Nếu trên đời này có một mối quan hệ sâu sắc và tồn tại mãi mãi, thì đó là mối quan hệ giữa tôi và em trai mình. Dù có dùng bao nhiêu từ ngữ, tôi cũng không thể diễn tả hết sự biết ơn của mình.
Chúng tôi lớn lên từ trang trại ở một ngôi làng xa xôi hẻo lánh và yên tĩnh. Có một lần, tôi ăn cắp 5 nghìn từ ngăn kéo của cha mình để mua một chiếc khăn tay hoa, nhưng ngay sau đó cha tôi đã phát hiện ra là tiền mất.
Cha bắt hai chị em chúng tôi quỳ gối úp mặt vào tường, còn cha cầm cây roi tre dọa đánh. Ông muốn một trong hai đứa chúng tôi phải nhận lỗi, nhưng không đứa nào dám nói gì. Vì vậy cha tôi rất giận, nói rằng cả hai chị em chúng tôi đều chịu phạt. Lúc ấy tôi đã sợ run lên, nhưng càng sợ, tôi càng không dám khai thật. Khi ông giơ cây roi tre lên cao, em trai tôi nắm lấy tay cha và nói: “Cha ơi chính là con, con ăn trộm, không phải chị đâu”.
Cha tôi là người rất nóng tính và có lòng tự trọng cao, ông không bao giờ dạy con cái mình làm điều bất chính, nên vừa nghe vậy, ông đã vô cùng tức giận và đánh em một trận nhừ tử. Khuya đêm đó, mẹ tôi và tôi ôm thân thể đầy dấu đòn roi của em khóc như mưa, xót em lắm, nhưng em không rơi một giọt nước mắt.
Em nói với tôi: “Chị ơi, chị đừng khóc. Em chịu đau được, sẽ qua thôi mà…”. Tôi đã luôn luôn hối tiếc vì sự hèn nhát của mình vào cái ngày hôm ấy, và tôi cũng không bao giờ quên nét mặt đau đớn gan lì chịu đòn của em tôi, một trận đòn mà đáng lẽ ra người phải chịu là tôi.
Năm ấy em tôi lên 8 còn tôi thì 11 tuổi.
Em trai tôi sau này được nhận vào một trường trung học lớn, còn tôi cũng thi đậu vào một trường đại học của tỉnh. Một đêm không ngủ được, tôi ra sân thấy cha tôi đang ngồi xổm ở ngoài đó, hút ống điếu và thì thầm với mẹ: “Làm gì thì làm, nhất định phải học hành đến nơi đến chốn”. Tôi thấy mẹ lau nước mắt và nói: “Nhưng phải làm sao bây giờ, một kỳ học cũng chẳng đủ tiền”.
Bỗng em trai tôi từ đâu xuất hiện và nói với cha: “Cha, con không muốn học trung học, con học như vầy là đủ rồi”. Cha tôi giật mình, ông quát em: “Con thực sự làm cha thất vọng!”. Rồi ông bảo sẽ đi vay bằng được tiền học phí.
Tôi vội trở lại giường nằm, nhưng cả đêm đó tôi cũng không ngủ được. Cuối cùng, tôi quyết định không đi học đại học nữa, vì ở làng tôi đàn ông thất học thì không đi đâu được, còn phụ nữ thì có thể cưới tạm một tấm chồng. Nghĩ như vậy xong, tôi cảm thấy vui lắm, và mong trời mau sáng để nói ngay với bố mẹ.
Nhưng sáng hôm sau, khi thức dậy, cả nhà phát hiện em trai tôi đã bỏ đi trong đêm. Em viết để lại cho tôi lời nhắn: “Chị ơi đừng lo lắng, em không thông minh, khó mà vào được đại học lắm, em sẽ đi làm, như vậy chị có thể đi học”. Tôi òa khóc.
Năm ấy em tôi 17 tuổi, còn tôi đã 20.
Năm thứ ba đại học, một hôm khi đang ở trong phòng kí túc xá, bạn cùng phòng của tôi vào nói rằng tôi có một người khách ở làng đến thăm. Khi đi ra, tôi thấy đó là em trai của mình, người em mặc quần áo lao động phủ đầy bụi xi măng. Tôi hỏi em: “Tại sao em không nói với người ta em là em trai của chị?”.
Em tôi cười hiền lành bảo rằng: “Người ta sẽ cười nhạo chị khi thấy em ăn mặc như thế này”. Tôi cảm thấy nhói trong lòng, liền nói với em: “Em có ăn mặc như thế nào đi nữa thì em vẫn là em trai của chị. Và chị cũng không quan tâm người khác nghĩ gì”.
Em tôi không đáp, lấy ra một cái kẹp tóc hình con bướm gói trong một chiếc khăn tay và cài nó lên tóc tôi. Em nói, em thấy bây giờ tất cả các cô gái trên thành phố đều cài chúng nên đã mua cho tôi một cái. Tôi ôm chặt em và nói cảm ơn trong nước mắt.
Năm ấy em 20 tuổi, còn tôi 23.
Vào ngày đầu tiên đưa bạn trai về nhà ra mắt bố mẹ, tôi thấy nhà mình sạch sẽ và mọi thứ cũ kỹ đã được dọn dẹp, sửa chữa, kể cả ô cửa sổ bị bể nhiều năm trước đây cũng đã được thay bằng cửa kính mới. Sau khi bạn trai ra về, tôi nói với mẹ: “Cảm ơn mẹ đã dọn dẹp nhà cửa đẹp đẽ”. Mẹ tôi mỉm cười và nói: “Là em trai con làm đấy. Biết con và bạn trai về chơi, nó đã về nhà sớm sửa sang, dọn dẹp. Nó còn bị đứt tay lúc sửa cái cửa sổ kia cơ”.
