Từng du học Mỹ, tham gia nhiều dự án, làm việc cho tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu McKinsey & Company., nhưng cuối cùng Đặng Việt Dũng đã trở về Uber Việt Nam và đảm nhận vai trò CEO trong 3 năm. Sau khi từ nhiệm, Dũng đã có những trải nghiệm tuyệt vời mà anh không cảm nhận được trước đây, về cuộc sống, về con người, về tình thương và cha mẹ.
Đặng Việt Dũng sinh năm 1985 tại Hà Nội. Anh đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Uber trong 3 năm, từ 2014 đến 2017. Cuộc sống từng trải khiến chàng trai này có phần chững chạc hơn so với tuổi 32 của mình. Vết sẹo dài 5 mũi khâu giữa trán của Dũng khiến người đối diện không tránh khỏi sự tò mò và những câu hỏi “vì sao?”.
Vết sẹo của 8 mũi khâu nhắc nhở đã đến lúc dừng lại
Vài tháng trước khi từ nhiệm, Dũng đã gặp một sự cố khá nghiêm trọng ở Sài Gòn. Bị ngã trong khách sạn khiến anh choáng váng, bất tỉnh trong vài giây. Anh nhập viện cấp cứu để khâu 5 mũi trên trán và 3 mũi dưới cằm. Không lâu trước đó, anh bị sốt xuất huyết, sụt mất 5kg, và chỉ trong một năm trở lại đây, Dũng sụt hẳn 12kg.
Đó cũng là khi Dũng chợt nhận ra mình đang lao đi quá nhanh theo vòng quay của xã hội, đã đến lúc anh cần dừng lại và nhìn lại chính mình. Là một bước lùi để sau có thể đi chậm mà sải bước dài hơn, cần thực tế hơn trong cuộc sống thực tại.
Anh chia sẻ: “Đã đến lúc tôi phải dừng lại dành thời gian nhiều hơn cho cuộc sống của mình. Tôi cũng tính đầu năm sau sẽ nghỉ vì có dự định khác. Và đấy là lúc tôi chuẩn bị lập gia đình. Nếu cứ mãi bận rộn như trước thì chẳng việc gì ra hồn cả. Sức khoẻ là một yếu tố nữa. Tôi cũng đang còn trẻ mà, còn trẻ nên phải trải nghiệm nhiều hơn, học nhiều hơn”.
Đã hai tháng trôi qua, Dũng tự thưởng cho mình những ngày tự do, không phải làm việc, không phải suy nghĩ và chẳng cần lo lắng gì cho tương lai. Hưởng thụ sự an lạc trong tâm hồn khi mỗi tuần Dũng dành 2-3 buổi đạp xe trên chặng đường 60 km, leo lên mấy cây cầu giữa sân bay Nội Bài và nhà để rèn sức bền.
Dũng thoải mái và thân thiện khi trò chuyện, tiếp xúc với mọi người. Khi được hỏi về thời gian rảnh rỗi, anh vui vẻ trả lời: “Quản lý thời gian khi mình rảnh còn khó hơn khi bận rộn. Chả có việc gì mà vèo cái là hết ngày”.
Vừa rồi có anh bạn thân rủ Dũng tham gia cuộc thi Iron Man tiếp sức, anh nhận lời và luyện tập. Anh hào hứng nói: “Sức nhanh và sức mạnh thì tôi có nhưng sức bền thì chưa làm được. Cả đời tôi chưa bao giờ chạy liên tục quá 2km, nhưng bây giờ tôi cũng chạy liên tục được 4-5 km. Hồi trước còn đi làm, lúc nào tôi cũng bị email, điện thoại cuốn lấy, đủ thứ phải lo nghĩ. Còn khi đạp xe, 3-4 tiếng mình chả nghĩ gì, chỉ tập trung vào 20-30m phía trước. Khi đạp trên đường dài, con đường là của riêng mình, cảm xúc là của riêng mình…”
“Khi kết thúc một công việc hay một mối tình, đừng vội buồn khi mình chưa nhìn ra điểm sáng của trải nghiệm đó”.
