Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Có một câu chuyện thường xuyên được nhắc đi nhắc lại trong các trường học Nhật Bản, đặc biệt là trong những buổi họp phụ huynh. Chuyện kể rằng, sau Thế Chiến thứ II, kinh tế Nhật Bản vô cùng khó khăn. Các gia đình đông con rất hiếm khi được ăn đủ no, chủ yếu là cơm rau và muối, chỉ những dịp lễ tết mới có thịt.

Ngày nọ, có một cậu bé đi ra ngoài mua đồ cùng mẹ. Khi sắp về đến nhà, đi qua một cửa tiệm, cậu bỗng dừng chân bởi mùi bánh rán thơm phức. Đã lâu không được ăn thịt, cậu bé rất thèm, mùi thịt trong bánh lại rất hấp dẫn nên không chịu nổi đành đòi mẹ mua.

Người mẹ dịu dàng nói nhà mình không có điều kiện, nếu thật sự mua về thì sẽ bị bố mắng. Vậy mà cậu bé chẳng những không nghe lời mà còn khóc thét lên, oán thán với mẹ rằng các bạn trong lớp đều ăn rồi, chỉ có mình con là chưa từng ăn, dù chỉ thử một lần thôi cũng được.

Người mẹ thương con cả ngày chỉ ăn rau muối với cơm, rất muốn mua cho cậu bánh nhưng ngặt nỗi gia đình nghèo quá nên không thể tùy tiện quyết định. Bà hết sức khuyên bảo con trai và nói với cậu nếu mua về sẽ bị bố quở trách. Thế nhưng, cậu bé nhất định không chịu, cứ kêu khóc đòi cho bằng được. Cuối cùng người mẹ nhìn con hồi lâu rồi bước vào cửa tiệm mua 6 cái bánh.

Quả nhiên sau khi bố về nhà, nhìn thấy trên bàn tự nhiên có thêm một đĩa bánh rán thì lập tức nổi trận lôi đình với vợ: “Nhà nghèo còn không đủ tiền mua gạo ăn mà sao lại hoang phí như vậy chứ. Thật là không biết suy nghĩ…”

Nhà có người nhưng mẹ chỉ mua 6 chiếc bánh (Ảnh: sohu.com)

Cậu bé đứng bên cạnh vô cùng hoảng sợ, rất lo mẹ sẽ nói ra sự thật. Nếu như vậy phen này không biết sẽ ra sao trước sự phẫn nộ và trừng phạt đáng sợ của bố, bởi ông là một người rất nóng nảy và nghiêm khắc. Nhưng mẹ chỉ âm thầm nghe bố quở trách mà không hề phản bác lại câu nào. Bà chỉ yên lặng nghe mà không giải thích gì cả, mắt nhìn xuống dưới và tỏ ra rất bình tĩnh.

Đang trong lúc tức giận, bố chợt nhận ra trên đĩa chỉ có 6 cái bánh. Nhà có 5 đứa con, như vậy sẽ có 7 người, nhưng mẹ chỉ mua 6 chiếc, như vậy bà đã không hề mua bánh cho mình, chỉ mua phần cho chồng và con. Tiếng la mắng bỗng im bặt, bố lặng lẽ chia bánh của mình làm đôi, đưa cho mẹ một nửa, sau đó yên lặng ăn phần còn lại. 

Thấy bố đã ăn bánh, cả nhà thở phào nhẹ nhõm vì hiểu rằng ông đã đồng ý và không còn tức giận nữa. Mọi người bắt đầu thoải mái thưởng thức chiếc bánh khoai tây nhân thịt bò ngon lành mẹ mua về.

Bài học về chiếc bánh và sự im lặng của mẹ Gia đình là chiếc nôi giáo dục con trẻ
Bài học quý giá từ người mẹ đã theo cậu bé suốt cả cuộc đời. (Ảnh: Senbii)

Sau bữa tối, mẹ không những không trách mắng cậu con trai mà còn tươi cười nói: “Bánh ăn ngon lắm!”

Từ đó cậu bé luôn ghi nhớ sâu sắc bài học về tình yêu thương vô điều kiện, bao dung và trách nhiệm từ người mẹ. Chỉ bằng sự im lặng và nhẫn nhịn, bà đã dạy cậu con trai một bài học quý giá và theo cậu suốt cả cuộc đời. Cậu đã hiểu rằng làm người không được hành động tùy ý mà phải cân nhắc hậu quả. Một khi đã quyết định thì phải dũng cảm chịu trách nhiệm, không được tìm cớ để thoái thác, đổ lỗi cho người khác. Và cậu bé ấy sau này đã trở thành Giám đốc công ty tư vấn Seijirō. 

Một chút suy ngẫm:

Câu chuyện trên đã chỉ cho chúng ta thấy rõ sự quan trọng của gia đình trong sự hình thành nhân cách của trẻ nhỏ và cha mẹ chính là tấm gương quyết định sự thành công hay thất bại của con. Theo đó, giáo dục trong gia đình và giáo dục ở nhà trường giống như hai bánh của một chiếc xe mà nghiêng sang bên nào đều sẽ khiến xe mất cân bằng. Con đường chiếc xe đi cũng giống như đời người, đều cần có sự giáo dục của cả nhà trường và gia đình. Chỉ có như vậy thì chiếc xe ấy mới lướt đi an toàn, vững vàng trước những biến cố đang rình rập phía trước. 

Chiếc bánh và sự im lặng của mẹ - Gia đình là chiếc nôi giáo dục con trẻ
Gia đình Nhật Bản luôn đề cao sự tôn nghiêm và cư xử có nguyên tắc. (Ảnh: Mikrometoxos.gr)

Đồng thời, thông qua câu chuyện chúng ta cũng có thể quan sát được hình ảnh của một gia đình Nhật Bản mẫu mực. Dù có gia cảnh nghèo khó nhưng họ vẫn giữ được sự tôn nghiêm và cư xử có nguyên tắc. Ví dụ trong  bữa ăn, chỉ khi bố ăn rồi, cả nhà mới được động đũa. Thế nên, dù không cần nói gì, mọi người đã hiểu việc bố cho miếng bánh vào miệng nghĩa là ông đã thông qua  và có thể ăn được rồi. Lúc này cả nhà mới yên tâm, vui vẻ thưởng thức bữa tối.

Đặc biệt, điều khiến độc giả xúc động nhất chính là sự nhẫn nhịn, đức hi sinh, sự bao dung và trách nhiệm của người mẹ. Hiển nhiên là ngay khi quyết định mua, bà đã biết chồng sẽ tức giận nhưng vì tình yêu thương dành cho cậu con trai bà đã chấp nhận hậu quả. Ngoài ra, bà cũng không oán trách hay có bất cứ lời bào chữa vô ích nào, bởi bà cho rằng mình cần chịu trách nhiệm vì đã tự ý đưa ra quyết định mà không bàn bạc với chồng. Đó cũng thể hiện sự tôn trọng địa vị của người chồng trong gia đình.

Tình yêu thương của người mẹ vĩ đại vô cùng (Ảnh: pinterest)

Việc người chồng bỗng dưng im lặng khi biết vợ không hề mua phần bánh cho mình đã cho thấy sự hối hận của ông khi lớn tiếng trách mắng vợ. Như vậy, không cần đến bất cứ lời giải thích nào mà bằng chính tình yêu thương dành cho gia đình và sự nhẫn nhịn tuyệt vời, bà đã dập tắt cơn tức giận của chồng và khiến ông vô cùng cảm động. Vậy nên, các cụ xưa mới có câu “Lạt mềm buộc chặt”.

Hải Dương