Tôi bước vào phòng em, chợt thấy khuôn mặt gầy gò của em khiến tôi đau lòng. Em tôi cười và nói: “Bạn của chị cũng là sinh viên đại học, chúng ta không thể để anh ấy cười nhà mình được”. Tôi quay mặt đi và khóc.
Năm ấy em 23, còn tôi 26.
Sau này chúng tôi kết hôn và chuyển lên thành phố sống. Chúng tôi nhiều lần mời cha mẹ lên sống cùng, nhưng họ từ chối, nói rằng không biết phải làm gì nếu rời khỏi làng. Em trai tôi cũng phản đối. Nó nói: “Chị à, chị phải chăm sóc cho chồng chị còn em sẽ ở đây chăm sóc cho cha mẹ”. Khi chồng tôi được đề bạt vào vị trí giám đốc nhà máy, tôi hỏi chồng liệu có thể đưa em trai tôi vào làm quản lý bộ phận sửa chữa được không. Nhưng em trai tôi đã từ chối và tiếp tục làm công việc của một anh thợ quèn ở làng.
Một ngày, em tôi không may bị thương khi đang làm việc. Chồng tôi và tôi đã đến thăm em tại bệnh viện. Nhìn cái chân bó bột của em, tôi xót xa trong lòng và la lên: “Đấy, nếu em đồng ý làm quản lý, thì chuyện này sẽ không xảy ra. Em nhìn chân em kìa!”. Em trai tôi trả lời một cách nghiêm túc: “Chị đã bao giờ nghĩ tới chồng chị chưa? Anh ấy mới được thăng chức còn em thì thất học, làm thế nào em có thể gánh vác trách nhiệm này đây? Người ta sẽ nghĩ về anh ấy?”. Chồng tôi đã rơi nước mắt còn tôi thì vô cùng xấu hổ.
“Em không đi học được là vì em đã hy sinh cho chị”, tôi lắp bắp. Em nắm tay tôi và nói: “Đó là chuyện trong quá khứ, chị nhắc đến làm gì?”.
Năm ấy em đã 26 tuổi, còn tôi 29.
Một năm sau đó, em tôi kết hôn với một cô gái dễ thương cùng làng. Trong lễ cưới, khi được hỏi ai là người mà em tôn trọng nhất, em đã trả lời không chút ngập ngừng: “Chị tôi.” Rồi em tiếp tục kể một câu chuyện mà tôi cũng không còn nhớ, em nói: “Có một ngày mùa đông, trên con đường dài đi bộ đến trường tôi làm mất một chiếc găng tay, chị tôi đã đưa cho tôi găng tay của chị. Sau khi chúng tôi về nhà, tối hôm đó bàn tay của chị lạnh đến nỗi không cầm nổi đôi đũa. Từ ngày đó trở đi, tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi nhất định sẽ đối xử thật tốt với chị trong suốt quãng đời còn lại của mình”.
Mọi người đều quay sang khen tôi may mắn có một cậu em trai tốt. Tôi gật đầu, nói trong sự xúc động: “Tôi rất biết ơn em trai mình. Em tôi quả thực đã giữ lời hứa này trong suốt cuộc đời của chúng tôi”.
Nhiều năm sau, do thường xuyên lao động quá sức và hay làm việc khuya, em mắc bệnh ung thư phổi. Vào ngày đứng trước giường bệnh của em lần cuối cùng, tôi khóc không dừng được, không nói nổi một câu, chỉ biết nắm tay em mà khóc. Em nhẹ nhàng nói với tôi: “Cả cuộc đời này của em… đã sống vô cùng ý nghĩa, em không hối tiếc điều gì… Chỉ tiếc rằng không thể chăm sóc chị đến khi chị già yếu…”. Tôi nghe vậy, càng khóc nhiều hơn nữa. Tiền bạc, con cái, nhà cửa, tôi đều đã có, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể hạnh phúc nếu sống thiếu em trai mình.
“Chị lấy hộ em cái hộp ở đằng kia”, em thều thào nói với tôi. Tôi vội vã đứng lên lấy chiếc hộp em bảo. “Chị mở ra cho em”. Tôi nhìn chiếc hộp sơn mài cũ, rồi nhìn em, tôi không biết tại sao em lại muốn mất thời gian cho việc này vào thời khắc cuối cùng này, tôi chỉ muốn nắm tay em thêm một lúc nữa. Nhưng khi chiếc hộp được mở ra, tôi nhận ra đó chính là một chiếc khăn tay hoa…
“Chiếc khăn tay mà ngày xưa chị thích… không ở đâu còn bán loại khăn ấy nữa. Sau này, em tìm được một cái hơi giống. Nên em vẫn định khi nào tìm thấy một cái y hệt thì sẽ đưa chị…”.
Tôi òa khóc, tay run run cầm chiếc khăn lên, ký ức về trận đòn em chịu thay tôi năm ấy ùa về. Cả một cuộc đời này, em đã luôn ở bên tôi, âm thầm, chu đáo, tế nhị và đầy yêu thương. Nắm chặt đôi tay em, tôi cảm nhận được cái lạnh lan sang từng ngón tay mình…
Năm ấy em 37 tuổi, còn tôi 40.
Theo Visiontimes/Ảnh: Shutterstock
Tuệ Minh biên dịch
Video xem thêm: Bước ngoặt cuộc đời của chàng lái xe