Rửa rau bằng nước muối loãng không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh, không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa rau lại nhiều lần.

Rau sống là thực phẩm được nhiều gia đình Việt sử dụng vì dễ ăn lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nguyên vẹn cho cơ thể. Tuy nhiên, một số khuyến cáo cho rằng, ăn rau sống nhiều hoặc rửa không sạch có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt là nhóm rau sống sử dụng thuốc trừ sâu sai quy định, phân bắc ủ chưa kỹ… sẽ khiến người ăn vào có thể mắc một số bệnh về giun sán, ngộ độc thuốc trừ sâu cấp và mãn tính, đường tiêu hoá. 

Nhiều bà nội trợ Việt truyền tai nhau rằng rửa rau sống bằng nước muối loãng sẽ loại bỏ được các loại giun sán, thuốc trừ sâu cũng như vết bẩn bám trên rau. Thế nhưng, theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ trên báo Pháp luật TP HCM, việc ngâm nước muối này không có tác dụng như mong muốn. “Nước muối loãng không có thể diệt hết được giun sán cũng như hóa chất bám trên rau như mọi người vẫn nghĩ. Bên cạnh đó, ngâm rau sống quá lâu trên 10 phút có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng của nó”.

Nước muối loãng không đảm bảo loại trừ hết mầm bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ Phi Yến cho biết trên báo Sức khỏe đời sống, kết quả nghiên cứu 8 mẫu rau sống thường dùng cho thấy tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là 92,3 – 100%. Kể cả sau 3 lần rửa sạch và rửa bằng nước rửa chuyên dụng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn ở mức 51,9 – 82,6%. 

Cũng theo Cục An toàn Thực phẩm, việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh, không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần.

Vậy cách rửa rau đúng nhất được các chuyên gia thực phẩm và bác sĩ chia sẻ đó là:

– Nhặt rau rồi rửa nhiều lần với nước sạch.

– Rửa nhẹ nhàng trực tiếp dưới vòi nước đang chảy. Trong lúc rửa, vừa để rau chảy dưới nước vừa dùng ngón tay vuốt dọc lá và thân rau, như vậy vi khuẩn, trứng giun cũng như bụi bẩn sẽ trôi theo đó.

– Với những loại rau bẹ như xà lách hay rau cải thì cần bẻ từng nhánh lá ra, lật qua hai mặt để rửa rồi bỏ lại vào chậu, tiếp tục rửa như bình thường một đến hai nước là được.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, một số loại rau nên chần qua nước sôi, do ở nhiệt độ cao vi khuẩn sẽ chết và không gây hại cho cơ thể. Khi rửa xong, rau sống cần để ráo nước.

(Ảnh minh hoạ: chụp màn hình Youtube Mẹo Vặt Cuộc Sống)

Video xem thêm: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại?

videoinfo__video3.dkn.tv||386848dcc__