Món lẩu rất quen thuộc đối với mọi gia đình Việt, hầu hết mọi người đều kết hợp rau, củ theo sở thích. Tuy nhiên, đôi khi những sự kết hợp đó tiềm ẩn nguy cơ với sức khoẻ. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp bạn tự tin hơn khi chế biến và ăn lẩu.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ với báoTiền Phong rằng, rau là thực phẩm không thể thiếu trong nồi lẩu, nhưng không phải loại rau nào cũng an toàn khi chần, ăn sống. Cụ thể:
Tránh ăn cà chua, chanh và những loại rau quả giàu vitamin C khi ăn lẩu tôm, cua, sò, nghêu, ốc: Lý do là khi bạn kết hợp hải sản, nhất là tôm, với những trái cây, rau ăn lẩu giàu vitamin C, thì asen pentavenlent có trong hải sản sẽ chuyển hóa trở thành asen trioxide mà dân gian thường gọi là thạch tín, có thể gây ngộ độc thạch tín cấp tính, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Lẩu gà, vịt tuyệt đối không được ăn kèm rau kinh giới: Theo Đông y, thịt gà thuộc phong mộc về tạng can. Còn kinh giới vị cay tính ấm phá kết khí (ngăn không cho phong khí tụ) hạ ứ huyết. Do vậy, khi kết hợp rau lẩu này cùng nhau có thể gây ra chứng chóng mặt, ù tai hoặc run rẩy cả người và ngứa ngáy. Món lẩu gà nên ăn kèm bắp chuối thái rối, rau muống, rau đắng, bông súng, nấm tươi, rau ngải cứu là ngon nhất.
Lẩu bò không ăn kèm mùng tơi: Vì rất dễ bị đau bụng, nhẹ thì bị đầy bụng, khó tiêu, nặng sẽ gây táo bón, rất khó chịu.
Lẩu thịt dê tuyệt đối không ăn kèm giấm: Vì sẽ phá hủy hoặc làm giảm bớt những thành phần dinh dưỡng quý nhất ở thịt dê.
Cà chua, khoai lang, khoai tây cũng tránh dùng chung với lẩu hải sản: Vì khi kết hợp các loại thực phẩm này với nhau sẽ dẫn đến khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, với từng món lẩu, bạn nên chọn các loại rau phù hợp để cho món lẩu thêm hấp dẫn.
Ví dụ: Lẩu riêu cua có thể ăn kèm với các loại rau nhưng nhất thiết không thể thiếu các loại rau sống, đặc biệt là ít hoa chuối thái mỏng, ngâm nước muối trắng phau. Lẩu gà không thể thiếu ngải cứu, cải xanh, rau đắng, rau muống…
Bên cạnh đó, khi chế biến bạn nên lưu ý kết hợp thực phẩm với nhau:
– Để đảm bảo sức khỏe, nên ăn rau trước và sau cùng là thịt.
– Trong quá trình ăn lẩu cũng nên uống nước để giúp tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn.
Bây giờ, bạn đã tự tin hơn khi chế biến món lẩu rồi phải không nào? Hãy cùng Bếp Đại Kỷ Nguyên làm món lẩu gà lá giang nổi tiếng miền Tây do độc giả Chun Chun Mai chia sẻ nhé!
Lá giang là một loại lá đặc trưng của miền Nam, với vị chua dịu nhẹ, có tác dụng thanh mát, giải nhiệt nên các món ăn chế biến từ lá giang không những ngon mà còn tốt cho sức khoẻ.
Nguyên liệu (cho 6 người ăn)
- Thịt gà: 1-1,2kg.
- 1 bó lá giang
- Gừng, tỏi, hành củ, ớt
- Bún
- Các loại rau nhúng lẩu ăn kèm như bắp chuối, rau muống, rau đắng… hay những loại rau gì bạn thích (nhưng nhớ là bạn không ăn kèm với rau kinh giới nha).
- Muối, bột nêm, nước mắm, đường, dầu ăn, tiêu.
Cách làm
Bước 1: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập giập. Hành khô, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, đập dập, bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, bỏ cuống, thái lát.
Bước 2: Gà làm sạch, dùng gừng và muối chà xung quanh phần da gà, rửa lại thật sạch, để ráo. Chặt gà thành những miếng nhỏ vừa ăn. Ướp thịt gà đã chặt ở trên với 2 thìa cà phê bôt nêm, tiêu và xíu đường để khoảng 20 phút cho thịt gà ngấm gia vị.
Bước 3: Lá giang nhặt lấy lá, bỏ cành và những lá già, giập úa. Sau đó rửa sạch, cho ra rổ để ráo nước.
Các loại rau ăn kèm lẩu nhặt sạch, loại bỏ đoạn già, rửa sạch, ngâm sơ nước muối loãng khoảng 15-20 phút sau đó vớt ra rổ cho ráo rồi xếp vào rổ hay đĩa.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp thêm 1 thìa dầu ăn, cho 1/2 chỗ tỏi bằm ở trên vào phi thơm. Khi tỏi thơm, vàng, cho ra bát để riêng. Tiếp tục cho cho thêm 1 thìa dầu ăn, dầu nóng cho hành khô, tỏi bằm còn lại vào phi thơm. Sau đó cho gà đã ướp gia vị vào xào săn lại.
Bước 5: Bắc nồi lên bếp, thêm 1 tô nước đun sôi. Khi nước sôi trút phần gà đã xào ở trên vào nấu chín. Nêm nếm vừa ăn.
Bước 6: Khi gà chín mềm, vớt bọt, cho lá giang vào đảo đều, khi sôi trở lại, tắt bếp, cho ra nồi lẩu, thêm 1 thìa nước mắm và phần dầu tỏi đã phi thơm ở trên, nêm nếm lại là được.
Chú ý nên vò nát lá giang trước khi cho vào nồi và sử dụng khoảng 1/2 chỗ lá giang, phần còn lại có thể cho cùng các loại rau khi nhúng lẩu để tránh món lẩu bị quá chua.
Lẩu gà nấu lá giang có vị chua thanh đặc trưng của lá giang, quyện với vị béo thơm của thịt gà. Đây là món ăn tuyệt vời thích hợp cho các bữa tiệc bên gia đình.
Cách nấu lẩu gà lá giang không hề khó, chị em hãy thử nhé. Bếp Đại Kỷ Nguyên chúc bạn thành công!
Video xem thêm: Món quà đặc biệt mẹ chồng tặng sau 10 năm bất ngờ cứu sống hạnh phúc đôi vợ chồng