Đại Kỷ Nguyên

Chồng thiệt mạng vì tai nạn thảm khốc, vợ vội vã bế con chạy khỏi hiện trường, khi biết lý do ai cũng cảm phục

Một vụ tại nạn ôtô nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc. Người vợ vội vàng bế con gái tránh đi mà không ở lại xem xét tình trạng người chồng ra sao. Đằng sau câu chuyện của việc làm này khiến nhiều người phải suy ngẫm… 

Trên đường cao tốc, một chiếc xe Mercedes đã đâm vào đuôi chiếc xe tải lớn, cú va chạm khiến đầu xe Mercedes bẹp dúm khiến người lái xe tử vong ngay tại chỗ trên ghế lái. Hiện trường vụ tai nạn rất khủng khiếp, ai dũng cảm mấy cũng phải bủn rủn chân tay. Vợ và con của người lái xe ngồi ở hàng ghế phía sau rất may không hề hấn gì. Người mẹ kêu thất thanh một tiếng sợ hãi và ngay lập tức bịt mắt con gái lại, bế con gái mở cửa xe và thoát ra ngoài tránh xa hiện trường vụ tai nạn. Người mẹ vừa bế con đi vừa gọi điện thoại cho cảnh sát giao thông.

Tất cả mọi người trong gia đình chồng đều chỉ trích thậm tệ người vợ vì thái độ quá lạnh lùng. Chồng bị tai nạn mà cô vẫn bỏ mặc rồi còn bế theo con gái tránh xa? Huống hồ người chồng tối hôm trước đã đi tiếp khách và uống rượu, hôm nay chở hai mẹ con đi chơi vùng ngoại ô. Trong lễ tang của người chồng, người vợ bị cự tuyệt không cho vào tham dự. Đứa con thì chỉ biết rằng bố đã đi một nơi xa, người vợ mặc áo choàng trắng quỳ bên ngoài cửa, bảo rằng bất luận thế nào cũng phải nói với mẹ chồng một câu.

Người phụ nữ nước mắt giàn dụa quỳ gối dưới chân mẹ chồng nói: “Mẹ à, con yêu chồng con và cũng yêu con gái của con”.

“Chồng con khi còn sống thường hay nói với con, anh thích uống rượu đến say là vì khi anh ấy còn nhỏ đã từng tận mắt chứng kiến cảnh chính bố mình bị sát hại, mấy chục năm qua. Cảnh tượng bố bị sát hại kia như một con ác ma, mỗi khi trong lòng không vui đều thấy con ác ma đó xuất hiện thôn tính linh hồn anh ấy. Anh ấy sống quá thống khổ, cho nên thường rất hay nói với con rằng: “Bất luận là như thế nào, đều muốn con gái sống một tuổi thơ tươi vui”.

“Con bế cháu tránh đi là không muốn để cho con bé chứng kiến cảnh cha mình chết bi thảm như vậy. Con không muốn con bé sống cả đời trong bóng ma. Bóng ma này mình con chịu đựng là được rồi, cháu vẫn còn quá nhỏ. Chúng ta nên cho con bé có quyền được sống vui vẻ”.

Bà nội nhìn cháu gái ngây thơ, yên lặng không nói gì. Năm đó bà không tận mắt chứng kiến một giây phút nào cảnh chồng bị sát hại mà chỉ biết chồng mình bị bọn cướp giết chết. Rồi sau đó bà nhìn thấy bộ mặt đầy sợ hãi của con trai mình, thậm chí con trai bà còn có lần bị trầm cảm đến mức để thân thể trần truồng điên cuồng chạy trốn ngoài đường. Sau đó bệnh của con trai bà được chữa khỏi, bà cứ tưởng rằng như vậy là mọi chuyện đã trôi qua êm ả rồi.

Càng nhớ về chuyện xưa cũ, bà càng thấy thương con dâu và cháu nội của mình hơn. Với những tâm hồn thơ dại, quả thực chứng kiến một cơn ác mộng như thế là điều không hề dễ dàng. Vậy sự thật thì những chấn thương tâm lý thời thơ ấu đáng sợ ra sao?

