Tôi vẫn nhớ từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã không hài lòng về cô út. Bởi cô lấy chồng xa mãi tận vùng nông thôn cách nhà hàng trăm cây số. Gia đình chồng cô rất nghèo, bố chồng cô gia trưởng, lại trọng nam khinh nữ, còn chồng cô thì quá nhu nhược, nên cô rất khổ sở khi chỉ sinh được hai cô con gái. Áp lực gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của người phụ nữ 25 tuổi…
Cha tôi không đành lòng chứng kiến sự thống khổ của cô út, nên để hai vợ chồng cô và lũ trẻ đến ở nhờ một thời gian. Lúc đầu, mẹ tôi không khó chịu hay oán trách gì, nhưng vì chú (chồng của cô) rất lười biếng, chỉ ăn không ngồi rồi mà không lo góp sinh hoạt phí cùng gia đình. Trong khi đó, công việc của cô út thì tạm bợ, số tiền đã dành hết cho chăm lo cho hai đứa nhỏ, nên cha tôi không nỡ lấy phí sinh hoạt của cả gia đình cô. Dần dần, mẹ sinh ra trách móc cha và ác cảm hơn với cô út, nói cô út coi những thứ đồ ăn thức uống trong nhà là từ trời rơi xuống, là của chùa không mất tiền mua.
Kỳ thực cô út cũng rất áy náy, và cô không gây ra tội lỗi gì. Nhưng lúc đó tôi bị ảnh hưởng bởi sự khó chịu của mẹ nên cũng có cái nhìn không thiện cảm với cô. Thỉnh thoảng cô mua cho tôi chút đồ ăn vặt, tôi lại cố ý làm nó rơi xuống đất. Cha tôi nhìn thấy cảnh tượng này, bèn đánh cho tôi một trận đau điếng. Từ đó, tôi ghét bỏ cô út và gia đình cô hơn.
Nhưng, cô là người phụ nữ rất lương thiện, biết nhẫn nhịn và biết cách cư xử, dù mẹ con tôi có phản ứng thế nào, cô cũng không một lời oán trách. Sau hai năm sống cùng chúng tôi, cô cùng gia đình lại chuyển về quê sinh sống. Cô đã học được nghề cắt may nên kinh tế gia đình cô cũng trở nên khấm khá hơn.
Sau khi trở về, cô thường xuyên gửi tặng nhà tôi những đặc sản quê hương, nhưng mẹ tôi không ăn mà đem cho tất cả quà bánh. Mẹ nói với cha: “Đồ ăn nông thôn không sạch sẽ, ăn vào lây bệnh chết người, ăn làm gì?”
Thành thật mà nói, những đặc sản mà cô út gửi lên rất ngon, mỗi khi ăn đều thấy rất có hương vị, giản dị nhưng gần gũi và thân quen. Tuy nhiên, mỗi lần thấy tôi lấy quà quê cô gửi ra ăn là mẹ lại mắng, rằng đồ ăn ở quê không vệ sinh, không sạch sẽ, ăn vào dễ bị tiêu chảy, và lấy tất cả đem cho hàng xóm.
Những lúc như thế, cha và mẹ tôi lại cãi nhau, cha bảo đồ ăn này dù thế nào cũng là tâm ý mà cô út gửi tặng, nhiều người mong có quà quê chẳng được, không sợ thuốc trừ sâu, không sợ hóa chất độc hại. Trong khi đó, mẹ tôi vô cùng tức giận nói: “Tâm ý gì chứ? Nếu nói đến tâm ý thì… nên gửi trả hai năm tiền phí sinh hoạt mới đúng.” Cha nghe xong bèn im lặng, không nói thêm gì nữa.
Bỗng một ngày, cha tôi bị tai nạn xe cộ, mọi người đều đến thăm hỏi, chỉ có cô út là không đến. Thấy vậy, mẹ tôi gằn giọng khinh bỉ nói với cha: “Tôi đã bảo mà, cả cái gia đình cô út không ai tốt cả. Ông thấy đấy, anh trai bị tai nạn như thế mà em gái cũng không đến thăm anh chút nào.”
Cha tôi thở dài nói: “Chắc nhà cô út có việc thôi, bà đừng nói những lời khó nghe như thế.”
Mẹ tôi lại nói tiếp: “Tôi nói lời khó nghe ư? Sự thực bày ngay trước mắt mà.”
Mẹ tôi vừa dứt lời thì ngoài cửa, chồng cô út từ từ bước vào, chú nói: “Chị à, nhà em nay bị cảm, đang nằm tiếp nước dưới huyện. Có lũ trẻ chăm sóc rồi nên nhà em bảo em nhất định phải lên thăm anh. Cô ấy gửi anh chị 30 triệu, một con gà và một bao gạo quê.”
