Một bộ phim châu Âu, chỉ dài vọn vẹn 76 giây nhưng có thể khiến bạn thay đổi kế hoạch cho cả kỳ nghỉ tết của mình. Bạn cảm thấy khó tin ư? Vậy hãy cùng khám phá góc nhìn của nữ đạo diễn Natalia Chernysheva về hai chữ “Trở về”: Tuy xa mà hóa gần, tuy lạ mà lại thật thân quen.
Bộ phim xoay quanh một tình huống quen thuộc: Một cô gái trẻ đã trưởng thành từ thành phố trở về thăm nhà. Chuyến hành trình bắt đầu ở nhà ga “Le Retour” (nhà ga “Trở về”). Cô gái trẻ bắt chuyến xe buýt để về với thôn quê, nơi có người mẹ thân yêu đang đợi. Bộ phim bắt đầu bằng tiếng còi xe ồn ã, cảnh người đông đúc. Hóa ra, ở trời Tây, hành trình trở về cũng thường bắt đầu bằng những thanh âm quen thuộc với chúng ta như vậy.
Xe khách những ngày ấy không chỉ chở người. Những chuyến xe chở cả cái Tết về cho rất nhiều gia đình. Nhưng quan trọng hơn là chở những đứa con xa nhà về với mẹ cha, chở những người chồng, người vợ hôm sớm tảo tần nơi đất khách về với tổ ấm, nơi người bạn đời và những đứa con đang ngóng đợi. Những ngày Tết ra bến phà, bến xe, ga tàu, chúng ta có lẽ sẽ cảm nhận được rõ nhất cái xốn xang của lòng người. Tết về, người ta mong lắm sự đoàn viên.
Thời điểm chuyến xe lăn bánh cũng là thời điểm lòng người bớt được một nỗi lo, thêm được đôi chút niềm vui. Trong tâm trí hẳn đã bắt đầu hiện lên những tưởng tượng về giờ phút gặp mặt.
Trở lại với nhân vật chính của chúng ta, cô gái đã trở về nhà an toàn.
Hình ảnh ngôi nhà nhỏ liêu xiêu lại một lần nữa khiến người xem xốn xáng. Phải chăng, không phân biệt bạn đến từ quốc gia nào, trong trái tim mỗi người, nhà dù nhỏ đến đâu thì đều là nơi chốn tươi đẹp và bình yên nhất.
Nhưng một điều lạ là cô gái lại quá to lớn so với ngôi nhà của mình, tới mức khi cô bước tới còn khiến cho những trái táo trên cây rụng xuống. Cô gái như một người khổng lồ về lại ngôi nhà tí hon. Và bất ngờ thay, cô đã gặp mẹ như thế. Mẹ cũng nhỏ bé như ngôi nhà và những trái táo vậy.
Nhưng dù, cô gái có là ai, có to lớn tới cỡ nào thì mẹ vẫn có thể ôm lấy cô. Không thể ôm gọn cô vào lòng, mẹ hài lòng với việc ôm đôi chân to lớn của cô.
Và như thường lệ, cô hôn chào mẹ. Khuôn mặt phúc hậu của bà càng trở nên rạng rỡ nhờ vết son môi của con gái. Mẹ vẫn luôn là mẹ, chỉ cần nhìn thấy con và được chăm sóc cho con là đủ để thấy hạnh phúc.
Từ lúc rửa tay, cho tới khi cô gái ngồi vào chiếc bàn ăn bên ngoài ngôi nhà, cô vẫn là một người khổng lồ, vẫn có một khoảng cách với người mẹ thân yêu. Nhưng bất chấp khoảng cách to lớn, mẹ vẫn tất bật chuẩn bị mọi thứ để chăm sóc cô theo cách của mình. Tới cảnh phim này, bộ phim giản dị đã đi gần hết chặng đường của nó trong lặng lẽ (trừ tiếng tàu xe ở phần mở đầu). Không có lời thoại, chỉ có tiếng dế kêu, tiếng gió xào xạc khe khẽ qua tán cây táo và những ngọn cỏ, điểm xuyết là một vài tiếng chim.
Sự tĩnh lặng dường như đang mang đến cho những nhân vật chính khoảng không để lắng xuống. Người trở về có thời gian để cảm nhận được tiếng bước chân của chính mình, tiếng gáo múc nước, cảm giác làn nước mát lành trong đôi bàn tay. Và sự tĩnh lặng giúp cho người mẹ nhỏ bé nhìn được con mình thật rõ, để cảm nhận là nó đã thực sự trở về.
Nhưng nếu cô gái ấy vẫn to lớn thế, sao có thể vào nhà? Sao có thể sà vào lòng mẹ? Đây chính là nút thắt là nên giá trị của bộ phim. Trong khi cô gái ngồi lên chiếc ghế quen thuộc, người mẹ đã mang ra một cho cô một món quà, cũng chính là một phép màu. Nhờ nó, cô gái bỗng “biến hình” trong tiếng nhạc vui tươi bắt đầu nổi lên.
Cô bé chui qua gầm bàn đến bên mẹ và thơm một lần nữa vào đôi má của bà. Để rồi sau đó có thể dựa đầu vào vai mẹ, để cùng ngắm khung cảnh bình yên thân thuộc.
Tiếng nhạc vẫn vang lên cho đến tận cuối phim. Cô gái bé nhỏ nhờ “phép màu” đã tháo bỏ được dáng vẻ của người lớn để trở về làm đứa trẻ trong vòng tay mẹ. Để được sống những ngày làm trẻ thơ vô lo, vô nghĩ, thực lòng trao đi và nhận về tình yêu thương.
Bạn có đoán ra “phép màu ấy”?
Giây phút đó thực sự diệu kỳ. Nó sẽ giúp bạn “gọi” những kỷ niệm yêu thương nhất của bạn trở về…
Nguồn ảnh: thekidshouldseethis
Hải Lam