Sức sống mãnh liệt và câu chuyện kì diệu của cây bonsai 391 năm tuổi đã thể hiện ý chí quật cường, thiện chí hữu nghị, và cả một phần nào đó cốt cách đặc trưng của người Nhật.
Cây thông trắng Nhật Bản này đã được nghệ nhân trồng bonsai có tên Masaru Yamaki hiến tặng cùng với 52 cây quý khác cho Vườn thực vật Quốc gia Mỹ năm 1976 nhân dịp nước Mỹ kỷ niệm 200 năm ngày độc lập và từ đó đến nay, đây là cây cảnh lâu đời nhất trong khu vườn thực vật nổi tiếng nước Mỹ.
Nhưng ẩn sau cây bonsai này là một câu chuyện kì diệu mà không phải ai cũng biết, và khi biết rồi thì chắc chắn ai cũng kinh ngạc lẫn thán phục: Nó đã sống sót vượt qua vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật hồi Thế chiến II.
Vụ ném bom nguyên tử với sức công phá hủy diệt đã làm chấn động nước Nhật và cả thế giới, nhưng cái cây bén rễ từ thế kỷ 17 này vẫn đứng vững và trường tồn với thời gian dù nằm ngay trong vùng ảnh hưởng của vụ ném bom.
Tháng 3/2001 khi hai người cháu trai của ông Yamaki từ Nhật đến Mỹ để thăm lại cái cây của ông mình, chính lúc này vườn thực vật mới được biết ý nghĩa của cây bonsai lâu đời mà ông Yamaki đã hiến tặng không một lời nhắn nhủ về lai lịch của nó.
Cây bonsai của ông Yamaki đã được gia đình trồng từ năm 1625, điều đó đồng nghĩa với việc từ năm 1625 cho tới năm 1976, mỗi ngày, cái cây đều được một người trong gia đình Yamaki quan tâm chăm sóc.
Vào ngày 6/8/1945, một quả bom nặng 4.400kg phát nổ tại Hiroshima vào lúc 8h15 sáng. Vườn cây nhà ông Yamaki nằm cách trung tâm vụ nổ bom hơn 3km. Nhưng thật kinh ngạc, cây bonsai đã không phụ lòng ông Yamaki, nó đã sống sót và vẫn đứng vững. Và cho đến thời điểm này, cây thông trắng của ông Yamaki đã sống lâu hơn nhiều so với vòng đời được kỳ vọng.
Đám mây phát ra từ quả bom nguyên tử hình cây nấm, tán cây bonsai của ông Yamaki cũng hình cây nấm. Mỗi khi lật lại hình ảnh về quả bom nguyên tử năm xưa rơi xuống Hiroshima, biết bao ký ức đau buồn lại trỗi dậy, còn hình ảnh về cây bonsai sống sót vượt qua biến cố đem lại niềm tin và sự thán phục.
Sức sống mãnh liệt và câu chuyện ẩn sau cây bonsai 391 năm tuổi của nghệ nhân người Nhật quả thực truyền cảm hứng. Cái cây đã âm thầm là cầu nối thể hiện ý chí quật cường, thiện chí hữu nghị, và cả một phần nào đó cốt cách đặc trưng của người Nhật.
Liên Hoa tổng hợp
Xem thêm:
- Điều gì đã làm nên kỳ tích Nhật Bản?
- Bị ném bom nguyên tử, vì sao người Nhật không hô hào tiêu diệt nước Mỹ?
- Tại sao người tốt lại gặp xui xẻo?