Lúc này, mẹ tôi bỗng im bặt và sắc mặt của mẹ chuyển sang ửng đỏ vì xấu hổ.
Một tuần sau cha tôi ra viện, nhưng cô út vẫn chưa hết sốt. Mẹ tôi từ hôm đó luôn bứt rứt không yên vì thấy có lỗi với cô út, bèn để cha lại cho tôi chăm sóc, lên đường về quê thăm cô.
Nhìn cô út trên giường bệnh mà mẹ tôi sững sờ. Những tưởng cô chỉ cảm nhẹ thôi, nhưng trước mặt mẹ tôi không còn là cô út nhanh nhẹn, hồng hào ngày nào nữa, mà là một người phụ nữ gày gò xanh xao với bàn tay thâm tím đầy vết tiêm truyền.
Cô nhìn mẹ, ánh mắt mệt mỏi: “Chị à, em… chắc khó lòng qua khỏi…” Ánh mắt mẹ tôi nhìn cô như vô hồn, rồi hai hàng nước mắt tuôn rơi, mấy hôm trước bà còn trách cứ cô thậm tệ, khinh rẻ con người yếu ớt đáng thương này… Giờ đây khi nghe tin cô út mắc ung thư, bệnh diễn biến nhanh, bà chỉ biết khóc nghẹn. Chú tôi cũng mới được biết, nhưng tiền thì đã gom đưa hết cho cha mẹ tôi, nên nhà không đủ kinh phí cho cô chuyển viện.
Mẹ tôi càng đau lòng hơn khi thấy kinh tế nhà tôi đâu quá khó khăn để giúp được em gái, cô út trong tình cảnh này mà vẫn cố kiếm tiền đưa cho anh trai, không nói đến tình cảnh éo le của cô. Bệnh tình cô nặng vậy mà vẫn giấu mẹ tôi, còn gửi tiền, gửi cả quà quê lên cho chúng tôi. Tôi bỗng nghĩ đến thái độ xa lánh và dè bỉu của mình và mẹ tôi lúc trước mà cảm thấy hối hận…
Mẹ gạt nước mắt, vội vàng tìm cách chuyển cô út lên bệnh viện thành phố, bà quyết bằng mọi giá sẽ tìm bác sĩ giỏi nhất để chữa cho cô. Mấy ngày hôm sau, mẹ chạy đôn chạy đáo, vừa lo cho chồng mới ra viện lại lo cho em chồng nhập viện. Tôi nhìn bà ngủ gục trên ghế dài mà xót xa.
Cuối cùng chúng tôi cũng nhận được kết quả xét nghiệm lại của cô út, thì ra đó là một chứng bệnh nhiễm trùng hiếm gặp và cần phác đồ điều trị chuyên biệt. Điều đó có nghĩa là cô út có thể qua khỏi với khả năng của y học hiện tại. Dường như Thần Phật cũng cảm thương cho nỗ lực của mẹ tôi, nên đã cấp cho cô út cơ hội được sống. Dù vậy, cô út vẫn rất yếu, quá trình điều trị kéo dài hơn một tháng cô mới được xuất viện.
Trước ngày cô chuẩn bị về quê, mẹ tôi nắm tay cô thật chặt, nghẹn ngào: “Út à, thời gian qua, chị đã cư xử không tốt với em, hãy tha thứ cho chị. May sao em có thể khỏe mạnh, nếu không chị sẽ ân hận đến cuối đời.”
Hai người phụ nữ ôm nhau nức nở, cô út bảo rằng nếu không có mẹ tôi thì cô cũng chẳng còn sống trên đời này nữa. Mẹ tôi vừa thương vừa trách cô, tiền bạc thì có thể vay rồi trả, sinh mệnh con người mất đi không thể lấy lại, có chuyện gì hãy nói với anh chị, người một nhà sẽ cố gắng giúp đỡ nhau…
Được làm người một nhà, âu cũng là duyên phận của cả cuộc đời, ai ai cũng nên trân trọng và đừng để tuột mất. Tiền bạc có thể kiếm, khó khăn thử thách đến rồi cũng sẽ đi, con người đã có duyên phận bên nhau, thì cớ gì vì những thứ lợi ích phù du mà đánh mất ân tình bao thế hệ. Bao dung và tha thứ, chia sẻ và yêu thương sẽ khiến cho cuộc sống ngập tràn hạnh phúc, và tâm thái mỗi con người cũng vì thế mà an hòa và bình yên hơn. “Ở hiền thì gặp lành”, đạo lý ấy muôn đời không thay đổi, dù ở hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt thế nào, nếu biết nhẫn nhường và đối đãi với hết thảy bằng thiện tâm, thì khi tai họa đến ắt sẽ vượt qua được.
San San
Xem thêm: