Giao tiếp đúng đắn trong giáo dục không chỉ đạt được mục đích giáo dục về tam quan (nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan), mà càng có thể thúc đẩy cảm tình của trẻ. Vậy cha mẹ nên làm gì để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất thông qua giao tiếp?
Hôm đó, một người mẹ đưa cậu con trai 9 tuổi đến phòng khám của tôi và cho biết cậu bé đánh bạn cùng lớp ở trường, và thường xuyên bị cô giáo phản ánh với phụ huynh. Theo lời của người mẹ, thằng bé tuổi tác còn nhỏ mà đã có bộ dạng hống hách, ngang ngược của một “thiếu niên hư hỏng”. Nếu dám mắng mỏ nó, nó cũng sẽ vung tay đấm mẹ mà không hề tỏ ra yếu thế. Người mẹ nói: “Tôi thật sự hết cách với nó rồi, mắng không được, dạy dỗ cũng không xong”. Tôi nói: “Thế đứa trẻ này có ưu điểm gì không?”. Người mẹ nói: “Không! Dù có nói gì nó cũng không nghe, chỉ biết cãi lại mà thôi!”.
Lúc này, tôi đã tìm ra căn nguyên. Nếu một người mẹ cho rằng con mình hoàn toàn không có ưu điểm gì đáng để khen ngợi, thì đây chính là vấn đề.
Làm thế nào để đạt được hiệu quả giáo dục thông qua giao tiếp?
Rất nhiều vấn đề về hành vi của trẻ kỳ thực là kết quả của sự giáo dục của cha mẹ hoặc người trông nom chúng.
Trong “Tam Tự Kinh” có nói: “Nuôi con mà chẳng dạy dỗ, ấy là lỗi của người cha. Dạy học mà chẳng nghiêm, ấy là sai quấy của ông thầy”. Tất nhiên, đây cũng không hoàn toàn là lỗi của cha mẹ và giáo viên, nhưng phần lớn trách nhiệm là thuộc về người lớn chúng ta.
Nhiều phụ huynh nói: “Tôi đã dạy chúng đến kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần rồi, sao lại nói là không dạy đây?”. Đó là dạy dỗ, chỉ có điều phương pháp không đúng. Giao tiếp đúng đắn trong giáo dục không chỉ đạt được mục đích giáo dục về tam quan mà càng có thể thúc đẩy cảm tình của trẻ.
1. Tuyệt đối không trách mắng, mà ngược lại hãy khen ngợi
Sau khi nghe điều này, nhiều phụ huynh nói, điều này là không thể, nếu làm thế thì đứa trẻ này không phải sẽ càng ngang ngược sao? Nhưng không, kết quả nhiều khi là ngược lại.
Hãy để tôi đưa ra ví dụ về trải nghiệm của tự thân. Đứa con trai rất thích đánh chị nó, có khi tức giận còn đấm vào mặt chị. Lúc này, người nhà sẽ bắt đầu trách móc, mắng chửi, điều này chỉ khiến cu cậu càng mất bình tĩnh.
Tôi bèn gọi con trai đến, cậu bé những tưởng sẽ bị mắng mỏ thảm hại, nhưng nó rất kinh ngạc khi nghe tôi khen ngợi: “Con trai nghe lời thật đấy! Mẹ bảo con đến đây, con liền đến ngay!“. Sau khi nghe xong, nó không còn nóng giận như thế nữa. Sau đó tôi nói: “Con có thể nói cho mẹ biết, điều gì đã khiến con, một đứa trẻ ngoan như vậy lại tức giận đến thế?”. Nó ấm ức nói: “Con muốn cho chị xem món đồ chơi Lego mà con đã hoàn thành, nhưng chị ấy lại không chịu xem”. Khi đã hiểu được ý con, tôi liền nói: “Ồ, mẹ hiểu rồi, con thật sự rất tuyệt vời, biết chia sẻ thành quả của mình với chị gái, con nhất định rất quý mến chị, phải vậy không?”. Nó lập tức gật đầu. “Vậy chúng ta cùng nhau dùng lời nói để thu hút sự chú ý của chị, rồi chia đồ chơi của con, có được không?”. Thằng bé gật đầu lia lịa.
Cuối cùng tôi nói: “Cảm ơn con đã hiểu chuyện như vậy, mẹ hy vọng rằng con sẽ học cách sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác thay vì dùng bạo lực. Mẹ cảm thấy rằng con thật sự đã làm được rất tốt!”. Sau khi nghe xong, nó đã khóc òa và nói: “Mẹ, sau này con sẽ dùng lời nói để giao tiếp, sẽ không đánh chị nữa”. Trong suốt quá trình, đứa trẻ mặc dù đã mắc lỗi, nhưng nếu bạn không hề có ý trách móc, thay vào đó, thông qua những lời khen ngợi, cậu bé đã hiểu chuyện hơn rất nhiều.
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đứa trẻ sẽ không phạm sai lầm trong tương lai, vậy nên chúng ta cần loại bỏ những thói quen xấu lặp đi lặp lại một cách liên tục.
2. Nói những gì trẻ thích nghe và khiến trẻ đồng ý với bạn
Thực tế, cha mẹ thông minh nên học cách để con trẻ gật đầu đồng ý với bạn. Khi trẻ mắc lỗi, việc mắng mỏ một cách mù quáng về hành vi sai trái sẽ chỉ khiến trẻ chán ghét và không muốn nghe lời bạn nói nữa.
Những lời mà trẻ thích nghe là gì? Tất nhiên là những lời khen ngợi chúng và hiểu được nhu cầu của chúng. Như trong ví dụ trên, đơn giản là bạn chỉ cần nói: “Hãy nói cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra?”, “Mẹ hiểu rồi, mẹ hiểu con mà, thì ra là con muốn như vậy như kia”, và sau đó nói: “Chúng ta hãy cùng xử lý điều đó theo cách đúng đắn, có được không?”, “Con giỏi như vậy, chịu khó học hỏi, làm tốt hơn nữa, lại còn biết nghe lời mẹ nữa, mẹ sẽ có phần thưởng cho con”.
3. Thay vì dùng từ “không” và “nhưng”, bạn có thể chọn dùng “mà, và”
Nhiều bậc cha mẹ trong giảng đạo lý cho trẻ cũng sẽ thường khen con trước, chẳng hạn “Mẹ biết con trước nay đều rất ngoan, cũng biết nguyên nhân tại sao con tức giận, nhưng lần này đánh người là sai rồi”. Khen ngợi như vậy khiến người nghe rất khó chịu, chẳng khác gì không khen. Đứa trẻ biết rằng mỗi khi bạn khiển trách nó đều sẽ nói điều gì đó tốt đẹp trước, sau đó mới bắt đầu khiển trách nó. Hiệu quả của giáo dục không thể đạt được tất cả.
Hãy đổi điều này thành, “Mẹ biết con trước nay đều rất ngoan, cũng biết nguyên nhân tại sao con tức giận, và con cũng biết đánh người là sai”, như vậy nghe có vẻ thoải mái hơn rất nhiều.
4. Hãy để trẻ nhận lỗi, đừng ép trẻ nhận lỗi
Nhiều phụ huynh sẽ nói: “Con có biết là con sai không? Mau đi xin lỗi chị con đi!”. Thực ra lời xin lỗi này, với trẻ mà nói chỉ là một sự thỏa hiệp, chứ không đạt được hiệu quả giáo dục. Giống như ví dụ trên, hãy hướng dẫn con bạn từng bước nhận ra lỗi lầm của mình và sau đó thừa nhận lỗi lầm của chính mình, chỉ khi đó con bạn mới thực sự chấp nhận giá trị quan của bạn.
Làm sao để trẻ nhận lỗi? Hãy khiến nó tự thấy áy náy và có cảm giác tội lỗi. Một người nếu làm sai điều gì thì anh ta không thể chấp nhận việc bị người khác điểm danh chỉ trích, nhưng nếu bạn có thể rộng lượng thấu hiểu, chấp nhận và tha thứ cho lỗi lầm mà anh ta đã phạm, thì người mắc lỗi sẽ thấy áy náy và tự nhận ra lỗi lầm của mình.
Theo Epochtimes
Vũ Dương biên dịch