Đại Kỷ Nguyên

Cháu trai đến nhà chơi không dám gắp nhiều thức ăn, lý do đằng sau khiến bà rơi nước mắt

Nghỉ hè năm nay đứa cháu trai đến ở nhà tôi chơi 1 tháng. Chỉ vẻn vẹn 1 tháng thôi nhưng tôi mới biết được cháu tôi đã phải trải qua một tuổi thơ như thế nào.

Cháu tôi là một cậu bé rất ngoan và hiểu chuyện từ sớm, thành tích học tập cũng rất tốt, lại chưa bao giờ cãi nhau đánh lộn với bạn bè. Nhưng nó cũng rất đáng thương. Em trai tôi mất 5 năm trước do tai nạn giao thông để lại một mình em dâu vất vả nuôi con nhỏ.

Nghỉ hè năm nay vì em dâu công việc bận bịu nên đã gửi con đến gia đình tôi một thời gian.

Sau khi đến gia đình tôi cậu bé và con trai tôi rất nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết. Nếu để so sánh giữa 2 đứa nhỏ, thì đứa cháu đúng là ngoan và hiểu chuyện hơn con tôi nhiều. Từ ngày tới nhà tôi, cậu bé chưa bao giờ dậy muộn, sáng nào cũng dậy từ 7 giờ, làm vệ sinh cá nhân xong thì tự giác gấp chăn màn ngay ngắn, sau đó một mình ngồi xem ti vi trong phòng khách đợi tôi dậy làm bữa sáng. Tuyệt nhiên không gây tiếng động ồn ào làm ảnh hưởng tới những người khác trong nhà.

Đứa nhỏ này còn rất chăm chỉ và nhanh nhẹn, lại biết giúp tôi lau nhà, rửa chén bát. Thực sự tôi rất yêu quý đứa cháu này, nhiều khi còn nghĩ nếu nó là con trai tôi thì tốt biết mấy. Qua một thời gian, tôi bỗng phát hiện ra bữa cơm nào cháu cũng găp rất ít thức ăn, mà chỉ dám gắp những đồ ngay trước mặt. Lần nào thấy thế tôi cũng bảo cháu: “ Hải Minh (tên cháu trai tôi), nhà cô cũng như nhà con, con muốn ăn gì thì ăn thứ đó, ăn nhiều một chút, không phải ngại.”  Hải Minh miệng vâng vâng dạ dạ, nhưng cuối cùng vẫn chỉ gắp những món ăn ngay cạnh mình.

Từ ngày về nhà tôi, cháu cũng chưa từng đòi tôi đưa ra ngoài chơi. Mặc dù có lần tôi muốn đưa cháu đi mua quần áo, nhưng nói thế nào cậu bé cũng từ chối không đi. Tôi thật không vui khi Hải Minh cứ giữ thái độ như vậy, cảm giác cháu coi tôi như người ngoài vậy. Hơn nữa nhìn cách cháu cư xử như một người lớn, chẳng có chút nào hồn nhiên vô tư của con trẻ.

Một lần, chồng tôi dẫn con trai và cháu ra ngoài chơi. Tôi ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Trong khi quét dọn tôi vô tình nhìn thấy nhật kí của Hải Minh. Tôi không phải là người hay xem trộm đồ của người khác, nhưng lần đó, vì tò mò về đứa trẻ này nên đã cầm lên xem qua. Nhưng vừa lật đến trang đầu tiên, tôi đã không cầm được nước mắt trước những dòng chữ của con trẻ: “Nghỉ hè năm nay được đến nhà cô chơi rất vui. Trước khi đến đây, mẹ còn dặn dò mình nhiều lắm: không được nghịch ngợm, phải ngoan ngoãn, nghe lời; khi ăn cơm thì không được gắp đồ ăn lung tung …”

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Hải Minh luôn chỉ ăn những thức ăn ngay trước mặt mình. Vừa thương, vừa giận, tôi gọi cho em dâu: “Hải Minh còn nhỏ như thế, sao em dạy nó thành người lớn sớm vậy. Chúng ta là người nhà, ở nhà chị cũng như nhà em, hãy để cho con được thoải mái, tự nhiên đúng bản chất trẻ con của chúng em à.” Em dâu không nói gì chỉ im lặng, thực ra tôi không hề có ý trách cứ gì cô ấy, tôi cũng hiểu rằng vì cuộc sống khó khăn, e dâu chỉ là không muốn con trai gây thêm phiền phức cho gia đình tôi mà thôi.

Một lần khác, Hải Minh gọi điện cho mẹ, nói muốn đến một khu vui chơi, em dâu nói với con trai: “Nếu con hoàn thành đúng hết các bài tập hè thì mẹ sẽ dẫn con đi chơi!” Cậu bé vô cùng phấn khích, ngay lập tức ngồi vào bàn cặm cụi làm bài tập, bỏ cả những tập phim hoạt hình yêu thích. Con trai tôi biết được việc này, cũng đòi bố dẫn đi khu vui chơi, chồng tôi cũng ra điều kiện cho con giống như em dâu. Con chẳng những không chịu mà nhất định đòi đi ngay hôm sau. Khi chồng tôi không nhượng bộ liền nằm ra đất khóc ăn vạ. Vợ chồng tôi chỉ còn cách đồng ý để dỗ con. Hải Minh đứng bên cạnh thấy vậy liền chạy về phòng khóc một mình. Tôi biết vì sao cháu khóc, cũng biết được tâm trạng không dễ chịu của cháu lúc đó, chính vì vậy tôi càng thương Hải Minh hơn, nước mắt cũng rơi tự bao giờ.

Hải Minh cũng giống như tôi hồi nhỏ, vì gia đình nghèo khó không có điều kiện nên tôi chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì ở cha mẹ. Hàng ngày sau khi tan học, tôi vừa nấu cơm vừa làm bài tập để chờ cha mẹ đi làm về. Hải Minh ngoan và hiểu chuyện như vậy cũng bởi cậu bé biết mẹ hàng ngày phải làm việc vất vả thế nào, nên cháu ý thức được rằng mình không thể giống như những đứa trẻ cùng trang lứa khác muốn ăn gì, chơi gì hay đi đâu cũng có thể đòi hỏi bằng được thậm chí là làm nũng hay ăn vạ.

Có lẽ đứa trẻ càng hiểu chuyện bao nhiêu thì lại càng đau khổ và đáng thương bấy nhiêu. Bởi vì đằng sau sự biết suy nghĩ ấy là sự tự ti, là không có cảm giác an toàn vì những gì đang có có thể mất đi bất cứ lúc nào. Cho nên chúng phải sống một cách cẩn thận và đề phòng, cũng chính vì thế mà chúng mất đi bản tính hồn nhiên của trẻ thơ.

Quỳnh Chi

Xem thêm:

Exit mobile version