Trong lịch sử nhân loại, giày dép giữ một vị trí quan trọng. Có nhiều bằng chứng cho thấy đó là một trong những phát minh đầu tiên của loài người. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ bàn chân, giày dép còn mang ý nghĩa là một sản phẩm văn hóa. Hãy cùng điểm lại 10 đôi giày có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.

1. Gold Sandal (khoảng 30 TCN – 300 SCN)

V&A
Giày Gold Sandal của Ai Cập. Ảnh: V&A

Từ thời cổ đại, giày dép luôn là biểu tượng của quyền lực. Đôi giày cói (làm từ cây papyrus) mạ vàng tinh xảo này ở Ai Cập cổ đại một lần nữa khẳng định điều đó. Được đính lên những thanh vàng lá nguyên chất, đôi giày có thiết kế thanh mảnh và tinh tế. Tuy vậy, có vẻ như nó không được phù hợp lắm với kích cỡ trung bình của bàn chân con người.

2. Gold Mojari (1790 – 1820)

Giày Gold Mojari. Ảnh: Bata Shoe Museum
Giày Gold Mojari. Ảnh: Bata Shoe Museum

Đôi hài đàn ông này được sản xuất ở Hyderabad (Ấn Độ). Sự xa hoa của nó khiến đôi giày mạ vàng Ai Cập ở trên kia bỗng trở nên tầm thường. Người ta thêu chỉ vàng trên toàn bộ bề mặt da của đôi hài. Phần miệng được khảm vàng và đá quý (kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo). Đôi hài quý giá này từng thuộc về quốc vương Nizam của Hyderabad, dù ông này chẳng bao giờ xỏ chân vào nó. Sở hữu những đôi giày thế này cũng là một cách khoe khoang sự giàu có và quyền lực.

3. Giày ballet đỏ (1948)

Giày ballet đỏ. Ảnh: V&A
Giày ballet đỏ. Ảnh: V&A

Không chỉ là một giá trị quyền lực, giày cũng có thể là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Trong lịch sử, giày có một vị trí quan trọng trong các câu chuyện cổ tích. Đôi giày pha lê đã thay đổi cuộc đời nàng Lọ Lem Cinderella. Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra dưới thời cổ Ai Cập. Một cô gái nô lệ Hy Lạp cũng từng đổi đời nhờ việc thử giày. Đôi giày đỏ trong ảnh được làm từ lụa satin và da, dành cho nữ diễn viên Moira Shearer khi cô thủ vai chính trong bộ phim “The Red Shoes” (Đôi giày đỏ) của hai đạo diễn Michael Powell và Emeric Pressburger, chuyển thể từ truyện cổ tích cùng tên của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen.

4. Poulaine (1375 – 1400)

Thời Trung Cổ, những tín đồ thời trang châu Âu không thích giày cao gót. Họ bị ám ảnh và phát cuồng với những đôi giày mũi nhọn như mẫu giày làm bằng da thuộc này. Thời đó, giới quý tộc thường đi giày làm từ satin hay nhung nên loại giày da này có lẽ dành cho giới trung lưu. Vào thế kỷ 14, đôi giày này đã tạo nên một cơn sốt trên khắp châu Âu. Nó cũng chính là tiền thân của loại giày mũi nhọn ngày nay của nam giới.

Giày Poulaine. Ảnh: Museum of London

Kiểu giày này có nhiều tên gọi như “Crackow” (tên thành phố Krakow ở Ba Lan) hay “Poulaine” (tên gọi tiếng Pháp chỉ người Ba Lan). Để tạo kiểu dáng, phần mũi giày được nhồi thêm rêu rồi uốn cong lên trên để tiện đi lại. Tuy nhiên, giày “Poulaine” cũng khiến người dân Trung Cổ không cảm thấy thoải mái. Họ thường bị sưng tấy ngón cái vì bàn chân bị bó túm trong mũi giày nhỏ hẹp.

5. Guốc tắm (thế kỷ 19)

Từ thế kỷ 16, người ta đã biết đến dịch vụ tắm hơi, nhà tắm công cộng. Dưới thời Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), người ta thường đeo những đôi guốc tắm (tiếng Ả Rập gọi là “qabâqib”). Người ta tắm hơi thường xuyên mỗi ngày nên đôi guốc tắm này được thiết kế để nâng bàn chân người đi lên cao khỏi mặt sàn nóng, trơn trượt và bẩn.

Guốc tắm. Ảnh: V&A
Guốc tắm. Ảnh: V&A

Tuy nhiên, đôi khi loại guốc này bị lạm dụng quá mức theo thị hiếu thời trang và trở nên cao một cách khó tin. Đôi guốc trong ảnh làm bằng gỗ có từ thế kỷ 19 ở Ai Cập. Nó được khảm vỏ sò, kim loại và cao đến 28,5 cm, là đôi giày cao nhất được trưng bày trong triển lãm “Shoes: Pleasure & Pain” tại bảo tàng Victoria & Albert ở London. Những đôi guốc này khiến chủ nhân của nó trông cao lớn vượt trội hơn hẳn so với những người khác trong nhà tắm.

