Đại Kỷ Nguyên

Cô bé 12 tuổi suốt 5 năm nhặt rác nuôi cha tàn phế: Lòng hiếu thảo đã cảm động Trời xanh

Áp lực cuộc sống đã khiến nhiều người từ bỏ gia đình của mình, để đi tìm một hoàn cảnh sống khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đó không phải là lựa chọn của cô bé người Thái Lan Satang Arunwong. 

7 tuổi ra quyết định quan trọng đầu tiên trong đời

Satang khi ấy là con gái của một gia đình khá giả, cô bé có đầy đủ bố mẹ và một người em. Bố cô bé khi ấy đang là chủ thầu xây dựng, công việc làm ăn rất thuận lợi. Bất ngờ, khi làm việc tại công trường, cha em không may gặp tai nạn. Ông ngã từ tầng ba của tòa nhà. Tuy không mất đi mạng sống nhưng cha của Satang lại trở thành người tàn phế, phải nằm một chỗ và mất hết sức lao động.

Tai nạn này đã khiến cho gia đình cô bé Satang nhanh chóng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Mọi gánh nặng về kinh tế và chăm lo gia đình đều đặt lên vai mẹ em. Không biết có phải do trách nhiệm ấy quá nặng nề mà chỉ 2-3 tháng sau, mẹ cô bé quyết định ra đi. Bà định mang theo cả Satang và em gái của cô.

Cô bé Satang với tuổi thơ làm chỗ dựa cho cha (Ảnh dẫn qua: Buriram Times)

Lúc đó, mới là một cô bé bảy tuổi, nhưng Satang đã có những suy nghĩ của riêng mình. Em hỏi mẹ rằng em có thể ở lại cùng với cha hay không? Bởi cô bé thấy, nếu cả mẹ và em cùng đi thì ai sẽ là người chăm sóc cho cha – người đang không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Ngày hôm sau, mẹ bỏ đi. Cũng từ giờ phút ấy, Satang trở thành trụ cột mới của gia đình.

“Con ở lại với cha có được không?” (Ảnh dẫn qua: Buriram Times)

5 năm thay mẹ chăm cha và tự nuôi mình

Không khó để hình dung những khó khăn mà cô bé Satang phải vượt qua. Nhưng cuộc sống của em trong năm năm sau ngày cha gặp nạn vẫn khiến nhiều người dân Thái Lan cảm thấy xót xa sau khi biết chuyện.

Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cô bé Satang đã đi nhặt rác. Em tới những bãi rác lớn trong thành phố để tìm kiếm những chai lọ có thể bán đi. Nhưng công việc này không đủ để em trang trải những chi phí trong gia đình. Nên em lại xin đi bán rau trong chợ. Mỗi ngày công việc này mang thêm cho em 50 – 100 bath. Satang có chia sẻ, đối với em, kiếm đủ tiền để mua gạo và thức ăn không phải là điều quá khó. Nhưng có đủ tiền mua tã giấy cho cha mới là điều khiến em lo lắng. Bởi đó là thứ duy nhất giúp cha được sạch sẽ, phần nào đó cảm thấy thoải mái khi phải nằm đó cả ngày.

Em nhặt rác  (Ảnh dẫn qua: hilight.kapook)

Mới ở độ tuổi đáng nhẽ còn được đi học, còn được nô đùa và dành tâm trí để khám phá cuộc sống, thì những nỗi lo cơm áo gạo tiền đã lại trở thành một phần cuộc sống của em.

Ấy vậy mà cô gái bé nhỏ nhưng mạnh mẽ này không bao giờ kêu ca. Không biết từ đâu, em có được sức mạnh của kiên nhẫn và chịu đựng như vậy? Nghĩ tới cảm nhận của cha, tới những điều cha đang trải qua có lẽ là một câu trả lời hợp lý. Khi ở nhà, cha hỏi em rằng, phải lo lắng cho ông như vậy em có mệt không? Dù hôm ấy có mệt thật, em cũng sẽ nói dối rằng “con vẫn ổn, cha đừng lo”. Cô bé không muốn cha thấy em khóc hay cảm thấy em yếu đuối.

Em bán rau để có tiền chăm lo cho cha (Ảnh dẫn qua: hilight.kapook)

Người ta thường thấy, cha mẹ tận tụy, hi sinh mọi điều vì con cái, nhưng không có mấy hoàn cảnh giúp người ta hiểu, con cái cũng có thể gánh vác, chăm sóc cho cha mẹ chu đáo ở lứa tuổi nhỏ bé như vậy. Em không chỉ là người kiếm sống nuôi thân thể cha, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho ông.

Cô bé Satang đã lặng lẽ cố gắng, lặng lẽ kiên cường suốt 5 năm như thế, cho đến ngày một người lạ biết đến và cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của em.

Ở hiền ắt sẽ gặp lành

Anh Poramet Misomphop – một nhà hảo tâm đã biết đến hoàn cảnh của Satang qua một người bạn. Anh đã tới tận nơi mà hai cha con Satang đang sinh sống tại quận Bangpoo, tỉnh Samut Prakan. Hai cha con đang sống trong một căn nhà tạm bợ, ngổn ngang và đầy mùi hôi thối.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy chắn hẳn rất có ý nghĩa với hai cha con Satang. Bởi sau một thời gian lâu như vậy, cuối cùng cũng có người quan tâm đến cuộc sống của cha con em. Không chỉ dành cho hai cha con sự quan tâm, thăm hỏi tinh thần, anh Misomphop còn bắt đầu giúp đỡ hai cha con những nhu yếu phẩm cơ bản của cuộc sống.

Anh Poramet Misomphop, người đã kể lại câu chuyện của Satang với mọi ngườii (Ảnh dẫn qua: Buriram Times)

Để có được sự giúp đỡ lâu dài và thiết thực hơn với hai cha con, anh Misomphop đã kể lại câu chuyện của Satang trên Facebook. Anh kêu gọi mọi người giúp đỡ cho cô bé có tấm lòng hiếu thảo này, giúp em có cơ hội được đến trường.

Cảnh sống trong căn phòng bề bộn, chật hẹp của cha con Satang, đặc biệt là sự chăm sóc tận tâm của Satang đối với cha đã khiến nhiều người dân Thái Lan cảm động. Họ nhanh chóng chia sẻ thông tin và gây dựng một quỹ quyên góp. Chỉ sau 5 ngày, quỹ này đã thu được 1 triệu bath để tặng lại cho cha con Satang.

Anh cũng là người nỗ lực để giúp gây quỹ ủng hộ, để hai cha con có cuộc sống tốt hơn (Ảnh dẫn qua: Buriram Times)

Cô gái bé nhỏ ấy đã viết nên một câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo ngay giữa đời thực khi em mới 7 tuổi. Những người cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo ấy của em đã đang và sẽ giúp em viết tiếp một kết cục có hậu cho câu chuyện chan chứa tình người này.

Đã lâu rồi cha con họ mới có thể nhìn nhau cười mà không phải lắng lo như thế (Ảnh dẫn qua: Buriram Times)

Hiện nay, Satang và cha đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp, cuộc sống của hai cha con đã đỡ vất vả hơn phần nào. Và cũng đã lâu lắm rồi, hai cha con mới có cơ hội được nhìn vào mắt nhau và nở nụ cười tươi rói như thế này.

Hy Văn

Exit mobile version