của dự án. Họ còn bị những người dân địa phương xua đuổi bằng rau củ, bị chó đuổi, và bị nhổ các cột mốc đã làm. Cũng dễ hiểu thôi, vì nếu có ai đó đi vào đóng cọc trong vườn nhà bạn và nói rằng trong tương lai một đại lộ sẽ xuyên thẳng qua đó, thì ai mà chẳng bực tức… Tuy nhiên, cuối cùng công việc của Randel cũng hoàn thành. Và cho đến hiện tại, cột mốc duy nhất còn lại của quá trình thiết kế quan trọng đó, là cột mốc bí ẩn tại công viên Trung tâm ở Manhattan.

John Randel, Jr. là người đứng sau những cột mốc đặt nền móng cho Manhattan hiện đại (Ảnh: Architectural Review)

Thế đấy, một mốc sắt rỉ sét lại âm thầm kể với con người ngày nay tầm nhìn rộng lớn của những người đi trước. Cũng chỉ có sự bao quát đến vậy mới xứng tầm với một mảnh đất giàu có nhất thế giới như Manhattan. Người ta nói rằng: thế giới đuổi theo Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đuổi theo New York, và New York thì cạnh tranh với Manhattan. Đến với nơi đây, bạn có thể cảm nhận sự giàu có hiện ra trên mặt đất, dưới đất, trên không trung, và ngay cả trong mỗi lần kim đồng hồ chuyển dịch. Âm thanh của những đồng tiền vàng vang lên khắp mọi nơi.

Bản đồ chia ô khổng lồ của Manhattan (Ảnh: Tech Insider, YouTube)

Có một truyền thuyết kể lại rằng, sự giàu có của Manhattan bắt nguồn từ một mối duyên tiền định với Đông phương: mảnh đất này chính là một đồng tiền thiêng liêng được ném xuống từ trên thiên thượng. Nếu bạn từng tình cờ nhìn vào bản đồ thì Manhattan quả thật trông giống như một đồng tiền Trung Hoa cổ đại vào thời nhà Thanh vậy. Mà nền văn hóa rực rỡ của phương Đông lại có một tên gọi khác là văn hóa Thần truyền. Chính vì thế, một lẽ tự nhiên, tất cả tiền tệ trên trái đất đều bước trên Manhattan, và đưa nó trở thành một trung tâm tài chính của thế giới vào thời hiện đại.

Manhattan trên bản đồ trông như một đồng tiền Trung Hoa cổ xưa (Ảnh: Wikipedia)
Đồng tiền Trung Hoa cổ xưa (Ảnh: Theo Chanhkien.org)

Không có lý do gì mà chúng ta lại phải loại bỏ một truyền thuyết đẹp đến vậy, mặc dù nhiều người dân Manhattan sẽ thường được nghe kể về một truyền thuyết khác. Trong đó, mảnh đất trù phú này được mua lại bởi một chuỗi hạt của Phật trị giá 24 đô la cùng vài vật phẩm quý hiếm. Tất nhiên, con người của trung tâm thương mại bậc nhất thế giới ấy sẽ nghĩ tới cái giá 24 đô la, nhưng nếu ai hiểu lẽ nhân quả thì sẽ chú ý rằng Manhattan được mua bởi một chuỗi hạt của Phật. Chính vì vậy, nói Manhattan có tiền duyên với văn hóa phương Đông cũng không có gì là sai trái.

Manhattan, mảnh đất của sự say mê, mảnh đất mang trong mình một mối duyên thầm lặng với văn hóa phương Đông huyền bí, và con người nơi đây rồi sẽ có lúc tự hỏi rằng, đến bao giờ hay bằng cách nào mà Manhattan có thể hoàn thành mối tiền duyên ấy.

Trương Kiệt Liên, Quang Minh

Xem thêm:

Exit mobile version