Đại Kỷ Nguyên

Chiều ba mươi Tết ở quê; Mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng…

Ảnh minh họa (nguồn: Quê hương Online).

Chiều ba mươi Tết, người người, nhà nhà tất bật hoàn thành cho xong những gì còn dang dở để bước sang năm mới thật trọn vẹn. Người mẹ nông dân chất phác, cần cù cũng đang lụi cụi cấy nốt mấy đon mạ trên đồng, trong sương mù giăng lối. Hình bóng ấy có lẽ đã trở nên quá đỗi thân thương với mỗi người con đất Việt – một quốc gia có truyền thống làm nông tự bao đời. 

Ngày nay, cuộc sống nhiều điều đổi khác, với nhiều người, dáng mẹ trên đồng đã nhuốm màu ký ức phôi pha. Hãy cùng ĐKN thưởng thức một bài thơ của tác giả Nguyễn Hưng Hải để sống lại một tuổi thơ lam lũ nhưng tràn đầy tình yêu thương gia đình, tình thương của mẹ, bạn nhé!

Chiều ba mươi Tết ở quê
Mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng
Vội vàng cấy nốt cho xong
Mấy đon mạ mới ở trong sương mù.

Cánh đồng chia khoảnh, chia khu
Vẫn liền chân mạ, vẫn như bao đời
Gió ơi, đừng thổi rỗng trời
Đồng không ai biết mẹ tôi nhọc nhằn.

Ngày cùng tháng tận bao năm
Còn lo manh áo, cái ăn xuân về
Bao người như mẹ ở quê
Chiều ba mươi, vẫn nón mê ra đồng.

Một đời cấy hái chưa xong
Mẹ đi lui đến lưng còng còn lui
Nhẹ nhàng đon mạ ấy thôi
Mà bao gồng gánh, khóc cười đăm đăm.

Tháng Mười vui tới tháng Năm
Nào ai gặt hái xa xăm có nhìn
Đồng quê bóng mẹ hút chìm
Chiều ba mươi vẫn đi tìm mùa xuân.

Cho sang năm hết nợ nần
Mẹ tin rảnh mạ đang cầm trên tay
Là bình minh của một ngày
Là giao thừa của xưa nay giao thừa.

Nguyễn Hưng Hải

Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ

Exit mobile version