Chuyện chợ búa, bếp núc hằng ngày tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng làm biết bao người nội trợ phải đau đầu. Bữa nay ăn lại nghĩ bữa mai ăn gì, rồi đắn đo mua sao cho đủ, cho vừa tiền mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng, món ăn phong phú, cả nhà ngon miệng.
Vẫn chỉ là tôm, cá, lợn, bò, gà, nhưng nếu biết sắp xếp xen kẽ giữa các nguyên liệu chính này với các cách chế biến khác nhau như hấp, xào, chiên, nướng, kho thì có quay vòng 1 tuần cũng không lo bị trùng lặp gây ngán cho người ăn. Đó là chưa kể các loại rau củ phong phú sẽ đem lại sự đa dạng, màu sắc cho mâm cơm hằng ngày. Đi chợ không đơn giản là mua xong rồi về mà phải mua sao cho đủ chất, phải đắn đo xem đắt hay rẻ, rồi phải cân bằng lượng dinh dưỡng cho phù hợp, lại còn phải đổi món liên tục để không bị trùng lặp. Bí quyết của chị Trang (Cầu Giấy) là quyết định món gì là chính cho bữa ăn rồi lên danh sách các đồ cần mua, từ nguyên liệu cho món chính, những rau củ cho món phụ, rồi mới đến tráng miệng.
Tuy nhiên, đôi khi do bận rộn, hay mệt mỏi mà các bà nội trợ có thể bí ý tưởng thì khi đó, internet lại là một cứu cánh. Chỉ cần lên mạng search nguyên liệu, hay rau củ theo mùa là có thể đưa ra cả mớ ý tưởng, từ thực phẩm đến cách chế biến để làm giàu hơn kho tàng bếp núc của gia đình.
Chị Trang chia sẻ, mỗi ngày chị thường lên mạng đọc các hướng dẫn món ăn, hoặc tham gia các group nội trợ nên được mọi người chia sẻ những mẹo bếp, công thức nấu ăn nên bữa cơm nhà chị khá đa dạng. Hơn nữa, chị cũng học hỏi nhiều món ăn mới, đem lại bất ngờ cho các thành viên trong gia đình.
Chị Hoa (Trương Định, Hà Nội) lại thường xuyên tham khảo giá cả thị trường trên mạng xã hội để cân đối chi tiêu cho mỗi bữa ăn. Cũng qua cách này mà chị nắm rõ mùa nào thức ấy, vừa được ăn những món ngon, mới lạ lại hợp mùa với giá hợp lý.
Tuy nhiên, với nhiều người công việc bận rộn, tan sở cũng đã muộn, chợ sắp tàn chẳng còn nhiều đồ ngon thì giải pháp cho bữa ăn hằng ngày là đi chợ 1 lần cho cả tuần. Muốn như vậy thì các bà nội trợ phải lên sẵn danh sách thực đơn trong tuần, dựa vào đó để mua sẵn thức ăn, sơ chế, cấp đông khi cần thiết.
Chị Phương, một nhân viên hành chính văn phòng, cho biết thường một tuần chị đi chợ chính 1 lần vào sáng thứ 7, tiện đưa con đi học thêm chị kết hợp đi chợ luôn. Trước hết chị đi theo khu vực rau củ trước, chị mua các loại khác nhau: rau củ, hành, bí xanh (những loại đề phòng mưa gió bão), dưa leo, ngải cứu (cho bà), cà rốt tùy tuần rồi đến trái cây các loại, sau đó là đến thức ăn (trứng, cá, tôm, ếch, thịt gà, bò, lợn…) tùy tuần.
Về nhà chị sơ chế để riêng thức ăn vào ngăn đá theo từng bữa. Rau thì bỏ lạt, bọc giấy, cho túi nilon buộc kín. Rau nào dễ hỏng thì ăn trước, rau nào để được lâu thì ăn sau. Hằng ngày chỉ cần mua đồ bổ sung nếu cần.
Và để tránh lãng phí khi mua nhiều đồ về mà không dùng đến hoặc chưa dùng đã hỏng thì trước khi đi chợ nên kiểm tra tủ lạnh xem đồ gì còn, đồ gì thiếu thì mua bổ sung. Bởi có thể bạn đang bỏ sót một nguyên liệu nào đó từ lần đi chợ trước.
Những gia vị khô có thể mua nhiều trữ dùng dần, vì chúng có thể dùng thường xuyên và dùng được cho nhiều món ăn khác nhau. Các loại thực phẩm tươi có thể trữ nhiều để tiện dùng bất cứ khi nào cần như trứng, cà chua, khoai tây, hành tây… Tuy nhiên, cũng đừng hoang phí “đầu tư” cho những thứ đắt tiền, trừ phi gia đình bạn cực kỳ sành ăn.
Mẹo đi chợ của chị Hà (Hoàn Kiếm) khá đơn giản. Giữa thời đồ bẩn bủa vây khắp nơi chị chọn các cửa hàng uy tín, các cơ sở có nguồn gốc rõ ràng. Khi đã là khách quen thường xuyên bạn sẽ có cơ hội được ưu đãi và chăm sóc đặc biệt hơn. Một điều rất quan trọng nữa là mua đồ về nhớ sơ chế sạch, chia khẩu phần ăn hợp lý trước khi cấp đông. Khi đó sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng giúp bạn chế biến món ăn nhanh hơn cho mỗi bữa.
Ngoài ra thì dụng cụ làm bếp cũng góp phần làm cho công việc nội trợ đỡ cực nhọc như nồi áp suất giúp nấu nhanh hơn các món cần nhừ, lò nướng giúp mình làm được một số món khá hấp dẫn, làm sẵn nước hàng cho vào lọ dùng dần, biết tận dụng các món ăn chế biến sẵn… như thế công việc bếp núc sẽ nhàn đi rất nhiều.
Vũ Vũ