Đại Kỷ Nguyên

Chúng ta cần làm gì khi thất nghiệp?

Trong khoảng thời gian đợi việc, mỗi người mỗi cảm giác nhưng khá nhiều trường hợp rơi vào trạng thái chán nản và lo lắng, thậm chí tâm lý nặng nề đến mức không nghĩ ra được là nên làm gì. Điều này gây bất lợi cho bước tiếp theo trên con đường sự nghiệp của bạn.

Hãy tham khảo 7 lời khuyên thực tế dưới đây, chúng có thể rất hữu ích đối với bạn.

1. Sự nghiệp là con đường dài, dừng bước nghỉ chân chốc lát là bình thường

Bước đầu tiên bạn cần làm là chấp nhận thực tế. Với đa số mọi người, con đường sự nghiệp không bao giờ luôn bằng phẳng, điều quan trọng là bạn xác định đúng định hướng cho mình. Có lẽ bạn nên nghĩ về câu nói này của Ryan Kaln – một nhà chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo định hướng nghề nghiệp, ông nói: “Bạn có lẽ sẽ nhận ra rằng từng ngày bước đi trên con đường nghề nghiệp lại thú vị hơn nhiều so với cái mục tiêu nghề nghiệp bạn đặt ra”.

Trên con đường nghề nghiệp dài đằng đẵng đó, việc bạn dừng bước trong một khoảng thời gian nào đó cũng là rất bình thường. Hãy sống thật ý nghĩa và có trách nhiệm với mỗi ngày của bạn, cho dù đó là ngày bạn đi làm hay là những ngày bạn đang nghỉ nhà vì chưa nhận được công việc nào phù hợp.

2. Hãy trung thực tự đánh giá lại bản thân bạn

Việc bạn tự nhìn nhận lại bản thân là rất quan trọng. Hãy suy nghĩ xem điểm mạnh của bạn là gì, bạn làm tốt nhất ở lĩnh vực nào, tính cách bạn phù hợp với công việc nào?Từ đó, hãy định hướng công việc dựa trên thế mạnh của bạn. Nếu bạn là người ưa hoạt động, thích giao tiếp với mọi người, bạn có thể chọn các công việc liên quan trực tiếp đến khách hàng ví dụ như bán hàng, tiếp thị, hoặc làm trong các dự án nghiên cứu thị trường. Nếu bạn thuộc tuýp người kín đáo, ít nói, có lẽ sẽ phù hợp hơn khi chọn các công việc mang tính hỗ trợ như các công việc văn phòng. Ở tổ chức nào hầu như cũng đều tách biệt thành hai mảng chính đó là mảng kinh doanh trực tiếp và mảng văn phòng hỗ trợ.

3. Kiểu môi trường làm việc nào phù hợp với bạn?

Hãy nghĩ về môi trường làm việc nào mà bạn cảm thấy thích nhất. Bạn tự nhận xét xem bạn thích môi trường làm việc nhóm hay môi trường làm việc độc lập. Nếu bạn thích làm việc trong một không gian rộng, có nhiều người, thì có lẽ bạn nên làm cho một công ty lớn. Còn nếu bạn chỉ cảm thấy phù hợp khi làm việc trong một nhóm nhỏ thì có lẽ bạn nên gia nhập các công ty mới thành lập hoặc bạn có thể lựa chọn một bộ phận nào đó làm việc khá độc lập trong một công ty lớn. Hoặc nếu bạn tự cảm nhận rằng bạn khó hợp tác với mọi người thì có lẽ công việc bạn nên chọn là làm giảng viên. Như vậy bạn sẽ chủ động trong các bài giảng của mình, việc giảng dạy tốt này chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân bạn, sự thành công về mặt nghề nghiệp cũng chủ yếu dựa vào sự cố gắng và sáng tạo của riêng bạn.

4. Hãy lên danh sách công việc

Bạn cần lên danh sách các công việc mà bạn thích và không thích. Tiếp nữa là bạn nên viết ra khía cạnh nào của công việc khiến bạn quan tâm nhất, có thể đó là lương, vị trí, công việc thực tế đảm nhận? Hoặc có ngành nghề hay lĩnh vực nào đó mà bạn thực sự muốn dành nhiều thời gian cho nó? Điều này sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm kiếm các công việc phù hợp với mong muốn của bạn.

5. Lên kế hoạch về vấn đề học thuật hay kỹ năng bạn cần có

Bạn có thể nghĩ xem bạn nên học thêm kỹ năng nào đó hay học thêm khóa học nào đó để bổ sung cho bằng cấp hiện tại của bạn, điều này thực sự giúp ích cho công việc mà bạn dự kiến làm ngay bây giờ hoặc trong tương lai. Bạn nên tìm kiếm thông tin trên mạng, có rất nhiều khóa học hay các hướng dẫn và tài liệu miễn phí. Một điều hoàn toàn có thể xảy ra đó là chỉ nhờ vào việc đọc một vài cuốn sách nào đó miễn phí trên mạng, bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận của bạn về công việc, về cuộc sống, bạn sẽ biết bạn thực sự cần gì và làm thế nào có thể đứng vững trước sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường lao động, nhờ vào thái độ tích cực của bạn và những kiến thức cũng như kỹ năng bạn sẽ học thêm trong thời gian chờ việc này.

6. Tự đánh giá lại kinh nghiệm làm việc của bạn

Hãy trung thực khi đánh giá kinh nghiệm làm việc thực tế của bạn, bạn có thể làm được chuyên sâu đến mức độ nào. Điều này giúp ích cho bạn khi viết hồ sơ ứng tuyển vào công việc nào đó, đừng phóng đại kinh nghiệm của bạn, bởi vì khi phỏng vấn, người phỏng vấn sẽ nhân ra được sự trung thực của bạn. Có thể vị trí mà bạn ứng tuyển chưa thực sự phù hợp với kinh nghiệm của bạn nhưng nếu bạn trung thực và được đánh giá là người đáng tin cậy, công ty đó hoàn toàn có thể nhận bạn và cho bạn thời gian thử thách để đảm nhiệm công việc mới.

7. Hãy mở rộng mạng lưới bạn bè, người quen của bạn

Bạn có thể hỏi những người bạn, thầy cô giáo hay các thành viên trong gia đình hoặc họ hàng về lĩnh vực mà bạn đang quan tâm, họ hoàn toàn có thể giúp bạn có thêm thông tin để phân tích và cập nhật. Hơn thế nữa, họ sẽ giới thiệu bạn với những người khác nữa mà có thể giúp được bạn. Vậy là bạn sẽ có những kết nối mới và với sự cầu thị của bạn khi tìm hiểu thông tin, những người bạn gặp sẽ sẵn lòng giúp bạn. Và biết đâu đó, một công việc mà bạn ao ước sẽ đến một cách tự nhiên.

Nhật Hạ tổng hợp

Exit mobile version