Khi cánh cửa này đóng lại ắt sẽ có cánh cửa khác mở ra, con đường phía trước luôn đón đợi mỗi người. Hiểu được điều đó nên sau khi rời Uber, mỗi ngày, Dũng đều cho mình thời gian để cảm nhận của cuộc sống và trải nghiệm những phút lắng đọng của bản thân. Điện thoại luôn để chế độ im lặng, không email, không công tác, cũng chẳng họp hành… anh có thời gian để nhìn lại và chiêm nghiệm được nhiều thứ.
Đây cũng là khoảng thời gian anh nhớ lại những kỉ niệm từ thuở còn là sinh viên cho tới những năm tháng lưu học sinh trên đất Mỹ. Sau một năm học tập tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Dũng lên đường sang Mỹ và theo học trường Ithaca College. Mức học bổng tốt nhưng bố mẹ anh vẫn phải hỗ trợ tài chính nhiều so với khả năng gia đình. Và Dũng đã quyết tâm học tốt năm đầu để năm thứ hai chuyển sang Amherst College với mức hỗ trợ tài chính toàn phần.
Dũng chia sẻ lại kỉ niệm những năm đầu khi học ở Mỹ, rửa bát thuê trong nhà ăn của trường:
“Có lần tôi thái rau củ cắt nhầm dao vào tay chảy máu rất nhiều. Một bác già làm cùng, từ đầu làm không có nhiều thiện cảm với tôi lắm, chạy đến đưa cho tôi cái băng. Tôi cảm động quá. Tôi cứ tưởng ông ấy giúp mình. Nhưng hóa ra, ông ấy bảo rằng: Cậu bịt tay vào chứ không máu nó vào đồ ăn nhà trường bị kiện hết bây giờ“
Là người có rất nhiều kỷ niệm với nước Mỹ, rất nhiều dự án khởi nghiệp dừng lại giữa chừng vì Dũng là du học sinh. Rồi tốt nghiệp đi làm hơn 4 năm cùng công ty tư vấn chiến lược hàng đầu McKinsey & Company, đi nhiều nước tư vấn nhiều lĩnh vực, Dũng lại muốn đi học. Anh học một năm học thạc sỹ ở trường kinh doanh Harvard trước khi dừng lại để tham gia vào Uber Việt Nam.
Với rất nhiều trải nghiệm trong sự khởi nghiệp của mình, mọi thứ đều tạo nên cho anh một sự tự tin về bản thân trong mọi quyết định sau này. Anh Dũng chia sẻ:
“Đúng là nghĩ lại, tôi cũng hơi hãi hùng khi chuyển môi trường nhiều quá, mỗi lần đều thích nghi lại từ đầu, bây giờ bảo làm lại cũng thấy ngại. Nhưng hồi đó chẳng nghĩ gì nhiều, mình thích thì mình làm thôi. Mỗi công việc đều có tính kế thừa. Và công việc nào cũng có rất nhiều điều bổ ích cho sự nghiệp về lâu dài, chỉ là mình có nhận ra không thôi. Nếu tôi không có kỹ năng của một người giảng dạy (trước làm gia sư) thì rất khó để diễn giải những khái niệm từ phức tạp thành rõ ràng để team đồng thuận và triển khai. Còn hồi đi rửa bát, công việc lại rèn cho tôi tính kỷ luật và sự chăm chỉ. Mình phải có mặt đúng giờ, phải làm việc một mình đạt hiệu suất trong môi trường “khô cứng” trong nhiều giờ liền. Làm việc nhỏ sẽ hiểu thành công được xây dựng từ những nỗ lực nhỏ bé ra sao”.
“Đôi khi, trải nghiệm chỉ trở nên trọn vẹn khi ta đã trải qua một thời gian và nhìn lại nó một cách toàn diện. Vì thế khi kết thúc một công việc hay một mối tình, đừng vội buồn khi mình chưa nhìn ra điểm sáng của trải nghiệm đó”, và điều đó đúng với Dũng trong thời điểm hiện tại.
