Bạn đang tìm kiếm một nửa yêu thương của mình? Bạn có thể gửi bức thư tình của mình tới địa chỉ:
Bräutigamseiche
Dodauer Forst
23701 Eutin, Đức
Nếu bạn tìm được ý trung nhân cho mình tại đây, chắc chắn đó sẽ là một cuộc hôn nhân hạnh phúc và dài lâu.
Xin lưu ý: Đường đến cây sồi như sau: Men theo đại lộ B76 từ Eutin đến Plön, rẽ phải tại nhà máy rượu Alex Münster và bạn sẽ thấy một biển chỉ dẫn về phía cây bên trái.
Nghe có vẻ hài hước đúng không? Nhưng sự thật là trong hơn một thế kỷ qua, cây sồi 500 tuổi bên ngoài thị trấn Eutin, Đức đã trở thành trung tâm kết nối những người độc thân trên thế giới và nhờ đó đã có ít nhất 100 cuộc hôn nhân diễn ra.
***
Vào một chiều đông lạnh, ở phía sâu trong khu rừng Dodauer thuộc miền Bắc nước Đức, người bưu tá mặc bộ quần áo vàng tươi đang một mình băng qua khu rừng. Anh bước đến bãi cỏ, lục lọi từ trong túi của mình một phong thư màu tím rồi leo lên bậc thang gỗ cao 3m đặt trong cây sồi cổ kính đến nay đã được 500 tuổi.
Hôm nay, anh chỉ có một phong thư tại đây và anh sẽ tiếp tục công việc trong ngày của mình là giao thư tới những địa chỉ khác.
Phong thư màu tím là của một người phụ nữ 55 tuổi có tên là Denies ở Bavaria, cô ấy hay cười và yêu thiên nhiên. Cô ấy biết những gì cô ấy muốn, cô ấy không sợ hãi nỗi cô đơn nhưng có chút phân vân khi có một người đàn ông nào đó có thể sẽ khiến cô ấy ngạc nhiên. Nếu thật sự có một người đàn ông như vậy, cô ấy hy vọng anh ấy cũng đang tìm kiếm tình yêu bên trong hốc sồi nhỏ bé.
Cây sồi hơn trăm tuổi này đã trở thành ‘bà mai’ cho rất nhiều cặp vợ chồng đến từ khắp các nơi trên thế giới, tính đến nay có ít nhất 100 cuộc hôn nhân kết nối được với nhau nhờ cây sồi cổ kính này. Ngày nay, mọi người từ khắp nới trên Trái đất viết thư gửi đến địa chỉ của cây sồi cổ tại Đức với niềm hy vọng tìm thấy nửa kia cuộc đời mình thông qua phong thư nhỏ.
Marie từ Brandenburg muốn tìm một người đàn ông biết nhảy; Heinrich từ Saxony muốn tìm người bạn đồng hành trong chuyến du lịch của mình; Liu đến từ Thạch Gia Trang Trung Quốc muốn biết liệu có người phụ nữ Đức nào muốn kết bạn với một người Trung Quốc.
“Đó là một điều kỳ diệu và lãng mạn”, Karl – Heinz Martens, 72 tuổi nói. Trong suốt 20 năm qua, Martens là người đưa thư, mang những hy vọng của mọi người đặt tại nơi nó cần đến.
Internet có thể kết nối mọi người bằng những sự kiện hoặc những câu hỏi; nhưng tại cây sồi này, việc kết nối những cặp đôi là sự trùng hợp ngẫu nhiên, giống như định mệnh.
Mặc dù đã nghỉ hưu, Martens vẫn giữ bên mình một cuốn sổ lưu lại những bức ảnh, thư từ và tờ báo từ ngày xưa… Những vụn vặt gợi ông về miền kí ức từng là một sứ giả tình yêu. Trong suốt 2 thập niên phục vụ đưa thư tới cây sồi, những bức thư mà Martens biết được đến từ 6 lục địa, thường bằng những thứ ngôn ngữ mà ông không hiểu. Mặc dù ngày nay đã có rất nhiều người biết về cây sồi mai mối này nhưng cách đây 128 năm, đó là một bí mật mà chỉ những người yêu nhau mới biết.
