Tại Việt Nam, Trung Quốc và rất ít các nước khác trên thế giới, việc ăn thịt chó không bị cấm và trở nên khá phổ biến. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng hơn 10 triệu con chó bị giết mổ, thậm chí có hẳn lễ hội ăn thịt loài động vật này bất chấp phản đối của dư luận.
Ngày 2/4 vừa qua, các thành viên Trung tâm Bảo vệ Động vật Sanhe đã phát hiện một chú chó có bộ lông màu vàng cùng đồng loại tại một chợ thịt chó địa phương ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Khi được tìm thấy, những chú chó đang bị giam giữ trong lồng sắt và bày bán công khai. Nhóm giải cứu đàn chó đã phải trả tổng cộng khoảng 14.450 nhân dân tệ (tương đương hơn 50 triệu VND) cho khoảng 20 chú chó.
Sau khi giải cứu thành công những chú chó, đội ngũ nhân viên nhanh chóng chuyển chúng tới Bệnh viện Thú y để thăm khám. Các nhân viên cho biết, họ đang cố gắng tìm người chủ mới cho những chú chó. Hiện tại, khoảng 17 con trong số chúng đã về nhà mới. Những con vật còn lại đều đang được chăm sóc chu đáo tại bệnh viện và có sức khỏe ổn định.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao người ta vẫn ăn thịt chó bất chấp những cảnh báo không chỉ về sức khỏe mà còn liên quan đến vấn đề văn minh và đạo đức?
Ăn thịt chó không chỉ là đi ngược lại văn minh nhân loại mà còn tiếp tay tội ác
Từ nhiều thập kỷ nay, các nước phương Tây và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lên án việc ăn thịt chó mèo, cho rằng đó là sai. Thậm chí có nhiều du khách còn tẩy chay những quốc gia ăn thịt chó mèo. Đặc biệt, những năm gần đây, dư luận, nhất là những người trẻ ở các nước “có truyền thống” ăn thịt chó như Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng lên án gay gắt hành động này.
Theo như lý lẽ thông thường của những người ăn thịt chó là: thịt gì cũng là thịt, tại sao thịt heo, gà, bò được ăn mà thịt chó lại không được? Người Hồi giáo không ăn thịt heo, Ấn giáo không ăn thịt bò… đều là do quan niệm khác nhau. Vậy sao lại lấy quan niệm của “văn minh phương Tây” để áp đặt?
Lại kể đến những câu chuyện cả làng căm phẫn xông ra đánh đến chết tên trộm chó, thậm chí còn đổ xăng đốt cháy cả tử thi. Người ta lúc này bắt đầu phân tích, tranh cãi giữa mạng chó với mạng người, mạng nào quý hơn? Tất nhiên, chẳng có sinh mạng nào quý bằng nhân mạng cả, cần gì thời gian chứng minh cái lẽ hiển nhiên ấy. Nhưng suy cho cùng thì những kẻ dùng dao, mã tấu, chĩa sắt có phóng điện, súng tự chế bắn thẳng vào đồng loại của mình để cướp bằng được một con chó cũng quá độc ác, quá ấu trĩ.
Ai đã chứng kiến những đứa trẻ của mình bỏ ăn, ngơ ngác, ngồi đâu khóc đó, ngủ mơ cũng chảy nước mắt… khi con chó hằng ngày chơi đùa cùng chúng bị bắt mất sẽ hiểu cho cái kiểu “giận mất khôn” của những người chủ chó. Nhưng mà, dù sao thì những căm phẫn, uất hận của họ đã vượt ngưỡng, là sai trái, là vi phạm pháp luật, và chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Thiết nghĩ, chẳng ai chỉ vì mất mươi mười lăm ký thịt – dù là thịt chó đi nữa – mà lại hành xử liều lĩnh đến như vậy. Nguyên nhân sâu xa của hành vi cực đoan đó đều xuất phát từ tình cảm với con chó trung thành, phần nữa là nỗi lo sợ bất an khi trộm cướp lộng hành.
Nói thẳng ra, ăn thịt chó chẳng những là đi ngược lại với văn minh nhân loại mà còn gián tiếp tiếp tay cho hành vi trộm cướp, gián tiếp cung cấp thị trường cho tội ác. Nếu không có người ăn thịt chó thì trộm chó – cướp chó bán cho ai? Nếu không có những người xem ăn thịt chó là một thứ “văn hóa ẩm thực đặc sắc” thì những kẻ trộm chó – cướp chó cũng bị thu hẹp một khoảnh đất hành nghề….
Ai nuôi chó mà chẳng thương, chẳng quý, nào có nỡ bán người bạn trung thành của mình cho những lò mổ? Vậy nên, đĩa thịt chó thơm ngon, béo ngậy mà bạn thưởng thức trên bàn nhậu rất có thể phải trả giá bằng một mạng người…
Hiểu Minh