Đại Kỷ Nguyên

Chuyện chàng đạo diễn bỏ thành phố ra đảo vắng: Buông xuống mong cầu, thuyền sẽ nhẹ lướt hơn

Có lẽ, một lúc nào đó, khi ngồi tĩnh lặng một mình và nghĩ về những gì đã trải qua, trong mỗi chúng ta đều sẽ có lúc cảm thấy bản thân đôi lúc thật buồn cười. Là bởi chúng ta đã sở hữu rất nhiều thứ nhưng không hề biết đủ, để rồi cứ muốn chạm tới những thứ xa xôi.

Chàng trai bỏ thành phố lên đảo vắng sống

Sinh ra trong một gia đình lao động ở Ô Chợ Dừa (Hà Nội), anh Nguyễn Đức Tú (36 tuổi) đã trải qua cuộc đời nhiều thăng trầm trước khi trở thành một đạo diễn phim truyền hình như ước mơ thuở bé, từ những công việc tay chân phụ việc như treo băng rôn, casting diễn viên đến thiết kế mỹ thuật cho phim, MC radio… Cuộc sống với anh Tú có lẽ chưa bao giờ là dễ dàng sau khi thôi học khỏi Viện Đại học Mở Hà Nội và khăn gói vào Nam lập nghiệp.

Từ ngày ra đảo sống, cuộc sống của anh Tú trở nên tự tại hơn nhiều. (Ảnh: Vnexpress)

Cũng bởi đặc thù nghề nghiệp, anh Tú được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và nhận ra một sự mâu thuẫn trong suy nghĩ của người Việt mình: Rất nhiều người không thực sự sống cuộc đời của chính họ mà thường mong muốn cuộc sống của người khác. Người nông thôn muốn sống ở chốn thành thị xa hoa, náo nhiệt. Họ cảm thấy nhàm chán và thiếu thốn với những cánh đồng, mảnh rau, đàn gà, ao cá…; trong khi người thành phố mệt mỏi với những xô bồ, bon chen của nhịp sống hiện đại và chỉ muốn về quê tận hưởng không khí trong lành, bình yên. Cứ như vậy, con người luôn nghĩ đến những nơi xa xôi, những điều không chạm tay tới được. Họ không yêu cuộc sống hiện tại của mình, không thấy vẻ đẹp của nơi mình đang ở.

Anh Tú càng ngạc nhiên hơn khi nhận ra rằng những con người thực sự hạnh phúc đa số không phải đến từ những quốc gia phát triển, giàu có mà là ở những vùng đất xa với ánh sáng văn minh như phía bắc Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia. Họ là những người không giàu về vật chất nhưng họ biết đủ, trân trọng hiện tại và quan trọng hơn hết, họ có Đức Tin. Người ngoài có thể thấy họ sống thật thiếu thốn và nghèo khó nhưng họ lại tìm thấy sự cứu rỗi cho tâm hồn của mình: Mỗi khi ngơi việc đồng áng, họ lại làm những việc chế tác thủ công như bao nhiêu đời nay vẫn thế, đan cái rổ tre, đẽo cái cày, đóng bộ bàn ghế gỗ, tạo ra những vật dụng thiết yếu theo cách rất sáng tạo…

Anh Tú bắt đầu tự xây dựng chỗ ở bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. (Ảnh: NVCC)

Những chuyến đi đó đã thôi thúc anh Tú muốn trải nghiệm cuộc sống xa rời vật chất, xem mình liệu có thể chịu nổi không? Anh quyết định dừng công việc đạo diễn, bán hết gia sản ở Sài Gòn, đóng cửa công ty sản xuất phim để bắt đầu trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên tại đảo Hòn Sơn, Kiên Hải (Kiên Giang) từ tháng 3/2017. Anh mua 4.000m2 đất ở lưng chừng núi Ma Thiên Lãnh. Cả đảo chỉ có 8.000 dân, còn riêng trên ngọn núi cao 250m so với mực nước biển này chỉ có khoảng 20 nóc nhà, mỗi nóc nhà chỉ có 1-2 người ở, chủ yếu là những người già đã không thể đi biển được nữa.

