Kevin Cheung, nhà thiết kế 32 tuổi chuyên sản xuất các sản phẩm từ những vật liệu bỏ đi, tìm ra cách ôn hòa của riêng mình để ủng hộ cho phong trào biểu tình dân chủ của người Hồng Kông.
Chiếc đàn piano từ những cây dù
Kể từ lúc nhân viên chính phủ bắt đầu dọn dẹp đường phố ở trung tâm Hồng Kông vào tháng 6, khi phong trào biểu tình mới bắt đầu, Cheung đã vội đi thu lượm những chiếc ô bị bỏ lại.
“Tôi có thể cảm nhận được mức độ bạo lực diễn ra với những chiếc ô cũng như đối với những người cầm ô”, Cheung chia sẻ với báo Reuters. Theo anh, rác thải của thành phố có liên kết chặt chẽ với những điều xảy ra tại nơi này.
Ô dù đã trở thành biểu tượng dễ thấy nhất trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông năm 2014. Các nhà hoạt động dân chủ sử dụng chúng để chống lại hơi cay và bình xịt hơi cay của cảnh sát.
Vào ngày 28/9 vừa qua, nhân kỷ niệm lần thứ năm của “Phong trào Ô dù”, Cheung đã cho ra mắt một phiên bản piano bỏ túi có 9 nốt để chơi bài hát “Glory to Hồng Kông” (Tạm dịch: Quang phục Hồng Kông, bài hát được cho là quốc ca không chính thức của phong trào biểu tình).
Việt hóa video: VOA
Những cây đàn piano bỏ túi là một nhạc cụ khá phổ biến ở Hồng Kông và Trung Quốc. Anh nói: “Chế tạo ra đàn piano bỏ túi để chơi bài ‘Vinh quang Hồng Kông’ là cách tôi bảo tồn giai đoạn lịch sử này theo cách chúng ta vẫn có thể tương tác với nó”.
Chiếc đàn piano của Cheung là một trong những sáng kiến sáng tạo để bày tỏ mối quan tâm và nguyện vọng của người Hồng Kông đối với tình hình chính trị của thành phố.
Cheung đã quyên góp số tiền thu được từ việc bán 45 cây đàn piano bỏ túi, mỗi cây khoảng 250 đô-la Hồng Kông (khoảng 750.000 VNĐ) cho hai tổ chức hỗ trợ người biểu tình về pháp lý hoặc chăm sóc y tế.
Bạo lực gia tăng
Cheung nói: “5 năm trước, đó chỉ là cây dù. Còn bây giờ là mũ bảo hiểm, mặt nạ chống độc và thậm chí cả khiên chắn”.
Anh cho rằng mọi người luôn quan tâm đến sự tinh xảo, hoàn thiện của một sản phẩm thủ công. Tuy nhiên trong phiên bản đàn piano bỏ túi “Vinh quang Hồng Kông”, mọi người tìm kiếm sự khiếm khuyết, đó là bằng chứng ghi lại nguồn gốc đau thương của những chiếc ô.
Những chiếc ô ngày càng vỡ nát, ngày càng vỡ nát vì mức độ bạo lực đang ngày càng tăng. Thậm chí Cheung cho biết hiện nay, anh thấy thật khó để tìm thấy một chiếc ô nguyên vẹn.
Người biểu tình Hồng Kông có thật sự “bạo động”?
Một trong những lý do chính phủ tiến hành đàn áp là buộc tội những người biểu tình Hồng Kông là “bạo động”, gây rối, buộc tội họ như các “tội phạm bạo lực” kèm theo đó là những hình ảnh phá hoại do những người mặc đồ đen, đeo mặt nạ, giống như hình ảnh của người biểu tình Hồng Kông thực hiện.
Tuy nhiên theo Li Yiping, một chuyên gia về Trung Quốc, tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc có ý đồ cài cắm mật vụ giả dạng người biểu tình để gây loạn, sau đó lấy cớ để dùng vũ lực đàn áp phong trào dân chủ tại Hồng Kông.
Theo đó, rất nhiều bằng chứng đã được người dân Hồng Kông ghi lại.
Hình ảnh được ghi lại cho thấy một người “biểu tình giả” có trang bị súng lục ở hông, trông giống khẩu GLOCK 19 của cảnh sát Hồng Kông.
Tối Chủ Nhật, ngày 11/8, cảnh sát Hồng Kông đã thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ bạo lực trên đường phố Vịnh Causeway.
Theo quan sát của PV báo Hong Kong Free Press (HKFP) , một số người đàn ông ăn mặc như người biểu tình, nhưng lại hỗ trợ cảnh sát khuất phục người biểu tình: họ vung dùi cui và đeo mặt nạ phòng độc, mặc dù không có hơi cay nào được bắn ra ở vùng lân cận Vịnh Causeway.
Sau khi bị chất vấn, trong một cuộc họp báo vào ngày 12/8, cảnh sát Hồng Kông đã thừa nhận cho mật vụ trà trộn vào các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật (11/8).
Ngày 19/11, một đoạn video khác được đăng trên Facebook với tiêu đề “Quay lại được cảnh sát Hồng Kông ngụy trang thành côn đồ để đi gây rối”.
Trong đoạn clip, có thể thấy rõ nhiều đàn ông mặc trang phục giống người biểu tình, đeo khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc che kín mặt bước ra từ xe cảnh sát.
Trong video, hai cảnh sát Hồng Kông còn đưa tay vỗ nhẹ vào những “người biểu tình” này, dường như có quen biết nhau. Đợi sau khi tất cả những kẻ giả dạng thành người biểu tình ra khỏi xe rồi, cảnh sát mới đóng cửa xe cảnh sát lại.
Những vụ việc khuất tất của cảnh sát trong các cuộc biểu tình như trên đã nhấn sâu thêm mối lo ngại của các nhà quan sát và kích động tâm lý thù ghét của những người còn chưa có đủ thông tin về cuộc biểu tình dân chủ tại Hồng Kông.
Bất chấp những hành động bạo lực của cảnh sát, những lời vu khống về những “người biểu tình giả”, thì người Hồng Kông cùng mặt nạ phòng độc, mũ bảo hiểm và cả những chiếc ô rách nát đã trở thành biểu tượng cho khát khao dân chủ tại thành phố này.