Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện thần kỳ ở xứ sở Paraguay: Âm nhạc cải biến những đứa trẻ hư hỏng thành nghệ sĩ

Câu chuyện về hành trình cải biến những đứa trẻ hư hỏng sống trong “ngôi làng rác thải” trở thành những nghệ sĩ âm nhạc, yêu thiên nhiên và biết cảm nhận cuộc sống đã trở thành huyền thoại của vùng đất Paraguay.

Ngôi làng của rác thải

Ngôi làng Cateura, nằm ở ngoại ô thành phố Asuncion, Paraguay là một vùng chôn lấp rác thải, mỗi ngày có tới 1.500 tấn rác được gửi về ngôi làng. Ở đây, rác thải được coi là tai ương nhưng cũng lại là nguồn thu nhập chính đối với những người dân nghèo. Mỗi ngày, họ lên những núi rác để tìm kiếm và nhặt nhạnh bất kỳ thứ gì có thể bán được, một cân nhựa được 20 cent, một cân bìa giấy được 10 cent…

Năm 2005, chuyên viên sinh thái môi trường Favio Chávez đã đến Cateura nhằm cải thiện các vấn đề môi trường. Trong suốt quá trình sinh sống tại đây, Favio quen biết được với rất nhiều người dân trong làng và một điều khiến anh rất ngạc nhiên đó chính là cuộc sống của những đứa trẻ nghèo sống trong vùng. Chúng lớn lên trong sự bao vây của cảnh bần hàn, nạn mù chữ, bạo lực, trộm cướp và ma túy.

Kết bạn với những điều bất hạnh

Trăn trở trước cuộc sống khó khăn của những đứa trẻ nghèo, Favio tin nhất định phải có một cách nào đó để thay đổi hiện trạng này. Chúng nên được sống một cuộc đời có đam mê, có mơ ước và có hạnh phúc như bao đứa trẻ khác mà không bị hạn cuộc vào thực tế rằng chúng là những đứa trẻ sinh ra từ đống rác.

Với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, Favio ngoài việc là một kỹ sư môi trường anh còn là một tay chơi ghita và clarinet chuyên nghiệp. Bằng những kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được sau những năm học nhạc, anh quyết định chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình cho những đứa trẻ, anh hy vọng chúng cũng có thể học cách cảm nhận cuộc sống thông qua âm nhạc và tìm được niềm đam mê của mình qua những gì mà chúng đã cố gắng.

Favio mang tất cả những dụng cụ nhạc mà anh có để san sẻ cho những đứa trẻ, anh dạy chúng những khóa học nhạc cơ bản. Và chỉ sau một thời gian ngắn, anh nhận ra dụng cụ âm nhạc không đủ để chia cho những học sinh ngày càng đông lên. Để giải quyết vấn đề này, Fabio đã nhờ đến sự giúp đỡ của Nicholas Gomes một người thợ sống trong làng. Họ đã cùng nhau nghiên cứu cách chế tạo ra các loại dụng cụ âm nhạc từ rác thải. 

Dưới bàn tay tài nghệ của Nicholas, những mảnh kim loại nhỏ, chai lọ, gỗ và dĩa… tìm được từ bãi rác Cateura hóa thành cây violon, sáo, cello, trống… Mỗi tuần 3 lần, ông dạo quanh Cateura để tìm nguyên liệu. Ông dùng cưa điện để định hình những cái khay kim loại thành thân của một cây đàn violon và thiết kế những cây đàn cello từ vỏ thùng đựng dầu. Cần đàn được đẽo ra từ những thanh gỗ cũ. Sáo, trống… tất cả đều được làm từ phế liệu.

Âm nhạc cải biến tâm hồn những đứa trẻ

Favio đã đưa cho những đứa trẻ các loại nhạc cụ làm từ rác này và bắt đầu luyện tập các bài tập đơn giản trên cơ sở từng phần. Sau đó những đứa trẻ nhận ra chúng có thể tạo ra những âm điệu tuyệt vời khi kết hợp nhiều nhạc cụ lại với nhau.