Chuyện kể rằng vào năm 1980, cô gái Minna đã yêu Wilhelm – một nhà sản xuất sô-cô-la trẻ. Tuy nhiên, cha của Minna đã cấm cô không được gặp gỡ Wilhelm, vì vậy cả hai bắt đầu bí mật trao đổi những lá thư viết tay bằng cách đặt chúng trong một cái hốc trong thân cây sồi. Một năm sau, cuối cùng cha của Minna cũng đồng ý cho hai người họ kết hôn. Ngày 2/6/1891, đám cưới của đôi uyên ương trẻ chính thức được cử hành dưới những tán sồi xanh rờn, nơi họ thường hò hẹn gửi thư.
Câu chuyện cổ tích tình yêu bên chiếc bưu điện cây sồi của cả hai chẳng bao lâu được lan rộng khắp nước Đức, nó trở thành niềm hy vọng cho những người độc thân không may mắn chưa tìm được nửa yêu thương kia của mình gieo niềm tin vào những điều mới mẻ tốt đẹp. Vậy là những lá thư yêu thương cứ liên tiếp được gửi tới bưu điện cây sồi.
Năm 1927, dịch vụ bưu chính Đức, Deutsche Post giao cho cây sồi mã bưu chính và bưu điện riêng của mình. Họ cũng đặt một chiếc thang để mọi người có thể tự đến lấy đọc và trả lời những bức thư mà họ nghĩ rằng đó là định mệnh của mình. Và bạn phải nhớ một nguyên tắc đó là, nếu bạn mở bức thư và đọc nhưng thấy đó không phải là nửa yêu thương mình tìm, hãy trả nó về vị trí cũ.
Martin Grundler, phát ngôn viên của Deutsche Post cho biết:
Cây nhận được khoảng 1.000 thư một năm. Hầu hết đều đến vào mùa hè. Tôi cho rằng đó là khi mọi người muốn yêu.
Nhắc về sự kì diệu của cây sồi trong mỗi vụ mai mối, người ta còn truyền tai nhau câu chuyện kể: Vào đêm trăng tròn, nếu người phụ nữ đi bộ quanh thân cây sồi 3 lần và nghĩ về người mình yêu, không nói hoặc không cười, thì họ sẽ kết hôn vào năm tới.
Ngày nay, cây sồi vẫn là cây duy nhất trên thế giới có địa chỉ gửi thư riêng. Trong suốt 91 năm qua, người đưa thư đã băng qua cánh rừng không quản lúc trời mưa, tuyết hay nắng, leo lên những bậc thang để chuyển những lá thư từ những người độc thân vào hốc thân cây sồi. Cho đến giờ, Martens là người chuyển thư tới cây sồi lâu nhất.
“Đó là công việc yêu thích nhất của tôi trong ngày”, Martens kể lại. Martens nhớ lại trong suốt 20 năm, chỉ có duy nhất một lần 10 ngày kéo dài liên tiếp, không có bất kỳ một lá thư nào được gửi tới bưu điện cây sồi. Nhưng cũng có khi, bưu điện nhận được 50 lá thư mỗi ngày.
“Trước khi thống nhất vào năm 1990, người dân Đông Đức không có địa chỉ liên lạc ở phương Tây đã viết thư gửi tới cây và hỏi loại xe hơi và âm nhạc chúng tôi có sẵn”. Martens nhớ lại: “Tôi muốn viết trả lời lại, nhưng ông chủ của tôi đề nghị tôi không nên làm điều đó”.
Martens nhớ lại, thật sự có những lá thư được mở đầu bằng những câu chuyện không ngọt ngào cho lắm nhưng đến sau cùng, tất cả đều trở nên tốt đẹp hơn.
Năm 1958, Peter Pumb, một anh lính trẻ người Đức đã đến bưu điện cây sồi, thấy trong hốc có một vài lá thư và rút ra một mảnh giấy, chỉ điền tên và địa chỉ. Ngay lập tức, anh quyết định trả lời: “Cô Marita danh giá”, một cô gái nhút nhát đã không dám gửi thư tới cây. Peter và Marita đã nói chuyện với nhau suốt cả năm trước khi hai người gặp nhau. Năm 1961, hai người kết hôn và tới đây là kỷ niệm 57 năm nhân dịp ngày cưới của họ.
