Đại Kỷ Nguyên

Chim cắt bay đến ban công đẻ trứng, kỷ niệm cùng những người bạn hoang dã khiến anh nhớ mãi

Trong các thành phố lớn, được nhìn thấy một chú chim nhỏ hay nghe thấy một tiếng hớt lảnh lót sớm mai đã đủ để khiến người ta cảm thấy mình thật may mắn. Ở Chicago, trên tầng 28 của một tòa nhà chọc trời còn có một người may mắn hơn thế gấp nhiều lần.

Dacey Arashiba là một kỹ sư sinh sống tại Chicago, Hoa Kỳ. Anh mới chuyển đến tầng 30 của tòa nhà này một thời gian. Lúc đầu mọi chuyện diễn ra một cách hết sức bình thường. Căn hộ của anh tiện nghi và có một tầm nhìn tuyệt vời. Mỗi sáng, Arashiba thức dậy và có thể chiêm ngưỡng cả thành phố từ một độ cao lý tưởng.

Cho đến một ngày mùa xuân…

Khi nhìn ra ban công, Arashiba phát hiện ra nhà mình đang đón tiếp một vị khách bất ngờ. Một con chim cắt – giống chim hoang dã được biết đến là chú chim nhanh nhất hành tinh đang đậu trên ban công của anh. Quá vui mừng, anh đã chụp ảnh và quay phim chú chim này. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là một chuyến viếng thăm tình cờ.

Chuyến viếng thăm bất ngờ.

Arashiba là một kỹ sư tin học vào ban ngày, nhưng khi trăng lên, anh trở thành một ca sĩ và một diễn viên kịch. Tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm đã giúp Arashiba cảm nhận được chú chim cắt này. Qua một thời gian theo dõi vị khách lạ, anh biết, chú chim không chỉ “mỏi cánh” mà nghỉ chân nơi ban công tòa nhà anh ở. Nó đang đi tìm một nơi để làm tổ. Đúng như Arashiba  dự đoán, một thời gian sau, một chim cắt mái xuất hiện. Chậu hoa ở ban công căn hộ của anh chính thức trở thành tổ ấm của cặp đôi chim quý.

Arashiba vui vẻ bắt đầu một cuộc sống chung có một không hai với cặp đôi hàng xóm đặc biệt. Một mối liên kết đang được dệt nên từng chút một giữa một con người và một cặp đôi của thiên nhiên hoang dã. Anh đặt tên cho chúng là Linda và Steve, theo tên của những thành viên trong ban nhạc rock mà anh hâm mộ.

“Xin chào, tôi là Steve”.

Arashiba  bây giờ đã có một thói quen mới vào buổi sáng. Thay vì một mình đứng ngắm cả thành phố rộng lớn, anh bắt đầu mọi thứ bằng những lời chào rất nhiệt thành dành cho cặp đôi chim cắt: “Xin chào hai bạn!”, “Sáng rồi nhỉ?” hay những lời hỏi thăm mang phong cách rất Anh Quốc “Hôm nay hơi gió một chút đúng không?”. Tuy nhiên, cặp đôi hàng xóm này không mấy bận tâm đến những lời chào hỏi của anh. Chúng đang mải chăm sóc và giao lưu với người bạn đời của mình bằng những tiếng kêu rộn ràng. Arashiba vui vẻ chấp nhận sự lạnh lùng đó.

Tuy nhiên, những người hàng xóm lại không chấp nhận bạn cùng nhà của Arashiba. Họ không chịu được sự “ồn ã” của cặp đôi này, thêm vào đó là những trận mưa phân mà hai chú chim tạo ra. Những lời phàn nàn đã khiến ban quản lý buộc cặp đôi phải chuyển đi. Arashiba không hề muốn, nhưng anh cũng không thể làm gì tốt hơn cho chúng.

Chú chim đang đi tìm nơi làm tổ.

Mọi chuyện tưởng chừng như có một cái kết buồn, Arashiba sẽ không bao giờ được gặp lại Steve và Linda. Nhưng mùa xuân này, chúng đã trở lại. Arashiba vui mừng khó tả. Nhưng anh biết mình phải kiềm chế, và anh cũng cẩn thận dặn dò hai chú chim phải biết “giữu mồm giữ miệng”. Nếu thông tin này lan ra ngoài một lần nữa, cả ba sẽ gặp rắc rối lớn.

Steve và Linda dường như hiểu vấn đề. Chỉ một thời gian sau, vào khoảng giữa tháng 5, Arashiba nhận ra rằng trong chậu hoa xuất hiện một quả trứng nhỏ màu cà phê sẫm. Sau đó lại có một quả nữa. Và một quả nữa. Arashiba  không thể tin được vào mắt mình, sắp có những chú chim cắt con chào đời.

Linda và những chú chim sắp chào đời.

Anh nhanh chóng liên lạc với những người có trách nhiệm trong thành phố để báo về cuộc sinh nở này. Arashiba đã hành động đúng. Các nhân viên của tổ chức bảo vệ chim cắt nhanh chóng liên lạc với anh. Qua họ, anh biết được rằng Steve và Linda đã sinh sống cùng nhau 3 năm (loài chim cắt xây dựng gia đình với một bạn đời duy nhất). Và việc quay trở lại cùng một nơi để làm tổ là điều vô cùng hiếm thấy ở loài này. Những thông tin mới khiến Arashiba vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, anh vẫn lo lắng rằng nếu ban quản lý phát hiện ra, Steve và Linda sẽ có nguy cơ bị trục xuất một lần nữa.

Tuy nhiên, giám đốc của tổ chức bảo vệ chim cắt đã cho anh biết, những chú chim này thuộc danh sách các loài cần bảo vệ của thành phố, và sẽ được bảo vệ bởi luật pháp. Quả thực, một thời gian sau, cặp đôi chim cắt đã chính thức trở thành thành viên chính thức trong tòa nhà.

Steve và Linda đã trở thành cư dân chính thức của tòa nhà.

Không giấu được sự vui mừng, Arashiba lạp một tài khoản Instagram và đăng tải tất cả những tấm ảnh mà anh chụp được từ cuộc sống của cặp chim cắt để chia sẻ với mọi người.

Những bức ảnh Arashiba đăng trên tài khoản Instagram đã thu hút một nhiếp ảnh gia, chuyên chụp ảnh thiên nhiên hoang dã, Luke Massey. Nhiếp ảnh gia này đã lập tức liên lạc với Arashiba để xin có cơ hội chụp hình những chú chim cắt. Với tấm lòng rộng mở, Arashiba đã đồng ý cho Luke Massey và trợ lý (cũng là người yêu của anh) tá túc trong phòng dành cho khách của mình. Bởi họ cần thời gian để chụp ảnh cuộc sống của những chú chim. Massey đã may mắn đến nơi để kịp chứng kiến những chú chim non phá vỏ trứng để ra ngoài.

Một chú chim non chào đời!

Có những lần viếng thăm, Massey đã dành 14 tiếng đồng hồ để ghi lại cuộc sống của gia đình chim cắt. Cũng như Arashiba, Massey may mắn được sự chấp nhận của những vị khách hoang dã. Trong hàng trăm tấm hình anh đã chụp, không có một lần nào cặp đôi chim cắt tỏ thái độ giận dữ, há mỏ hay đập cánh. Chúng hiền hòa đến lạ kỳ. Như thể, Steve và Linda biết rõ, ba con người tò mò kia không hề muốn làm hai chúng và cũng không cần gì ở chúng ngoài những tấm hình.

Massey đã dành 14 tiếng để chụp ảnh cho những chú chim cắt.

Massey luôn cẩn trọng, anh không bao giờ vượt quá ranh giới 6 bước chân – giới hạn an toàn và thoải mái mà họ đã tìm ra, như một sự tôn trọng cuộc sống của cặp đôi chim cắt và bốn “đứa trẻ” xinh đẹp của chúng.

Chim cắt đã trở thành bạn của con người.
“Khi bạn trân trọng thiên nhiên, thiên nhiên sẽ trao lại cho bạn những món quà tuyệt vời”. Một người dùng mạng đã bình luận dưới câu chuyện.

Masey đã chụp được những hình ảnh mà có lẽ các cư dân thành phố sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy gần tới như vậy, ngay trong chính không gian sống của họ.

Steve và Linda săn mồi.
Cho những chú chim non ăn.

Đến tháng 6, lớp lông non của những chú chim rụng xuống. Chúng đã sẵn sàng để học kỹ năng tuyệt vời nhất của giống loài – Bay. Chuyến bay đầu tiên của những chú chim khiến ba con người tò mò chứng kiến với tâm trạng hồi hộp. Họ đang đứng ở tầng 28 của một tòa nhà cao tầng. Cả ba đều có vẻ lo lắng cho những chú chim non.

Thời điểm học bay đã điểm.

Tuy nhiên, không chỉ là loài bay nhanh nhất, chim cắt còn khá thông minh. “Những đứa trẻ” được hướng dẫn bài học đầu tiên khi “thả mình” từ chậu hoa xuống … sàn ban công của căn hộ, thay vì xuống vỉa hè sâu thẳm phía bên kia. Cứ thế, những chú chim non chăm chỉ luyện tập hàng ngày để chạm được vào động từ sống còn “bay”.

Chúng học bay từ chậu hoa xuống sàn ban công.

Cùng thời gian đó, các nhân viên của tổ chức bảo vệ chim cắt cũng ghé thăm. Họ đính những thẻ theo dõi cho những chú chim nhỏ. Điều này giúp cho việc theo dõi và bảo vệ lũ chim được dễ dàng hơn.

Chúng đã được gắn thẻ để theo dõi.

Đến tháng 7, chú chim non cuối cùng của gia đình Steve và Linda đã có thể vững vàng cất cánh trên bầu trời. Đó cũng là thời điểm mà Steve và Linda chính thức rời đi. Chúng cần phải trở về với ngôi nhà thật sự của mình, để những chú chim nhỏ bắt đầu cuộc đời làm chim cắt của mình. Giây phút ấy đối với Arashiba như ngưng lại một chút.

Khi những chú chim đã khuất tầm mắt, cảm xúc đầu tiên của anh gói trong một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Không phải là từ giờ sẽ không còn ai làm bẩn ban công và khiến không gian của ngôi nhà trở nên ồn ào nữa. Mà đó là cảm xúc của một “ông cậu”, được chứng kiến những đứa cháu của mình lớn lên, chăm chỉ mỗi ngày và cuối cùng đã thực sự trưởng thành. Đó là cảm giác tự hào vì “lũ trẻ” đã làm thật tốt.

Bộ ảnh này đã được đăng trên rất nhiều tạp chí động vật nổi tiếng.

Trong ánh chiều tà, không gian của ban công cũng trở nên tĩnh lặng hơn, những tia nắng hồng cuối ngày đậu nhẹ trên những chiếc lông xinh còn vương ở đó…

Nguồn ảnh: audubon.org

Hy Văn 

Exit mobile version