“Con ơi, con ở đâu?” có lẽ là câu hỏi mà ông Ban Văn Mình phải thốt lên hàng ngàn lần trong đau đớn và tuyệt vọng suốt 10 năm ròng rã. Cuộc hành trình tìm con gian nan và vất vả của ông khiến ai chứng kiến cũng phải rơi nước mắt.

Chuyện xảy ra cách đây hơn 20 năm tại xóm Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn. Ông Ban Văn Mình lúc ấy đang sống một cuộc sống hết sức bình lặng bên người thân thì biến cố ập đến.

Nỗi đau mất con

Ngày 29/11/1993, mưa đông lạnh lẽo, gió bấc giật từng cơn, cái lạnh cắt thịt ấy như báo hiệu một nỗi đau mà người cha già chuẩn bị phải gánh chịu. Khoảng thời gian đó, ông có ý định lập gia đình cho đứa con trai, sau khi hai gia đình đồng ý, vốn theo tập quán của người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn, ông Mình phải mang tiền cưới sang nhà gái. Chuyến đi của ông kéo dài hai ngày và khi trở về ông nhận được một tin sét đánh: đứa con gái tên Hoạt của ông đã mất tích từ đêm hôm qua, mọi người đổ xô đi tìm mà vẫn chưa phát hiện ra tung tích.

Được biết, một số hàng xóm trông thấy con gái ông đi cùng một người phụ nữ tên Huệ, ông Mình vội vàng cùng người thân đii tìm Huệ, vài người khác đi báo cơ quan chính quyền.

Khi gặp được Huệ, người phụ nữ này khai rằng đã giao Hoạt cho một người đàn ông khác để mang qua khu vực Cống Trắng gần biên giới. Ông chết lặng khi đoán ra con gái đã bị bán sang Trung Quốc. Trong những giọt nước mắt lăn dài, ông trở về nhà vơ vội hai bộ quần áo, khăn gói lên đường ngay trong đêm để báo công an.

Chị Hoạt, con ông Mình.

Sau đó, công an bắt tay vào cuộc, điều tra hơn 1000 hộ dân trong khu vực để tìm kiếm Hoạt, nhưng không có kết quả. Vài ngày sau, có thêm được manh mối, họ cũng tìm được thông tin của người dẫn Hoạt đi. Nhưng cay đắng thay, dù công an đã bắt giữ các đối tượng trong vụ việc chỉ 5 ngày sau khi con gái ông mất tích, thì ông Mình cũng không còn cơ hội có thể gặp lại con nữa, vì cô đã thực sự bị đám buôn người bán qua Trung Quốc. Một lần nữa, trên khuôn mặt nhăn nhúm, khắc khổ đầy vết chân chim, những giọt nước mắt cứ ào ạt tuôn rơi.

10 năm tìm con – 10 năm của nghị lực, tình yêu và sự kiên nhẫn

Không đầu hàng trước số phận, ông Mình dốc hết sức tìm kiếm thông tin về con gái. Tình cờ, ông biết bên kia biên giới có nơi tập trung cô gái trẻ Việt Nam chờ người đến mua. Tình yêu thương con khiến ông sẵn sàng đánh đổi tất cả, gom góp tiền, khăn gói sang đất khách, với một tia hy vọng sẽ gặp lại được con mình. Giữa hàng trăm ánh mắt xa lạ, không bạn bè người quen, chỉ với tấm ảnh đã cũ nát, ông Mình tìm con gần như trong vô vọng.

Khi tiền bạc đã cạn, ông đành ngậm ngùi quay trở về. Mỗi lần kể lại những năm tháng đầu tiên trong hành trình tìm con, ông đều uất nghẹn: “Trước khi đi, nhiều người cũng cảnh báo cho tôi về nguy hiểm khi vào mấy ổ chứa đấy tìm con. Nhưng lúc ấy tôi uất lắm, chỉ muốn sớm được tìm con về chứ nào có nghĩ gì nguy hiểm. Có đứa con gái đang tuổi còn nhỏ, giờ bị người ta bắt bán đi thì làm sao mà chịu nổi…”.

Chính nỗi đau ấy lại trở thành động lực để ông không quản ngại mưa gió, khó nhọc tìm lại con gái. Con đường ông đi ấy chưa bao giờ dễ dàng khi những chuyến đi cứ ngắt quãng mỗi lúc tiền bạc cạn. Và cứ mỗi lần trở về trong vô vọng, nỗi thương xót con và lòng uất ức lại dâng tràn trong lòng ông: “Lúc ấy, tôi chỉ muốn đánh chết cái lũ buôn người nhưng rồi nghĩ lại, mình làm thế thì được gì, điều quan trọng là mình tìm được con”.

Ông Mình uất nghẹn khi kể về những ngày đi tìm con.

Suốt 10 năm, ông một mình tìm đến cả chục nhà chứa gần biên giới. Mỗi khi hết tiền, ông lại trở về hoặc nhận sự trợ giúp của người qua đường. Khi tiền bạc cạn kiệt, tài sản đáng giá nhất còn lại trong nhà là con trâu ông cũng đem bán lấy 4 triệu đồng để tiếp tục ước mơ gặp lại con. Và khi những đồng bạc lẻ cuối cùng ra đi, ông đành phải lưu lại nơi đất khách quê người, làm lụng vất vả duy trì cuộc sống và tiếp tục tìm con. Cái đói, cái khổ, thiếu tình thương ở nơi xa lạ chưa bao giờ làm ông nao núng, tình yêu và viễn cảnh gặp được con khiến ông mạnh mẽ hơn cả, vượt qua nỗi sợ hãi vào việc mạng sống của mình có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào.

