Nếu không chăm sóc đúng cách, mụn trứng cá có thể để lại vết thâm, gây mất thẩm mỹ. Một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn phục hồi nhanh làn da bị tổn thương do nặn mụn.
Làm sạch da
Nặn mụn sẽ để lại vết thương hở trên da, vì vậy bạn nên khử trùng bằng nước tinh khiết, làm sạch nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh. Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa hóa chất, có độ pH từ 5.0-5.5 và chiết xuất tự nhiên sẽ gúp da sạch sẽ, giảm lượng bã nhờn, tránh làm vết thương bị nhiễm trùng.
Làm dịu vết thương
Thông thường, dấu hiệu kích thích đầu tiên sau khi nặn mụn là đỏ và viêm. Bạn nên làm dịu vết thương để giảm nguy cơ bị sẹo rổ.
- Cách làm:
Nhúng miếng gạc vào nước ấm rồi chấm nhẹ lên phần mụn vừa nặn trong khoảng 30 giây. Áp dụng cách làm này 3-5 lần bạn sẽ thấy chỗ vết thương sẽ bớt đau, sưng tấy.
Dưỡng ẩm da
Dưỡng ẩm sẽ thúc đẩy tốc độ phục hồi da. Lựa chọn các sản phẩm kem dưỡng có kết cấu lỏng, nhẹ với chiết xuất tự nhiên như tảo biển, trà xanh, mật ong, hoa cúc… giúp dịu da, thông thoáng lỗ chân lông, hạn chế kích ứng.
Trong thời gian này, bạn nên uống nhiều nước hơn, đảm bảo cung cấp 2-3 lít nước/ngày.
Dùng kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời có thể tác động xấu đến làn da đang bị tổn thương và cản trở quá trình phục hồi, dễ gây thâm, sạm da. Vì vậy, bạn đừng quên dùng kem chống nắng trước khi ra ngoài từ 20-30 phút và thoa lại sau 1-2 giờ nếu làm việc ngoài trời. Chú ý, dùng thêm kính mát, khẩu trang, đội mũ rộng vành… để bảo vệ da tối ưu.
Tẩy tế bào da chết
Bạn có thể dùng các sản phẩm chứa AHA hay BHA để tẩy da chết và loại bỏ các tế bào da sậm màu. Thực hiện tẩy da chết 1-2 lần/tuần để có làn da khỏe mạnh, sạch sẽ.
Trị thâm và sẹo
Các sản phẩm chứa vitamin C, E, tinh dầu tầm xuân sẽ hiệu quả hơn trog việc điều trị thâm sẹo. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống, bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt, acid béo omega-3, chất chống oxy hóa tự nhiên như thịt bò, bông cải xanh, cà rốt, dâu tây, kiwi, táo, nho, cam, đu đủ… để tăng tốc độ phục hồi và góp phần bảo vệ da khỏe mạnh.
Hoài Phương