Đại Kỷ Nguyên

Chuyện anh Gih gần 20 năm đào giếng tìm nước cho dân làng dù bị mù bẩm sinh

Với đôi mắt gần như mù hẳn, gần 20 năm nay, Gih đã đào được gần 40 cái giếng cho làng Tuơh Klah. Không những vậy, anh còn dựng được nhà và trồng cho mình vườn cà phê.

Câu chuyện “người của trời”

Dân làng Tuơh Klah (xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai) thường kháo nhau, Gih là “người của trời” bởi dù bị khiếm thị nhưng không việc gì anh không làm được. Mò cua bắt ốc, bổ củi đến trèo cây hái quả, anh chẳng nề hà công việc gì.

Gih sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em. Bị mù bẩm sinh, cuộc sống của Gih càng trở nên cơ cực khi bố bỏ đi lấy vợ khác, mẹ về làng cũ, anh chị em lập gia đình mỗi người mỗi nơi.

(Ảnh: Dân Việt)

Gih cứ thế dò dẫm trong bóng tối của cuộc đời để kiếm sống lay lắt qua ngày. Sống một mình từ năm 16 tuổi, không người nương tựa cũng không ai chăm sóc, anh phải tự làm lụng để kiếm miếng ăn. Thương cảm cho số phận nghiệt ngã, người trong làng thường chung nhau từng củ khoai, trái bắp giúp đỡ anh lớn lên từng ngày.

Đào giếng trả ơn

Năm 18 tuổi, Gih được người bạn rủ đi phụ đào giếng để kiếm tiền, anh vội vàng đồng ý. Gih bảo: “Người ta bảo chỉ cần đứng quay gầu đất lên là có tiền, nên tôi đi thôi. Mình nợ anh em, nợ người làng nhiều quá nên mình muốn kiếm tiền trả nợ mà”.

Không có được đôi mắt sáng nhưng bù lại, Gih óc tưởng tượng, khả năng cảm nhận thế giới xung quanh, anh thạo nghề nhanh đến mức khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Quý mến chàng thanh niên mù nhưng vẫn cố gắng vươn lên, nhiều thợ kỳ cựu trong nghề đã chỉ cách cho anh Gih chiêu thức đào giếng.

Nhớ lại lần đầu tiên tự đào, Gih kể, anh tự lấy chân mình làm tâm điểm rồi dùng hai tay quay một vòng tròn thật khéo tạo hình cho chiếc giếng. Cầm lấy cây xẻng và lần theo nét vẽ đã vạch sẵn rồi xới từng tấc đất lên. Nhờ được chỉ dạy và chăm chỉ rèn luyện, tay nghề của Gih ngày càng cao.

Một năm hạn hán, khắp nơi mất nước, Gih trăn trở tìm nguồn nước. Anh lang thang trong vườn nhà, mò mẫn từng hòn đất, viên đá để xác định được nguồn nước ngầm. Thế rồi tự anh vừa đào đất, vừa tự đu dây lên quay từng gầu đất mang đổ đi. Chỉ đến khi những dòng nước trong giếng bắt đầu rỉ ra, anh mới phải nhờ hàng xóm kéo đất lên vì không thể tự làm một mình.

Nhìn chiếc giếng được đào sâu khoảng 30 m tràn trề nước, người làng chẳng ai tin vào mắt mình khi một người mù có thể đào giếng nhiều nước như thế. Gih tiếp tục đi khắp làng đào giếng miễn phí, giúp các gia đình tìm nguồn nước trong cơn hạn hán. Với Gih, mỗi chiếc giếng ra đời anh lại trả được phần nào ân huệ dân làng đã nuôi lớn.

(Ảnh: Dantri)

Gih là phu giếng đặc biệt khi dùng cảm nhận của các giác quan để tìm mạch nước. Anh bảo: “Giếng nào dễ mình đào khoảng 5-7 ngày, chỗ nào xấu thì phải 10 ngày mới xong. Chỉ cần đào xuống hơn 1 mét là mình sẽ biết dưới có nước hay không mà tiếp tục đào hoặc tìm địa điểm khác”.

Khi được hỏi tuổi, Gih nói không nhớ chính xác, chỉ nhớ mang máng 30-40. Nhưng hỏi Gih đã đào được bao nhiêu cái giếng thì anh nhớ như in: “Mình đào trong làng được 38 cái rồi đấy, các nơi khác khoảng 80 cái”.

Ước mơ về một gia đình đủ đầy

Những thợ đào giếng thường lấy từ 6-7 triệu đồng cho mỗi cái giếng hoàn thành nhưng Gih chẳng lấy tiền mà chỉ nói: “Bao giờ nấu cơm, nấu cho Gih với là được”. Vì quá thương anh mà nhiều người vẫn nhét vào túi Gih vài trăm phòng khi bệnh tật.

Giếng Gih đào mang lại nguồn nước sạch dồi dào cho nhiều gia đình. (Ảnh: Dantri)

Nói về căn nhà khang trang, Gih đùa: “Nhà Gih xây 60 triệu đấy! Còn lại, Hội người mù, UBND xã, dân làng phụ giúp thêm mới được khang trang như vậy. Chỉ có thiếu vợ thôi!”

Dù cuộc sống bị bóng tối bao quanh nhưng ông trời cho Gih sức khỏe và sự chịu khó, siêng năng. Ai kêu việc gì cần Gih cũng làm. Anh định hình bằng đôi tay, từng bước chân, đôi tai và cả trí nhớ của mình.

(Ảnh: Dantri)

Tâm sự với Dân Việt, Gih nói: “Cuộc sống với tôi như vậy là khá ổn rồi, nhưng nhiều lúc nghe tiếng trẻ con nô đùa, tôi lại nhớ về gia đình, nhớ bố mẹ lắm. Tôi cũng muốn có vợ, có con, có một gia đình thực sự để được ăn những bữa cơm ngon chứ không phải lang thang nay đây mai đó như hiện tại. Tôi muốn sau những giờ đi làm về có người để trò chuyện, tâm sự chứ không phải lủi thủi một mình nữa”.

Có người đã ví von cuộc đời chung là một vườn hoa, trong đó mỗi người là một loài hoa được gieo trồng và lớn lên trong một hoàn cảnh. Có người làm chậu cảnh trong vườn, nhưng có người làm đóa hoa dại bên đường chịu nắng mưa bão táp. Tuy nhiên, dẫu định mệnh đã sắp đặt cho ta như thế nào, ta vẫn được trao cho quyền lựa chọn: đó là lựa chọn cách mình sẽ sống. Với Gih, dẫu là cây hoa mọc lên giữa một vùng sỏi đá nhưng anh đã lựa chọn vươn lên và nở những đóa hoa thật đẹp. Không có đôi mắt sáng tinh anh thì Gih lựa chọn trân trọng những điều khác mà mình có: một cơ thể khỏe mạnh, đôi tay tháo vát, đôi chân nhanh nhẹn và trân trọng tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc từ những tấm lòng. 

Xét cho cùng, một cuộc sống qua ư bằng phẳng, lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió là một cuộc sống không hề tồn tại. Bởi vì định mệnh đã an bài cho con người những đoạn đường gập ghềnh khúc khuỷa, để trong sóng gió, mưa sa có thể rèn luyện nên những phẩm chất cao đẹp, quý giá, để qua khó khăn thử thách mà trân trọng hơn hạnh phúc ngọt ngào. Cuộc sống giống như bốn mùa, ai có dũng khí, thiện lương đi đến cuối con đường thì sẽ tìm được quả ngọt.

Thiên Thủy

Exit mobile version