Đại Kỷ Nguyên

Chuyện mẹ chồng nàng dâu

Ảnh minh hoạ: pixabay.

Tui có một anh bạn làm việc chung Công ty, tính tình khiêm tốn, ít nói, nhưng khá nóng nảy và hay hờn mát. Bà xã của ảnh là một giáo viên tiểu học, hiền lành và điềm đạm, có chút sâu sắc, nên bạn bè ít ai dám nói đùa trước mặt chị. Hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai, sống chung nhà với người mẹ chồng.

Anh bạn tui mồ côi cha từ nhỏ nên bao nhiêu tình thương, anh đều dành hết cho người mẹ của mình. Mẹ anh cũng vậy, một mình nuôi dạy anh từ tấm bé cho tới lúc trưởng thành, nên mọi tình thương bà đều dành hết cho anh. Anh kể với tui rằng, lúc anh muốn lấy vợ, mẹ anh không vui, bà sợ con trai mình rơi vào “mê hồn trận” rồi không ngó ngàng gì đến bà nữa.

Khi đón con dâu về, bà liền dạy một bài học mở màn là làm dâu phải ăn ở biết điều biết phải với mẹ chồng và không được phép can thiệp vào tình cảm riêng giữa bà và con trai bà. Bà xã của anh bạn tôi là một người sâu sắc và tế nhị, nên chị hiểu bổn phận làm dâu và những gì không nên làm trước mặt mẹ chồng.

Tuy nhiên trong cuộc sống gia đình hàng ngày, làm sao tránh khỏi những sai sót vô tình, nhứt là nhiều lúc gặp chuyện không vui ở cơ quan, về nhà sẽ nghe bực bội, chỉ muốn chui vào phòng nằm một mình gặm nhấm nỗi buồn. Những lúc như vậy anh bạn tui chỉ lo ngồi ăn cơm với mẹ mình, mà không hề để ý đến tâm trạng của vợ. Còn mẹ anh vẫn tỉnh bơ, vui vẻ ngồi ăn cơm riêng với con trai mình, tha hồ kể chuyện từ thời xa xưa, cũng có ý muốn nhắc cho con trai mình đừng quên quá khứ cực khổ mà bà đã trải qua khi phải một mình nuôi con.

Riết rồi bà xã của anh bạn tui cũng quen với cách sống như vậy, nên chị cứ lẳng lặng ăn cơm một mình sau khi chồng chị và mẹ chồng ăn xong, rồi dọn dẹp một mình mới vào buồng ngủ. Chị tâm sự với anh là sao anh không để ý gì đến em lúc ở nhà mà chỉ lo cho mẹ. Anh nói với chị là mẹ đâu còn sống được bao lâu, nên anh phải ưu tiên làm cho mẹ vui lòng, vợ chồng mình thời gian còn dài nên đâu cần gấp gáp gì. Nói qua nói lại một hồi thì gây lộn, có khi hai vợ chồng giận quá mất khôn, còn đòi ly dị nữa.

Trước khi mẹ của bạn tôi mất, bà gọi hai vợ chồng lại căn dặn : “Khi mẹ mất, hai con phải sống thương yêu đùm bọc lẫn nhau, dạy dỗ cho đứa cháu nội của mẹ nên người”.

Bà cầm 10 lượng vàng bốn số chín đưa cho vợ anh và nói : “Con hãy cất giữ số vàng này, đây là món quà mà mẹ dành tặng riêng cho con, coi như đền đáp một phần công lao con đã chăm sóc cho con trai và cháu nội của mẹ suốt mấy năm qua. Mẹ không có con gái, cho nên con vừa là con dâu, vừa là con gái của mẹ”.

Chị nghe cảm động và hiểu được tình yêu của một người mẹ cả đời dành cho con trai mình và những người thân yêu nhứt của anh.

Đến khi con trai của hai vợ chồng bạn tui muốn lấy vợ, chị tâm sự với anh, bây giờ em mới hiểu tâm trạng của một người mẹ khi nhìn thấy con trai mình sắp chia sẻ tình yêu cho một người xa lạ.

Khi làm đám cưới cho con trai xong, anh bạn tui căn dặn con trai mình rằng, ba không để ý đến tình cảm con dành cho ba, nhưng con phải để ý đến tình cảm của mẹ dành cho con. Con phải ưu tiên cho mẹ vui trước rồi mới đến vợ mình nha con, sau này khi cha mẹ mất, thì vợ con sẽ hiểu và thông cảm cho con. Còn nếu như con đối xử không khéo với mẹ, làm mẹ con buồn thì sau này con sẽ ân hận.

Người ta thường nói nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngược. Ngày nay, tui thấy đàn ông khi lập gia đình mới, thì tình yêu thường san sẻ phần nhiều cho vợ con, cha mẹ cũng thương, nhưng thương sao bằng vợ. Vậy mà anh bạn tui đã làm ngược lại, để cho “nước mắt chảy ngược”, nhưng vẫn chan hoà tình cảm giữa đôi bên. Rốt cuộc thì “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm cái thiện, chữ hiếu là đầu)

Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Có một người đã biến tất cả chờ đợi của em thành đáng giá…

Exit mobile version