15.000 đồng không đủ để ăn bát phở Hà Nội nhưng lại đủ để thuê căn phòng, đầy đủ tiện nghi giữa đất Thủ đô.
Khu xóm trọ “rẻ như bèo”
Tới con ngõ nhỏ 879 Đê La Thành (Hà Nội), nơi cổng vào của khu vực Bệnh viện Nhi Trung ương, chẳng ai là không biết khu xóm trọ 15.000 đồng và lão Hiệp “khùng” ngày ngày đi phát giấy giới thiệu về dãy nhà trọ giá rẻ của mình.
Ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi) đã xây khu phòng trọ giá rẻ này từ 10 năm trước. Dãy phòng trọ 4 khu, có sức chứa khoảng hơn 120 người ngay gần Bệnh viện Nhi Trung ương được ông dành riêng để giúp đỡ những người nghèo khó.
Phòng trọ của ông chỉ có giá 15.000 đồng/ngày đêm/người, lại đầy đủ cả điều hoà cùng các tiện nghi sinh hoạt khác như tivi, wifi, truyền hình cáp, nồi cơm điện, quạt, giường ngủ, chăn, gối.
Bóng dáng cao gầy, ăn mặc như nông dân thứ thiệt, ngày nào ông Hiệp cũng lụi hụi dọn dẹp vệ sinh, phơi phóng quần áo giúp khách trọ. Chẳng những thế, cứ có đồ vật nào chưa dùng tới ông lại đem giúp các bệnh nhân nghèo. Ông còn dốc hết vốn liếng để tu sửa cơ sở vật chất cho khang trang hơn.
Ông chủ nhà trọ tốt bụng này còn sẵn sàng tư vấn cho người bệnh về cách chọn phương tiện di chuyển với mức giá rẻ nhất, hướng dẫn làm thủ tục nhập viện và tìm kiếm nguồn giúp đỡ từ thiện cho các trường hợp không có khả năng chi trả viện phí.
Làm người tốt cũng bị hiểu nhầm
Người ta thấy ông đi khắp nơi trong Bệnh viện Nhi “quảng cáo” về khu trọ 15.000 đồng của mình. Nhiều người không tin, nghi ngờ ông là “cò mồi”, lôi kéo khách ăn tiền. Nhưng ông Hiệp quan niệm: “Muốn giúp người trước hết phải có cái tâm cái đức, sau là tùy vào điều kiện mình có. Tôi không giàu có về tiền nhưng giàu cái tâm. Tôi mở khu trọ chẳng lãi lời bao nhiêu, giúp người theo cách tất cả đồng giá 15.000 đồng, người ở ít bù cho người ở nhiều, lá lành đùm lá rách”.
Vì việc kinh doanh của ông tốt quá, khiến nhiều chủ nhà trọ khác khó chịu, cho rằng ông phá giá và đang cố tình chiếm lĩnh thị trường cho thuê trọ ở nơi này nên họ thường hay nói xấu và bóc tờ rơi của ông.
Mặc bị coi là “khùng”, mặc ai hiểu nhầm, cứ 5 giờ sáng, ông Hiệp vẫn đều đều vào bệnh viện để đi quảng cáo về khu nhà trọ. Rồi đến tối ông lại đi một vòng quanh cách khu trọ để hỏi han tình hình sức khỏe các cháu bé ra sao, cẩn thận nhắc nhở mọi người ăn ở phải luôn vệ sinh sạch sẽ.
Lòng tin vào tình người
Những người được ông Hiệp giúp đều là các bậc làm cha mẹ, lặn lội đưa con cái từ tỉnh xa xuống thủ đô chữa bệnh. Đa phần đều khó khăn trăm bề nên đành thức thâu đêm suốt sáng, ăn chờ ở trực trong viện nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt và thuê mướn phòng trọ. Có những người nghèo quá, không có tiền ông Hiệp vẫn cho ở, cho ăn, thậm chí cho tiền tàu xe..
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Thanh (Lào Cai), một người từng thuê trọ tâm sự, ban đầu, anh ngờ vực trước lời mời của ông Hiệp. Anh bảo: “Làm gì có ông chủ nào lại dầm mưa dãi nắng, bất kể ngày hè hay ngày đông giá rét chạy vào viện hỏi han từng người như vậy”. Nhưng sau hơn hai tháng đưa con lên Hà Nội chữa bệnh và thuê trọ, anh đã quyết gắn bó với nơi này cho tới khi con hồi phục hẳn.
Ông Hiệp quan niệm, dẫu cuộc sống trở nên vất vả hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng điều đó cũng giúp mọi thứ đẹp đẽ và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Nhiều lúc ông Hiệp còn bảo: “Ngoài kia bao nhiêu người gọi tôi là lão khùng, nhưng nếu xã hội toàn người khùng như tôi thì xã hội lại càng tốt đẹp”.
Gia đình chị Lò Thị Biên (Hà Giang) nhớ lại: “Con gái tôi từng được ông Hiệp giúp đăng kí tham gia chương trình ‘Trái tim cho em’. Ông ấy nghiên cứu rất kỹ mọi quy trình, thậm chí chuẩn bị sẵn cả bộ hồ sơ để khi có ai cần là ghi thông tin luôn. Kể từ ngày thuê trọ ở đây, tôi chẳng muốn rời đi nơi khác. Cứ mỗi lần đưa con gái lên Hà Nội chữa bệnh là tôi lại ghé vào nhà ông Hiệp tá túc, coi như nhà mình vậy”.
Chỉ cần có những khách trọ cũ quay lại cảm ơn hay vài ba cuộc điện thoại báo tin, vậy cũng đã đủ để ông Hiệp hạnh phúc mà tiếp tục làm thêm nhiều việc tử tế cho xã hội.
Minh Lan