Cuộc sống mộc mạc của anh Tú ở trên đảo. (Ảnh: NVCC)

Anh Tú bắt đầu tự xây dựng chỗ ở bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, làm những công việc tay chân như vác đá, vác cây, cuốc đất, xây, làm mộc, trồng rau cũng như bất cứ việc gì phát sinh…

Trả lời phỏng vấn với báo Vnexpress, anh nói: “Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho cộng đồng. Nếu tôi có thể tìm thấy hạnh phúc từ cuộc sống mộc mạc tối giản mà mình theo đuổi, tôi cũng mong muốn mình có thể truyền điều này cho những người xung quanh. Bằng những cây cối xung quanh, bỏ ra một ngày, ta đã có thể làm cái bàn, cái ghế để ngồi ăn, thay vì tìm mọi cách kiếm tiền để đi vào cửa hàng mua những món đồ ấy. Tạo ra thức ăn từ mảnh vườn thay vì đi vào siêu thị mua sắm hoặc ăn uống trong những cửa hàng đồ ăn nhanh”.

Anh cũng chia sẻ, ngoài tiền thuê 1 hoặc 2 thợ phụ việc xây nhà, cuộc sống ở đảo gần như không cần đến tiền…. Có những tuần, anh không xuống chợ vẫn không hề sợ đói bởi bên ngoài luôn có sẵn sắn, rau, xoài… chờ anh thưởng thức. Nhưng điều khiến anh cảm thấy ý nghĩa nhất trong trải nghiệm này có lẽ là đã tìm thấy một nơi vui chơi lành mạnh cho con. Những động vật, cây cỏ trong thiên nhiên, đất bùn, những cơn mưa, bầu trời đầy sao… bỗng trở thành những bài học thực tế và ý nghĩa cho con.

Tránh xa những ánh sáng đèn led nhấp nháy, những tiếng ồn với âm lượng chói tai nơi thành thị cùng những trò chơi điện tử, anh Tú rất hạnh phúc vì có thể mang đến cho con món quà quý giá nhất là những tiếng cười vui vẻ cùng nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở một chốn bình yên.

***

Ta vẫn thường nghĩ rằng mình thật bất hạnh khi không có được những thứ mình muốn. Ta cứ day dứt mãi tại sao những người khác có thể còn mình thì không. Nhưng có khi nào ta quay lại nhìn phía sau, có không ít người rất muốn sở hữu những thứ ta đang có. Với họ, những điều đó giống như là một giấc mơ vậy.

Dù có thể đôi lúc trời sẽ bất chợt đổ mưa nhưng chắc chắn cơn mưa nào rồi cũng tạnh cả thôi. (Ảnh: pinterest)

Cũng có lẽ, đến một lúc nào đó, khi ngồi tĩnh lặng một mình và nghĩ về những gì đã trải qua, trong mỗi chúng ta đều sẽ có lúc cảm thấy bản thân nhiều khi thật buồn cười. Là bởi chúng ta đã sở hữu rất nhiều thứ nhưng không hề biết đủ, để rồi cứ muốn chạm tới những thứ xa xôi. Chúng ta cứ mải miết đi tìm những thứ xa xôi ấy, mà không nhận ra rằng, chẳng cần đến chúng, cuộc sống của chúng ta vẫn đủ, vẫn sống tốt, vui vẻ và hạnh phúc. Dù có thể đôi lúc trời sẽ bất chợt đổ mưa nhưng chắc chắn cơn mưa nào rồi cũng tạnh cả thôi.

Tiền rồi cuối cùng cũng sẽ thành “bạc”. Chúng ta bước vào cuộc đời với hai bàn tay trắng và ra đi cũng với hai bàn tay không, vậy cớ sao cứ phải theo đuổi những thứ lớn lao, xa xôi ở tận chân trời nào mà không trân trọng những gì mình đang có ngay lúc này. Dành thời gian cho những người thân yêu, buông một chút ham muốn danh lợi, bỏ một chút mong cầu vật chất chẳng phải sẽ rất tốt hay sao?

Phong Linh

Exit mobile version