Cách đây 30 năm, một đôi vợ chồng kinh doanh nông sản ở Na Uy sinh được một cậu con trai, khi cậu bé mới chào đời, bác sĩ đã không nói lời chúc mừng với 2 vợ chồng mà ông chỉ lắc lắc đầu bảo với họ, đứa bé này bị mắc chứng bệnh teo cơ cột sống (spinal muscular atrophy) bẩm sinh, căn bệnh này sẽ làm đứa bé cả đời không đi lại được, ngoại hình đứa bé cũng sẽ phát triển không bình thường.
Hai vợ chồng không hề bị sốc trước tin buồn đó, họ mang đứa bé về nhà với một thái độ rất bình thản. Họ đặt tên cho đứa bé là Torstein Lerhol, trong mắt họ, đứa bé hoàn toàn giống những đứa trẻ bình thường, họ biết đứa bé cần nhất là tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình.
Sống trong sự đùm bọc của bố mẹ và anh chị em trong gia đình, Torstein đã dần lớn khôn. Do môi trường sống rất lạc quan, ấm áp tình người nên tính tình của cậu bé rất vui vẻ, rất tự tin. Cậu biết mình không giống với những người bình thường, nhưng cậu luôn sống với tâm niệm bố mẹ đã nói cho cậu: “Ngoại hình không quyết định được cuộc đời của con người.”
Cậu đã tốt nghiệp trung học phổ thông với thành tích xuất sắc, đỗ đại học và sau trở thành một nhà giáo. Không chỉ có thế, Torstein còn rất thích chính trị. Anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội, không lâu sau trở thành một nhân vật chính trị được mọi người ủng hộ, yêu quý. Ngoài ra, anh còn cố gắng thử sức với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nữa, anh tạo ra cho mình một cuộc sống vô cùng sinh động, vui vẻ, nhiều màu sắc.
Mỗi khi nhìn thấy anh, mọi người đều bị cuốn hút bởi vẻ bề ngoài rất khác thường. Do ảnh hưởng của bệnh tật, cơ thể anh chỉ nặng 17kg nhưng anh không bao giờ để tâm đến vấn đề ngoại hình của mình, anh thường nói đùa rằng: “Tôi hiện tại thấy sức khỏe rất tốt, không muốn tăng cân thêm nữa, tôi lo người đẩy xe lăn cho tôi sẽ bị mệt.”
Tinh thần lạc quan của Torstein lan rộng đến rất nhiều người. Không lâu trước đây, một người bạn của anh, nhiếp ảnh gia Henrik Fjortft đã quyết định thực hiện một bộ ảnh với chủ đề thiên nhiên và mời anh Torstein làm người mẫu ảnh. Anh Torstein đã do dự rất lâu nhưng cuối cùng anh đã nhận lời, anh đồng ý thể hiện trước mặt mọi người tất cả những gì mình có.
Anh cho biết: “Tôi đã suy nghĩ rất lâu, cân nhắc có nến công khai toàn bộ các bức ảnh và chữ đó không. Cái tôi muốn nói ở đây là, cho dù cơ thể, hay vẻ bề ngoài của tôi có thế nào thì nó cũng không ảnh hưởng đên bản chất con người và cái tôi trong tôi. Ngoại hình không thể là một trở ngại với những mục đích to lớn mà tôi đã vạch ra, càng không thể ngăn cản tôi đạt được mục đích đó”.
Anh còn tâm sự khá nhiều điều sâu sắc, làm mỗi trái tim chúng ta phải rung động đến nghẹn ngào: “Tôi mong rằng, những chữ này sẽ làm thay đổi suy nghĩ của những người quá chú trọng vào ngoại hình bề ngoài của mình, giúp họ hiểu hơn nữa nội tại trong mình. Vì nội hàm, ưu điểm của mỗi con người mới là mấu chốt quyết định thành công của họ chứ không phải nằm ở những thứ bên ngoài cơ thể.
Nhiếp ảnh gia muốn thể hiện cái đẹp sâu sắc, rộng lớn vượt xa những cái đẹp tầm thường, bề ngoài của con người. Vậy Đẹp là gì? Câu trả lời không hề đơn giản. Chúng ta có thể thấy cái đẹp trong mọi sự vật nhưng thông điệp nó muốn truyền đạt chính là chúng ta nên tiếp nhận mọi người trong xã hội, không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ. Vì điều này không đơn giản nên tôi quyết định công bố những tấm hình này.
Tôi biết, tôi không phải là Brad Pitt, xương của tôi bị lồi ra, các cơ bị teo lại, cột sống bị vẹo, nhìn bề ngoài tôi giống như nhân vật thằng gù nhà thờ Đức Bà. Nhưng những điều này không ảnh hưởng đến việc theo đuổi giấc mơ của tôi, tôi chỉ cần cố gắng bằng các kỹ năng và năng lực của mình là có thể đạt được mục đích. Giáo dục và chính trị là 2 lĩnh vực cho tôi sự tự tin, giúp tôi tiến gần hơn với mục tiêu đặt ra cho dù bề ngoài của tôi không thực sự hoàn mỹ, vì thế mọi người đều tôn trọng tôi mà không hề chú ý đến bề ngoài kì dị của tôi. Trong trường học, các học sinh đối xử với tôi như các thầy cô giáo khác. Tôi biết, với các em nhỏ hình thức bề ngoài là một vấn đề quan trọng và rất nhạy cảm, thế nhưng chúng có thể xem tôi bình thường như những giáo viên khác thì bạn không có gì phải ngại ngần với vẻ bề ngoài của mình cả!
Tôi cũng không nhất thiết phải hét thật to lên rằng bề ngoài không là gì cả, tôi cũng không nói mọi người không cần để ý đến bề ngoài của mình, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng vì ngoại hình của mình mà tự ti, đừng nghĩ nó là thứ ảnh hưởng đến cuộc sống, và cách nhìn nhận của mọi người đối với mình. Tôi khẳng định với bạn rằng, bề ngoài của tôi không ảnh hưởng quá lớn đối với cuộc sống tôi đang sống.
Có lẽ tôi đã quyết định hơi vội vàng quá, vì thực tế tôi không giống một người mẫu, nhưng tôi tự thấy tôi cũng giống mọi người, tôi có thể đưa ra các quyết định giống như mọi người. Ai có nhiều tố chất và ưu điểm vượt xa hình thức bề ngoài của họ, đó mới là cái được mọi người trân trọng. Xã hội luôn coi trọng năng lực, tài năng và thái độ của mọi người, chứ không phải quan tâm xem ai béo, ai gầy, ai cao, ai thấp hay ai bất thường. Tôi nghĩ, mọi người đã quá coi trọng hình thức bề ngoài.”
Thực ra, bề ngoài không phải là thứ quá quan trọng, câu nói này của anh Torstein đã làm mọi người dường như tỉnh ngộ. Anh là người bị hạn chế về ngoại hình, thậm chí anh không có được một cơ thể như người bình thường, nhưng anh vẫn gặt hái được những thành công mà người thường không thể đạt được. Trong một xã hội coi trọng bề nổi như hiện nay, có lẽ cái chúng ta thiếu nhất đó là sự coi trọng giá trị cốt lõi bên trong mỗi con người. Vì thế chúng ta hãy thử tự ngẫm lại mình xem, mình học được gì từ “người hùng” Torstein?
Quỳnh Chi
Xem thêm: