Đại Kỷ Nguyên

Chàng hoạ sĩ trẻ Ấn Độ đạp xe xuyên lục địa suốt 4 tháng để gặp lại người yêu ‘tiền định’

Người ta từng nói: tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng. Nhân duyên gia đình vốn là do trời định. Nếu đã kết duyên với một người thì dù có muôn vàn cách trở cũng phải ở bên cạnh và đồng hành cùng họ, như chim sát cánh, như hoa liền cành…

Ngày 22/1/1977, chàng trai 24 tuổi P.K. Mahanandia bắt đầu hành trình kéo dài 4 tháng từ thủ đô Delhi (Ấn Độ) tới thị trấn Boras (Thụy Điển) bằng xe đạp để được đoàn tụ với người phụ nữ của cuộc đời mình. Câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp của họ đã trở thành cảm hứng cho cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Per J. Andersson – The Amazing Story Of The Man Who Cycled From India To Europe For Love, xuất bản năm 2013 và vừa được tái bản.

Năm 1975, Mahanandia đang làm họa sĩ ở một khu mua sắm ở Delhi và tình cờ quen một cô gái là khách du lịch từ Thụy Điển đến có tên Charlotte Von Schedvin.

Mahanandia, chàng hoạ sĩ trẻ Ấn Độ

Đó là một ngày đẹp trời, khi đang đi bộ quanh thành phố, Schedvin nhìn thấy một chàng trai trẻ với mái tóc xoăn đang cầm trên tay tấm biển “vẽ chân dung chỉ trong 10 phút, giá 10 rupee”. Tò mò, cô quyết định vẽ thử một bức xem sao. Bất ngờ, khi vừa nhìn thấy Schedvin ngồi xuống, Mahanandia cảm thấy vô cùng bối rối và tay run lên bần bật. Dĩ nhiên, bức tranh rất nguệch ngoạc và không đẹp. Thế nhưng, do bị chàng họa sĩ thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên nên ngày hôm sau Von Schedvin quyết định quay trở lại để vẽ một bức khác. Điều đáng buồn là kết quả vẫn không khá hơn, bởi vì Mahanandia vẫn không thể nào cầm vững cây bút.

Ngay từ giây phút nhìn thấy Von Schedvin, Mahanandia đã nhớ đến lời tiên tri của mẹ từ khi anh còn là một đứa trẻ. Bà nói rằng, khi lớn lên, anh sẽ kết hôn với cô gái thuộc cung Kim Ngưu, đến từ mảnh đất xa xôi, cô ấy là một nhạc công và sở hữu cả một khu rừng. Và lúc nhìn thấy Schedvin, Mahanandia biết cô chính là người phụ nữ đó.

Von Schedvin cô gái tới từ Thuỵ Điển

“Tôi thậm chí còn không hỏi tên cô ấy trước. Tôi hỏi có phải cô ấy sinh tháng 5, thuộc cung Kim Ngưu và có một khu rừng hay không. Và cô ấy đều trả lời là có.” Mahanandia kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ.

Sau đó, anh kể cho cô về lời tiên tri của mẹ anh và nói rằng cô chính là người vợ mà bà đã nhắc đến. Ngay khi nói ra điều ấy với cô, trong lòng Mahanandia đã cảm thấy một chút lo lắng, anh sợ rằng cô sẽ cảm thấy hốt hoảng và không bao giờ muốn gặp lại anh nữa. Thế nhưng, Von Schedvin đã không làm thế, cô cảm thấy trong mắt anh chàng mới quen sự chân thành mà cô chưa từng gặp ở bất cứ người đàn ông nào trước đó và cô tin tất cả những gì anh nói.

Trong vòng chưa tới ba tuần, P.K. Mahanandia đã dẫn Von Schedvin về nhà mình ở bang Orissa và tổ chức nghi lễ cưới truyền thống. Không lâu sau, Von Schedvin phải trở về nước và cô muốn chồng đến ở cùng mình ở Thụy Điển. Cô còn cố ý để tiền lại để Mahanandia có thể mua vé máy bay, nhưng anh kiên quyết không nhận.

Hơn một năm xa nhau, cặp đôi vẫn thư từ qua lại và kể cho nhau mọi điều diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, tình hình tài chính của Mahanandia vẫn không khá hơn, và anh không có khả năng kiếm đủ tiền để mua vé bay sang Thụy Điển thăm vợ. Cuối cùng, anh chàng họa sĩ quyết định bán tất cả tài sản, mua một chiếc xe đạp với giá 60 rupee rồi bắt đầu chuyến hành trình tới quốc gia Bắc Âu, nơi vợ anh đang sinh sống.