Sống bình tĩnh hơn sau 2 lần suýt chết
Thành công trong sự nghiệp là vậy nhưng sau hai lần suýt chết, Dũng đã chọn cho mình một con đường riêng, một cách nghĩ, một lối sống cá tính và biết nghĩ tới bản thân mình hơn. Anh chia sẻ:
“Khi đuối nước ở biển Santos (Brazil) hay suýt tông vào đầu xe tải vì say lúy túy ở Hà Tây cho tôi thấy, chuyện tôi làm được gì hay có bao nhiêu tiền chẳng có ý nghĩa gì cả. Quan trọng là bố mẹ đâu, bạn bè đâu, người yêu đâu và mình đã sống với họ như thế nào.
Tiền mà mình bỏ ra để trải nghiệm sẽ ở lại với mình lâu hơn tiền để mua một chiếc túi hiệu hay xe đẹp. Tất nhiên có những sở hữu vật chất làm mình thấy thoải mái trong cuộc sống cũng tốt, câu hỏi là bạn sẽ thích nó được bao lâu?
Còn nếu bạn tìm được nụ cười toả nắng của một em bé dân tộc Lô Lô trên Lũng Cú; tìm một bầu trời đêm trong vắt đầy sao và không khí trong lành hít tràn lồng ngực; bạn rèn luyện bản thân khắc khổ để chạy thi Marathon, ôm lá cờ tổ quốc Việt Nam khi cán đích.
Khi bạn làm say mê với một công việc gian nan nhưng giúp được nhiều mảnh đời kém may mắn hơn. Hay đơn giản, bạn chỉ thực sự kết nối và trò chuyện với bố mẹ như những người bạn. Đó là những chuyện sẽ đi theo bạn cả đời. Mỗi lần chiêm nghiệm lại chuyện đó, bạn sẽ tự mỉm cười với bản thân mình”.
Với Dũng, một cuộc sống như thế sẽ ý nghĩa và bình tĩnh hơn rất nhiều. Bình tĩnh sống trong định nghĩa của cựu CEO không nên chỉ đặt trong thế giới quan của ngày hôm nay, mà cần phải đặt trong thế giới quan của ngày hôm qua và cả ngày mai.
“Nếu bạn biết mình không có ngày mai, bạn sẽ sống hết mình ngày hôm nay. Hoặc nếu như không có ngày hôm qua để biết khổ như thế nào thì sao bạn biết quý trong sức lao động của mình ngày hôm nay. Hoặc nếu ngày hôm qua bạn đã không lao động vất vả, thì làm sao tôi biết quý trọng sức lao động của người khác dành cho chính mình ở hiện tại.
Tôi nghĩ, bình tĩnh sống phải đặt trong bối cảnh cụ thể, có một cái khung của riêng nó để biết ngày hôm nay mình cần phải làm gì, nên làm gì. Bình tĩnh sống, tôi nghĩ đó là một thái độ chứ không phải là một phong cách hay tốc độ.
Và điều cuối tôi muốn gửi đến các bạn trẻ, làm gì cũng phải nhớ quý trọng sức khoẻ. Tuổi trẻ có sức mạnh, thiếu sức bền. Già hơn sẽ bền hơn nhưng không khoẻ bằng. Có cả hai thứ mình sẽ ôm trọn được cả cuộc đời vào lòng”.
Một số hình ảnh của Dũng trong chuyến đi Nepal sau khi dừng công việc ở Uber.
Trong cuộc sống hiện đại, phần lớn con người bị cuốn theo sự phát triển ngày càng lớn mạnh của vòng xoáy xã hội. Có nên chăng một lúc nào đó, chúng ta nên dừng lại để bước đi chậm hơn mà nhận diện bản thân mình, để chọn cho mình một lối đi riêng, một lối đi thong dong tự tại. Để từ đó chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được hơi thở của cuộc sống, cảm nhận được xung quanh vẫn còn rất nhiều điều mà ta chưa biết, mà ta muốn biết.
Ảnh dẫn qua: Kenh 14, cafe F, viettimes
Gia Viên – Minh Tú