Đại Kỷ Nguyên

Sự thật về đại gia sở hữu hơn 20.000 căn nhà ở Sài Gòn

Là một trong những doanh nhân bí ẩn nhất Việt Nam, cuộc đời của chú Hỏa dệt nên vô vàn giai thoại vì sự ly kì, khó tin. Đến với Sài Gòn với đôi gánh hàng phế liệu của một số phận lưu vong cơ cực, bằng cách nào ông trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam, với 20.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Gòn, trong đó có những dinh thự nguy nga còn lưu dấu đến ngày nay như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, khách sạn Majestic, khu nhà khách Chính phủ…

Chân dung chú Hỏa, “vua nhà đất” tại Sài Gòn xưa kia.

Một gánh ve chai khởi nghiệp làm giàu

Hui Bon Hoa (1845-1901) là thương nhân người Việt gốc Hoa,  tổ tiên của chú Hỏa di cư sang Việt Nam sau khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh và được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Thời ấy, những người Hoa này đều rất nghèo, chịu số phận “tha hương cầu thực”, chú Hỏa cũng không là ngoại lệ. Bắt đầu cuộc đời tha hương ở đất Sài Gòn và lựa chọn nghề thấp kém nhất lúc bấy giờ để sinh tồn – mua bán ve chai đồng nát, không ai ngờ chỉ vài năm sau, với đầu óc kinh doanh bẩm sinh của người Trung Hoa, ông trở thành doanh nhân lẫy lừng trong thiên hạ.

Khách sạn Majestic xưa,
…và ngày nay vốn là tài sản của chú hỏa

Thời ấy chính quyền Pháp có tổ chức đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Phần lớn các chủ thầu tại Sài Gòn đều thờ ơ, thậm chí cười nhạo trước thông tin này và bỏ qua. Chỉ riêng chú Hỏa, với con mắt kinh doanh thiên tài là nhìn thấy món hời lớn từ đống hàng phế liệu không ai màng đó.

Ngay lập tức, chú Hỏa cầm cố tất cả tài sản đề kiếm tiền mua trọn bộ 20.000 cái máy truyền tin phế thải và thu được một lượng vàng khá lớn sau khi phân kim.  Với số vàng thu được từ phế liệu, chú Hỏa bắt đầu xây dựng nên sự nghiệp của riêng mình.

Sản nghiệp đồ sộ và con đường trở thành vua nhà đất

Người ta kể lại, sau khi có được số vàng đó, chú Hỏa hùn vốn với một người Pháp mở tiệm cầm đồ bình dân. Sau khi không còn làm ăn với người này nữa, chú Hỏa rút vốn và lập công ty riêng, chuyển sang kinh doanh nhà đất, bất động sản.

Dãy nhà phố một trệt một lầu đối diện Công viên Quách Thị Trang (trái ảnh) thời thuộc Pháp, phía sau ga xe buýt hiện nay do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng (hiện đã bị giải tỏa, phá dỡ)

Bấy giờ, khu chợ Bến Thành chỉ là một vũng lầy với con kênh, đất trống Sài Gòn, Gia Định có giá rất rẻ. Khi biết người Pháp có kế hoạch lấp vũng lầy và lấp con kinh để xây một cái chợ mới, nằm sát ngôi chợ đã có gọi là Chợ Cũ ngày nay, chú Hỏa dùng tiền ra mua toàn bộ vùng đất vừa mới lấp – một vụ giao dịch cực kì táo bạo, bởi khi ấy, không có kiểu giao dịch bất động sản nào theo kiểu này.

Hình ảnh chợ Bến Thành thế kỷ trước.

Sau khi Chợ Bến Thành xây xong thì trong tay chú Hỏa có hơn 20.000 (có tài liệu cho là 30.000) căn nhà phố cho thuê. Trong số đó có những công trình rất lớn và đồ sộ.

Chú Hỏa dành nhiều tiền chia sẻ cho cộng đồng qua việc hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội lớn còn đến tận ngày nay như  Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)… Tuy chỉ xếp thứ tư trong số bốn người giàu nhất thời ấy nhưng ông là người có nhiều đóng góp quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Sài Gòn thời gian đó.

Học giả Vương Hồng Sển từng không tiếc lời ca ngợi:  “Tuy làm giàu cho họ đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam”.

Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Từ Dũ) xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng.

Sau này để thuận tiện cho việc kinh doanh, chú Hỏa đã đổi tên của mình thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa và nhập quốc tịch Pháp. Lúc sinh thời nhà cầm quyền Pháp luôn muốn cầu thân với chú Hỏa. Chú Hỏa còn nổi tiếng khắp Đông Dương là một người thức thời, cho các con đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… và đều học hành thành đạt.

Đời con cháu tiếp nối cha ông

Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Sau khi chú mất, con cháu trong dòng họ Hui Bon Hoa vẫn tiếp nối sự nghiệp của cha ông, họ đã sáp nhập Công ty Hui Bon Hoa của cha mình để lại với Louis Ogliatro (một người Pháp ở đảo Corse) mang tên Công ty liên doanh Ogliastro-Hui Bon Hoa quản lý các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn.

Một góc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là nơi gia đình chú Hỏa từng sinh sống.

Không chỉ tiếp nối truyền thống kinh doanh, các thế hệ sau đó còn kế thừa cả tấm lòng nhân hậu từ cha ông của mình. Họ tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và góp phần xây dựng các công trình giúp ích cho cộng đồng, điều mà cha họ vẫn làm trước đây.

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng mô tả: “Hui Bon Hoa có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào”.

Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Lê Công Kiều – Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn – Ảnh: HỒ TƯỜNG

Lúc sinh thời, chú Hỏa và con cháu sống trong tòa nhà nằm tại số 97 đường Phó Đức Chính, quận 1. Sau khi con cháu nhà chú Hỏa không còn ở Việt Nam, căn nhà được chọn làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trải qua gần 100 năm nhưng tòa nhà vẫn sừng sững đứng đó, cổ kính và tĩnh lặng, mang trong mình những giai thoại về gia đình chú Hỏa còn được truyền tụng đến ngày nay.

Ảnh: thông qua tuoitre.vn, tinmoi.vn
Thủy Tiên

Xem thêm:

Exit mobile version