Năm 1988, một bức thư của cô gái 19 tuổi đến từ Đông Đức có tên là Claudi đã được gửi tới bưu điện cây sồi với hy vọng tìm lại chiếc bút đã mất. Thật hy hữu, khi một người nông dân khác đến từ Tây Đức đã nhặt được nó, và ông đã viết lại lời nhắn cho cô. Nhờ lá thư đó mà hai người bắt đầu có cảm tình với nhau. Không thể gặp mặt, Friedrich và Claudia trao đổi thư từ gần hai năm qua biên giới. Khi bức tường sụp đổ, cả hai người gặp nhau và kết hôn vào tháng 5/1990.
“Tôi biết có ít nhất 10 cuộc hôn nhân được kết nối bởi cây”, Martens nói. “Điều đặc biệt”.
Năm 1989, một đài truyền hình Đức đã tiến hành thí nghiệm đặc biệt tại bưu điện cây sồi, họ hỏi Martens liệu ông có tìm thấy tình yêu dành cho mình tại nơi này hay không? Martens trả lời rằng, ông chưa từng có vinh hạnh đó. Thật bất ngờ, chỉ vài ngày sau khi Martens đang leo lên bậc thang để đặt thư vào hốc cây tình yêu, ông vô tình đọc được lời nhắn viết tay của một người phụ nữ Renate gửi tới cây sồi: “Tôi muốn gặp bạn. Bạn là mẫu người của tôi. Hiện tại, tôi đang độc thân”.
“Nhờ đó, tôi gọi ngay cho cô ấy, khá là vụng về – và tôi gặp cô ấy ngay sau đó”, Martens kể lại. “Chúng tôi đã tổ chức lễ cưới vào năm 1994 và việc tổ chức cưới của chúng tôi cũng tại dưới tán cây sồi này”.
Một tờ báo địa phương đã in một bức ảnh của Martens đang đứng dưới bậc thang trong bộ vest của mình và một trong những cặp đôi mới cưới dưới tán cây sồi cùng tiêu đề: “Đám cưới của năm”.
24 năm sau, Martens và Renate vẫn hạnh phúc bên nhau, gia đình vẫn ấm êm và người bưu tá năm đó vẫn giữ bên mình lá thư của cô gái lạ mặt nay đã trở thành người vợ sớm tối gắn bó bên nhau. Năm 2009, sau hơn 100 năm kết nối mọi người với nhau, một đám cưới tượng trưng giữa cây sồi Bridegroom và cây hạt dẻ 200 tuổi gần Düsseldorf đã được tiến hành. Mặc dù, cách nhau 503 cây số, chúng vẫn cùng nhau sánh bước trong hạnh phúc cho tới 6 năm sau đám cưới, cây dẻ bắt đầu già đi và phải chặt xuống để Bridegroom góa bụa một mình.
“Khi tôi trở lại thăm cây, tôi cảm nhận thấy cây mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn,” Martens nói, chỉ lên một loạt các dây cáp bảo vệ các nhánh của cây sồi. “Nhưng thực tế tôi cũng không còn khỏe mạnh, có lẽ chúng tôi có một mối liên hệ đặc biệt”.
Vài năm trước đây, chuyên gia trồng cây phát hiện cây bị nhiễm một loại nấm, vì vậy họ phải cắt bớt một số nhánh để ngăn chặn nó lan rộng. Khoảng thời gian đó, Martens được chẩn đoán bị bệnh bạch cầu. Giống như cành cây, ông nói rằng xương của ông không còn chắc chắn nữa.
Trong suốt hơn 100 năm qua, cây sồi Bridegroom như người mẹ hiền từ, ngắm nhìn và dẫn dắt đàn con tìm đến hạnh phúc. Nghe thật lạ, thật diệu kỳ, nhưng đây lại là sự thật, những cặp đôi tìm thấy nhau thông qua cây sồi vẫn hạnh phúc bên nhau. Bưu điện cây sồi giờ đây vẫn đứng đó, vẫn tiếp thêm yêu thương và dẫn dắt những ai cần tìm đến bến bờ của tình yêu… Thật là một điều diệu kỳ, cây cối liệu chăng có thể nghe được nỗi lòng của con người sao?
Hương Phạm