Đây chính là con đường mà anh phải đi để tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình

Mahanandia rời Delhi, đi qua Pakistan, Afghanistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tới được châu Âu. Anh không có đủ tiền để mua đồ ăn nên đã quyết định vẽ tranh chân dung trên suốt chặng đường để kiếm tiền. Dù không biết ngoại ngữ nhưng dường như nghệ thuật chính là ngôn ngữ tuyệt vời nhất mà bất cứ ai cũng có thể thấu hiểu, cảm nhận và nó đã giúp chàng họa sĩ nghèo sống sót suốt chuyến đi dài.

“Nghệ thuật đã cứu tôi. Tôi vẽ chân dung và một số người trả công tôi bằng tiền, thức ăn hay cho tôi chỗ ở” – Mahanandia kể lại.

“Chân tôi đau mỏi có lúc tưởng như không thể đi tiếp được nữa. Nhưng nghĩ đến niềm hạnh phúc được gặp Charlotte, được đặt chân đến những vùng đất mới, tôi lại tự nhủ phải tiếp tục cố gắng”, Mahanandia chia sẻ thêm về những trải nghiệm của chuyến hành trình.

Đến ngày 28/5, Mahanandia cuối cùng cũng đã đặt chân đến châu Âu và gặp lại người vợ yêu dấu mà anh đã chờ đợi từ rất lâu.

“Lúc thấy tôi, cô ấy mừng rỡ lao tới. Tôi nói ‘xin lỗi em, người anh bốc mùi quá’. Nhưng cô ấy vẫn ôm tôi thật chặt”. Ánh mắt Mahanandia ánh lên niềm hạnh phúc khi hồi tưởng lại.

Tuy có nhiều khác biệt về văn hóa và gặp nhiều trở ngại để lấy lòng bố mẹ vợ vốn là một gia đình quý tộc ở Thụy Điển, nhưng với tình yêu lớn lao và lòng kiên nhẫn không gì có thể lay động, cả hai cuối cùng cũng kết hôn một cách hợp pháp ở Thụy Điển.

Sau này, P.K. Mahanandia trở thành giáo viên hội họa. Các tác phẩm của ông được trưng bày khắp các phòng tranh ở châu Âu. Còn bà Von Schedvin thì theo đuổi con đường âm nhạc. Cả hai sinh được hai người con là Emelie, 31 tuổi, hiện đang là nhà kinh tế học, và Karl-Siddhartha, 28 tuổi, đang làm phi công trực thăng. Gia đình họ luôn tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười.

Có ai đó đã từng nói, hạnh phúc chính là món quà mà Thượng Đế dành tặng cho những ai chân thành và kiên nhẫn. Mahanandia vốn chỉ là một họa sĩ vô danh và nghèo khổ, nhưng anh đã hoàn toàn chinh phục được trái tim Von Schedvin vốn là một cô gái quý tộc. Mahanandia kiên nhẫn theo đuổi Von Schedvin bởi anh yêu con người cô, tin vào nhân duyên tiền định của hai người và một lòng chung thủy với điều đó, chứ không phải vì bất kỳ toan tính nào về vật chất. Và với tình yêu thương thuần khiết và sự bền bỉ nhẫn nại, người đàn ông này đã làm được một điều phi thường tưởng chừng như không thể.

Bởi lẽ, đời này có thể gặp gỡ và đem lòng thương yêu nhau, chắc chắn là do nhân duyên từ kiếp trước. Dẫu sang hèn hay xấu đẹp, họ nhất định sẽ thành đôi. Cũng bởi vì đã từng hẹn ước bên nhau nên hai người chỉ cần gặp là đã nhận ra nhau. Giống như lúc mà Mahanandia gặp Von Schedvin, ngay từ cái nhìn đầu tiên, anh đã biết rõ cô chính là người phụ nữ sẽ gắn bó với mình suốt đời. Và anh luôn dành tặng cho cô những điều tuyệt vời nhất, khiến cô cảm nhận được tình yêu thương chân thành. Hai con người ấy đã sống thủy chung trọn đời với tấm lòng biết ơn cuộc sống đã trao tặng họ mối nhân duyên này.

Con người vì nhân duyên mà hội ngộ, vì tình mà trái tim ấm áp, vì trân quý nhau mà hạnh phúc trọn vẹn. Vậy nên, hãy yêu thương son sắt và thủy chung người bạn đời bên cạnh mình… 

Linh An

Xem thêm:

Exit mobile version