“Có những lúc đói ăn, phải lê la xin ăn, gặp được người Việt thì họ cũng thương, hỗ trợ cho ít tiền để góp lại bắt xe về Việt Nam. Cứ giả câm giả điếc như vậy cả tháng trời, ai thuê gì làm việc nấy, tôi sang nhiều đến nỗi bà con biên giới ai cũng nhớ mặt…”, ông Mình kể.

Người cha già giả “câm” ấy cứ làm việc cật lực, cống hiến chút sức lực cuối cùng cho cuộc đời để đánh đổi giây phút đoàn tụ với con. Sau một khoảng thời gian dài không thấy tung tích con, ông đành trở về quê nhà. Chiều chiều, ông ôm chiếc ghế gỗ ra đầu ngõ, ngóng con trở về. Ông vẫn hy vọng, dù chỉ là nhận được một bức thư, một mẩu thông tin của con…Ông muốn biết rằng con gái ông vẫn còn sống…

Ánh sáng phía cuối đường

Suốt 10 năm hành trình với tất cả khoản tiền ông có thể gom góp, không biết bao nhiêu lần ông qua biên giới để có được chút tin tức của đứa con gái yêu thương. Không biết ngoại ngữ, không sự trợ giúp, người cha khắc khổ tần tảo cứ một mình chịu đựng nỗi đau, như câm như điếc trên quãng đường dài khắc nghiệt.

Rất nhiều người khuyên ông bỏ cuộc, nhưng niềm tin vào ngày đoàn tụ với con đã tiếp thêm cho ông sức mạnh, để… chờ đợi. Hai vợ chồng nghèo nương tựa vào nhau, cố gắng làm tròn bổn phận của người làm cha mẹ, có thể vì con đến hơi thở cuối cùng.

Rồi may mắn cũng mỉm cười với ông sau những tháng ngày đằng đẵng gian nan. Một ngày cuối thu năm 2002, ông nhận được một lá thư từ Trung Quốc, mở ra đọc thì thấy đó là thư của con gái mình. Bất ngờ, ông nhảy cẫng lên như một đứa trẻ chờ mẹ về chợ. Vừa chạy vừa khóc, ông nghẹn ngào báo với vợ: “Cái Hoạt nó gửi thư về này bà ơi”.

Trong thư, chị Hoạt cho biết mình đã lập gia đình với một người đàn ông Trung Quốc, có con và sống một cuộc sống bình lặng. Rất nhiều lần chị đã muốn liên lạc với bố mẹ, nhưng không nghĩ rằng có thể viết thư gửi đi. 

Sau này, khi đoàn tụ được với con, ông mới biết, ngày ấy khi đang ra chợ mua áo thì chị Hoạt gặp Huệ. Sau vài câu trò chuyện, Huệ rủ chị Hoạt ra biên giới chơi. Tin lời Huệ, chị Hoạt đi theo cuối cùng bị bán làm vợ cho một người đàn ông chỉ kém bố mình chục tuổi.

Đau đớn, xót xa, nhưng may mắn cho Hoạt, chồng chị cũng là một người tốt, đối xử với chị tử tế. Dần dần, tình cảm hai người cũng trở nên sâu nặng, có với nhau hai mụn con, và gia đình cũng hòa thuận. Sau cuộc đoàn viên với cha mẹ, chị Hoạt lại xin phép trở về Trung Quốc làm nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ. Cuộc chia ly sau vài ngày gặp mặt lại đầy bịn rịn, tiếc nuối.

Ngôi nhà của ông Mình. 

7 năm sau đó, chị Hoạt mới đủ điều kiện tài chính để quay trở về quê hương thăm cha mẹ. Ông Mình gặp lại con không khỏi xúc động: “Có lẽ với chúng tôi thế cũng đã đủ, vẫn đỡ hơn nhiều người bị mất con không tìm được. Kiếp này nếu có chết thì tôi cũng nhắm được mắt bởi mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một người cha là gặp lại được con, nhìn thấy con sống vui vẻ, khỏe mạnh. 10 năm hay hơn thế nữa cũng không đáng là bao…”.

Sau tất cả, tấm lòng yêu thương con hết mực của ông Mình đã chiến thắng mọi khó khăn và thử thách, mọi đau khổ và bất hạnh. Thế mới hiểu, sống trên đời không cần gì nhiều nhặn hơn một tấm lòng chất phác, lương thiện, chân thành và nhẫn nại. Bởi trước khó khăn và biến cố cuộc đời, đó chính là “vũ khí” đáng quý giúp con người vượt qua giông bão và nhận lấy điều kỳ diệu.

Thiện Phong

(Nguồn ảnh: Zing)

Video xem thêm: Câu chuyện về những người đẹp lên tiếng về hai người bạn

videoinfo__video3.dkn.tv||12a2b4c8d__