6. Giày siêu cao Gillie (1993)

Giày siêu cao. Ảnh: V&A
Giày siêu cao. Ảnh: V&A

Là một trong những đôi giày nổi tiếng về độ cao, giày Gillie thiết kế giả da cá sấu màu xanh dương, phần dây được làm bằng lụa của Vivienne Westwood. Đôi giày này cao tới 21cm, lần đầu tiên xuất hiện trong show diễn của Vivienne Westwood ở Paris năm 1993. Siêu mẫu Naomi Campbell đã mang đôi giày này để trình diễn và trượt chân té ngã vì chiều cao của nó. Sự việc này là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử thời trang. Nó nhắc nhở những phụ nữ yêu thích thời trang rằng không nên vượt qua chiều cao tối đa của đôi giày mà họ có thể đi.

7. Brogued Oxfords (1989)

Đôi giày làm bằng tay Oxfords. Ảnh: V&A
Đôi giày làm bằng tay Oxfords. Ảnh: V&A

Với nam giới, những đôi giày giá trị nhất là đồ làm bằng tay “handmade”. Cho dù kiểu dáng có đơn giản như đôi giày Oxford trong ảnh thì giá của nó cũng lên tới 3000 bảng Anh (hơn 100 triệu đồng). Thương hiệu truyền thống nổi tiếng New&Lingwood ở Anh đã làm ra đôi giày này bằng cách sử dụng da của một con bê được cứu ra từ vụ đắm tàu Đan Mạch chìm ở Plymouth Sound gần bờ biển Cornwall năm 1786. Mặt da của đôi giày đã có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng vẫn còn rất tốt nhờ được bọc trong vải dầu. Để làm ra được một đôi giày thế này đòi hỏi tay nghề cực kỳ công phu, phức tạp với hơn 200 công đoạn riêng biệt.

8. Bốt Furry Ankle (1943)

Bốt Furry Ankle. Ảnh: V&A
Bốt Furry Ankle. Ảnh: V&A

Đôi bốt này được làm ra trong Thế chiến II. Trong chiến tranh, vì thiếu nguyên liệu, một người phụ nữ ở London đã lấy một chiếc khăn choàng lông chồn và 2 chiếc áo khoác của mình (1 chiếc bằng da màu đỏ, 1 chiếc bằng lông mèo rừng Nam Phi) tới Kensington đặt làm một đôi giày mới. Đôi bốt bằng lông thú và đế da đỏ cực kỳ nổi tiếng trong suốt giai đoạn chiến tranh này.

9. Đôi guốc Geta (1880 – 1900)

Đôi guốc Geta. Ảnh: V&A
Đôi guốc Geta. Ảnh: V&A

Giày dép là thứ vũ khí tạo nên sự quyến rũ cho phụ nữ. Vào thời phong kiến, ở Nhật, các gái điếm hạng sang được gọi với cái tên “oiran”, mang những đôi guốc truyền thống gọi là “geta”. Đó là một loại guốc quai có đế cao, làm từ nhung và sơn mài, cao hơn 20cm. Người ta cho rằng, khi đi loại guốc này, các cô gái phải bước đi chậm rãi, yểu điệu hơn. Nói khác đi, họ sẽ phải vừa đi vừa lượn vòng, khiến đàn ông chú ý tới nhan sắc của họ hơn.

10. Giày Beltrami Sandals của Imelda Marcos (1987 – 1992)

Imelda Marcos, phu nhân cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos là một tín đồ mua sắm nổi tiếng, đặc biệt rất mê thích giày, guốc. Bà sinh năm 1929 và trong suốt cuộc đời mình Imelda Marcos đã sưu tập hơn 3000 đôi giày, trong đó có đôi sandal cao gót trong ảnh này. Đôi sandal bít mũi có quai hậu này được thêu chỉ đen và đính đá quý nhân tạo. Nó được nhà thiết kế người Ý, Beltrami làm ra. Bà Marcos đã ký tên của mình lên hai đế giày.

Giày
Giày Beltrami Sandals. Ảnh: V&A

Hiện nó được trưng bày ở bảo tàng Bata Shoe (Toronto, Canada). Imelda Marcos là đại diện cho những người phụ nữ thích sưu tập giày dép bất kể có những đôi họ chưa từng đụng tới. Họ mua sắm chỉ cần để thỏa mãn đam mê và làm người khác trầm trồ ngưỡng mộ.

Hữu Bằng biên dịch

Xem thêm: