Mặc dù cuộc sống bận rộn nhưng gia đình nào cũng sẽ cố gắng để sửa soạn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cho thịnh soạn với mong ước năm sau sẽ khởi sắc, no đủ hơn năm cũ.
Thạc sĩ, Nghệ nhân Văn hóa Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết trên Báo Giao Thông, phong tục truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn Táo quân về trời, để báo cáo những chuyện gia đình trong một năm.
Vì thế, người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng. Những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi. Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép.
Bởi, theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển gợi ý mâm cỗ cúng ông Công ông Táo như sau:
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- Thịt gà (hoặc 5 lạng thịt vai luộc)
- 1 bát canh
- 1 đĩa xào
- 1 đĩa giò
- 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa hoa quả
- 1 ấm trà sen
- 3 chén rượu
- Quả cau, lá trầu
- 1 lọ hoa
- 1 tập giấy tiền, vàng mã
Những món đồ chuẩn bị trên đều làm rất dễ, tuy nhiên món thịt gà luộc bày mâm cỗ cúng thì chắc hẳn nhiều người vẫn đang gặp khó khăn. Dưới đây là cách luộc gà cúng ông Công ông Táo vàng óng, không bị nứt, dáng đẹp cánh tiên do tờ Đời Sống Pháp Luật đăng tải hướng dẫn, bạn có thể tham khảo nhé.
Bước 1: Chọn gà cúng phải là gà trống tơ mào cờ đỏ tươi, chân vàng, ức đầy; gà ta (thường là gà ri) thì thịt sẽ dai và da vàng óng.
Bước 2:
– Tạo dáng gà luộc cánh tiên bằng cách bẻ gập hai chân gà vào sát phía đùi gà. Sau đó dùng chỉ buộc cố định hai chân gà lại.
– Dựng đứng cổ gà và nghiêng về phía mình gà, sau đó đan chéo hai cánh vào nhau rồi dùng một đoạn dây nhỏ để cố định.
– Để luộc gà không bị nứt, sau khi làm sạch và sơ chế, bạn cho gà vào nồi, thêm nước lạnh ngập gà rồi đặt lên bếp đun sôi. Với cách này, thịt gà sẽ chín dần từ ngoài vào trong, chín đều, da không bị nứt.
– Nếu bạn sử dụng gà đông lạnh để luộc thì bạn cần rã đông hoàn toàn trước khi luộc. Bởi luộc gà đông lạnh lâu chín, phần xương thường bị đỏ, khó căn thời gian luộc nên dễ bị sống hoặc chín quá nứt da.
Bước 3:
– Luộc gà trong mức lửa lớn, đến khi nước sôi lên thì hạ nhỏ lửa để nước sôi từ từ. Nếu nồi gà luộc sôi sùng sục, phần thịt ở đùi sẽ co tụt lên, rất xấu.
– Đợi nồi gà luộc sôi tầm 5 phút, bạn hãy hạ nhỏ lửa hết cỡ và tiếp tục đun khoảng 5 phút rồi mới tắt bếp, đậy kín vung chừng 20 phút nữa.
– Để kiểm tra xem gà có chín hay chưa, bạn có thể dùng một chiếc tăm chọc vào gà. Nếu ở vị trí cắm đũa không có nước hồng chảy ra chứng tỏ gà đã chín.
– Thông thường, thời gian luộc chín một con gà trung bình là 30 phút, nhanh hơn có thể là 20 phút, còn nếu muốn gà chín đều, vàng óng thì phải luộc ở mức lửa nhỏ khoảng 45 phút.
Bước 4:
– Sau khi luộc gà xong, bạn hãy thả ngay vào trong thau nước càng lạnh càng tốt để da gà săn lại, căng bóng, cách này cũng giúp da gà giòn. Gà nguội hẳn thì vớt ra rổ cho ráo nước.
– Muốn da gà vàng ươm bạn hãy giã nát một ít nghệ vàng rồi vắt lấy nước, trộn với mỡ gà đã rán vàng rồi quét một lớp mỏng lên da gà.
Bước 5:
Khi bày gà cúng lên đĩa, chúng ta nên đặt sao cho đầu gà hướng lên và ngậm thêm bông hoa hồng để thể hiện ước mong mọi điều an lành, hạnh phúc.
Bếp Đại Kỷ Nguyên chúc bạn thành công nhé!
Video xem thêm: Nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc của đôi đũa trong văn hóa truyền thống