“Bóng ma” thời thơ ấu đáng sợ như thế nào?

Một bệnh nhân trầm cảm nói: “Tổn thương lúc nhỏ là nội thương, dùng hết cả đời cũng không thể chữa lành được. Trong trí nhớ trẻ con, có những việc rất dễ dàng quên đi, nhưng có những việc giống như là đã khắc sâu vào trong lòng, như là vết thương vĩnh không thể liền miệng, đặc biệt là khi một mình trong đêm vắng, bóng ma đó lại xuất hiện giống như một con quỷ không ngừng chiếm đoạt linh hồn vậy”. 

 

Nhà tâm lý học nói: ”Những tiêu cực thời thơ ấu có thể sẽ đem đến hậu quả nghiêm trọng lúc trưởng thành”, chẳng hạn như những người có nhân cách rối loạn thường là có liên quan đến việc bị chấn thương tâm lý lúc còn nhỏ.

Những việc dễ dàng nhất khiến trẻ lưu lại “bóng ma” trong ký ức tuổi thơ là ở 6 việc sau, xin các cha mẹ hãy để tâm lưu ý:

1. Tận mắt chứng kiến thảm kịch: ví dụ như làm thịt các con vật, sự cố giao thông

2. Sặc nước ở bồn tắm hoặc là ở bể bơi, bị mắc dị vật ở cổ họng, bất lực không thể thở được.

3. Bị sỉ nhục hoặc cười nhạo vì một khiếm khuyết nào đó trên thân thể

4. Bị bắt cóc, bị đánh đập ngược đãi hoặc là bị đối xử tàn nhẫn

5. Khi mắc sai lầm hoặc lúc ăn cắp, ăn trộm bị bắt tại chỗ

6. Cha mẹ ly dị hoặc cha mẹ có tình cảm lạnh lùng thờ ơ, không ở cùng nhau

Chúng ta không có siêu anh hùng trong đời sống hàng ngày. Nhưng thực tế, giúp trẻ tránh được những nguyên nhân gây ra những bất ổn về tâm lý, cảm xúc là một việc mà các bố mẹ luôn mong muốn thực hiện. Khỏe mạnh về tinh thần mới là cái khỏe mạnh quan trọng nhất. Cha mẹ hãy chú ý kiểm soát an toàn đối với trẻ dưới 8 tuổi. Tránh cho con tiếp xúc với những hình ảnh, câu chuyện bạo lực, kinh dị… 

Có rất nhiều lời khuyên của chuyên gia cho những trường hợp cụ thể. Nhìn chung, cha mẹ hãy cố gắng đồng cảm, chia sẻ, giúp con dần vượt qua nỗi sợ hãi nếu có. Hãy để ý đến thể hiện cảm xúc hay thói quen của trẻ để sớm phát hiện khi trẻ gặp vấn đề. Hãy trò chuyện với con, chơi cùng con, tỏ ra cho con thấy cha mẹ có thể che chở, bảo vệ con, cha mẹ luôn yêu thương, bảo vệ con ngay cả khi cha mẹ không có bên cạnh con, hướng con đến những cảm xúc, suy nghĩ lạc quan. 

Xây dựng cho con những giá trị cao đẹp trong cuộc sống con người. Những đạo lý nhân sinh, niềm tin vào cái tốt, vào lẽ phải, sự chính nghĩa, về sự thiện lương chính là nguồn lực tinh thần rất hữu ích. Đức tin thực ra luôn là một điều rất quan trọng đối với nhân sinh quan của một con người. Một đứa trẻ biết tin vào sức mạnh của điều tốt, tin vào một điều gì dù vô hình nhưng thiêng liêng, chắc chắn em sẽ có bình yên và mạnh mẽ hơn rất nhiều. 

Theo NTDTV

Mai Trà – Vinh Hoa

Xem thêm: 

Exit mobile version