Đại Kỷ Nguyên

Cháy chung cư Carina Plaza: Tình người lúc sinh tử sát thân

Tôi đã khóc khi đọc câu chuyện người mẹ nỗ lực cứu hai con và người bố đau đáu tìm đường vượt lửa đến với người thân. Và mắt cũng rưng rưng khi chứng kiến sự sẻ chia của cộng đồng trước hỏa hoạn kinh hoàng, rồi chợt xót xa khi nhìn bàn tay phồng rộp của người lính cứu hỏa. Trong cái lằn ranh của sự sống và cái chết, ngoài bản năng sinh tồn bằng mọi giá, tình người vẫn bùng cháy.  

Hình ảnh người mẹ trẻ tay bế đứa trẻ mới 15 tháng, trên lưng là đứa nhỏ 4 tuổi, cứ loay hoay tìm cách đưa con thoát khỏi sự bủa vây của khói đen, cái nóng hầm hập của đám cháy ám ảnh bất cứ ai chứng kiến.

Nhưng có lẽ khó ai có thể hình dung được tâm trạng của người bố đứng dưới nhìn vợ con mình đang đơn độc chống trọi với bà hỏa. Bất chấp mọi cản ngăn anh đã phá rào lao lên tìm cách cứu vợ con nhưng đến nơi lại không thấy tăm tích của 3 người thân yêu trong khi tòa nhà vẫn đang bốc cháy ngùn ngụt. Rất may, cô vợ đã dũng cảm và bình tĩnh cứu mình, cứu cả những người xung quanh, xuống nơi an toàn. Một phần vì nắm vững kỹ năng thoát hiểm do người cha truyền lại, nhưng phần nhiều là bởi tình mẫu tử thiêng liêng, và nhân sinh của người phụ nữ.

(Ảnh: VTV24h)

Và trong khi hàng trăm người đang cố gắng lao ra khỏi vùng hiểm nguy thì những chiến sĩ cứu hỏa lại lao vào lửa khói để cứu nạn. Biết là nhiệm vụ của họ phải xông pha, song cũng nể phục tấm lòng quả cảm của các anh. Thiết bị còn thiếu và yếu, địa hình thì khó khăn, nhưng những người lính vẫn nỗ lực tìm người cứu hộ, bất chấp bản năng muốn sống có trỗi dậy. Dù bàn tay phồng rộp vì lửa đốt, các anh vẫn không màng đến sự an nguy của bản thân, vẫn cặm cụi, từng bước tìm người, tìm đường, bất kể nguy cơ đổ ập lên mình.

Không có thống kê nào nhưng những người chứng kiến đã chia sẻ rằng, mỗi lính cứu hỏa cũng đã đưa được khoảng 20 người thoát khỏi biển lửa. Đó là bởi họ không chỉ quên mình vì nhiệm vụ mà còn bởi tính người trong lúc sinh tử sát thân. Dường như, ngọn lửa có thể hủy hoại được thân thể anh, nhưng cũng chính nó đã nung nấu trong tim một ý chí sẵn sàng cứu người vô cùng mãnh liệt.

Ảnh: Zing

Trong cơn hoảng loạn, người ta nháo nhào tìm thân thích, sự mệt mỏi, tuyệt vọng, thất thần hằn rõ trên những khuôn mặt nhem nhuốc vì bụi khói. Song đây đó là lời an ủi, những cái ôm sẻ chia, bàn tay nắm lấy bàn tay, hay là chia nhau ngụm nước, mảnh vải khoác thân.

Dù có mất mát, có thiệt hại, nhưng đau thương cũng vơi bớt phần nào bởi những sẻ chia của cộng đồng. Trong cơn hoảng loạn vô phương hướng, họ được nhận cơm, quần áo, giày dép của các đơn vị từ thiện, được sắp xếp nơi nghỉ ngơi tạm thời vì chưa thể trở về nhà.

“Chú uống miếng nước cho lại sức”, “Anh cứu hỏa dừng tay ăn cơm rồi làm nhiệm vụ tiếp”, “Bà con vô lấy áo, lấy dép mang cho khỏi nắng nóng”… những câu nói chân tình ấy như miếng băng gạc xoa dịu vết thương.

(Ảnh: Zing.vn)

Bánh mì, sữa, nước uống, cơm được một đơn vị siêu thị xuất kho, hoặc chuyển từ các siêu thị gần đó đến khu chung cư, phát cho bà con. Và rồi nhà hàng, quán ăn cũng vội vàng mang đồ tới phát cho mọi người rồi thu gom đồ ăn thừa. Trong số những người phát cơm ấy cũng không ít là người vừa thoát thân từ đám cháy.

(Ảnh: zing.vn)

Và rồi quần áo, chăn màn, nước uống đều được các cá nhân, tổ chức nhanh chóng huy động để đến tay những người bị nạn sớm nhất.

Người Việt vẫn có truyền thống lá lành đùm lá rách, bởi cùng chung bọc trứng mẹ Âu Cơ, bởi vậy khi có người gặp nạn, cộng đồng vẫn sẵn sàng sẻ chia. Vâng người Việt chúng ta không hề vô cảm.

Hà Vũ

Exit mobile version