Tại Cateura, môi trường sống xung quanh đã ảnh hưởng quá nhiều đến sự lớn lên của những đứa trẻ, chúng trở thành người hư hỏng, bạo lực, ma túy… Tuy nhiên, từ khi được học nhạc các em đã trở thành những con người hoàn toàn khác.

Năm 2006, dàn nhạc Recycled Orchestra (Dàn nhạc Tái chế) chính thức được thành lập.

Favio Chavez nói rằng:

Âm nhạc dạy cho bọn trẻ biết tôn trọng bản thân và người khác cũng như biết sống có trách nhiệm.

“Người nghèo cần cái ăn cho ngày hôm nay,” Favio nói. “Họ không nghĩ đến những vấn đề của ngày mai. Nhưng học nhạc có nghĩa là bạn phải lập kế hoạch. Thật vô cùng thách thức để giải thích cho một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bất lợi rằng nếu em ước mơ chơi đàn piano thì em cần phải ngồi trên ghế tập tới 5 giờ mỗi ngày”.

“Ước mơ của cháu là trở thành nghệ sỹ,” Noélia, 13 tuổi, cô bé sở hữu cây đàn guitar, được Gómez chế tác từ hai hộp thiếc lớn đựng món tráng miệng làm bằng khoai tây Paraguay.

“Được đến những nước khác, đầu óc cháu mở mang hẳn ra,” Ada, 14 tuổi, chơi đàn violin, nói. “Cháu không quan tâm đến việc cây đàn của mình được làm từ phế liệu,” cô bé chia sẻ. “Với cháu, đó là một báu vật”.

Lúc đầu bố mẹ của các em đã phản đối nhưng sau khi xem buổi trình diễn của dàn nhạc do chính những đứa con của mình biểu diễn họ đã rơi những giọt nước mắt cảm động. “Phần lớn cha mẹ đều nói với con mình rằng, không thể mài đàn ra mà ăn được; rằng chúng cần phải làm việc để có cái ăn,” Jorge Ríos, 35 tuổi, một người làm nghề tái chế rác có hai con gái chơi trong Recycled Orchestra, thổ lộ. “Nhưng nhờ cây đàn violin mà các con tôi được thấy những đất nước khác. Chúng có cơ hội được sống một tương lai tốt đẹp hơn”.

Hòa âm ở vùng đất rác

Câu chuyện của những đứa trẻ đã được thế giới biết đến thông qua Youtube và đã được sản xuất thành một bộ phim tài liệu có tên ‘Landfill Harmonic’ (Tạm dịch: Hòa âm ở vùng đất rác) vào năm 2015. Bộ phim đã nhận được rất nhiều giải thưởng tại hơn 30 liên hoan phim trên thế giới và đề tài của bộ phim đã trở thành một vấn đề mang tính quốc tế.

“Những đứa trẻ này quá khuất nẻo với thế giới, không ai biết đến sự tồn tại của chúng. Chúng tôi đưa các em lên sân khấu và giờ đây mọi người đều nhìn vào các em và biết đến sự tồn tại của chúng,” Favio chia sẻ.

Thế giới gửi cho chúng tôi rác thải… và chúng tôi trao lại bằng âm nhạc

Âm nhạc là liều thuốc có thể chữa lành những vết thương, xóa tan hận thù và nghèo đói. Âm nhạc giúp người ta quên đi khổ đau và cảm nhận cuộc sống thêm phần thi vị. Câu chuyện thần thoại ở ngôi làng Cateura là bằng chứng chứng minh rằng âm nhạc có thể cảm hóa tâm hồn cằn cỗi, đau khổ của những đứa trẻ nghèo thành những con người biết sống, biết suy nghĩ và cảm nhận điều tươi đẹp của cuộc sống.

Nguồn ảnh: Pinterest

Tâm Liên

Exit mobile version