Võ Thị Mỹ Linh từng gây xôn xao khi sống sót “thần kỳ” sau trận bão tuyết lịch sử ở Nepal năm 2014, vừa chinh phục được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ tại Đại học Duke (Mỹ) nhờ bài luận ấn tượng viết về người bố làm nghề “cưa bom”.
Mới đây, Linh vừa dành được suất học bổng thạc sĩ danh giá từ Đại học Duke (Mỹ), trị giá 53.744 USD/năm, kèm hỗ trợ 1.700 USD/tháng cho chi phí ăn ở. Để có được suất học bổng danh giá này, Linh đã trải qua các cuộc thi vô cùng khó khăn và có cả những thất bại khiến cô rơi nước mắt.
Vừa làm tình nguyện vừa xin học bổng trên đường đi du lịch
Mỹ Linh là người Huế (sinh năm 1989), tốt nghiệp ĐHKHXH&NV Tp.HCM. Cô từng làm truyền thông tại Việt Nam trước khi bỏ việc đi du lịch sang Ấn Độ, Nepal. Vừa du lịch, Linh vừa làm tình nguyện viên và dạy học.
Tháng 10/2014, Linh chính là người đã sống sót hy hữu qua trận bão tuyết khủng khiếp ở dãy núi Annapurna (Nepal) hơn 40 người thiệt mạng và nhiều người mất tích. Sau đó, cô gái này tiếp tục gây xôn xao dư luận khi viết thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
2 năm sau, cô gái trẻ điều hành tổ chức phi lợi nhuận do mình sáng lập và còn làm CEO cho một dự án du lịch, song cô rơi vào trầm cảm do áp lực công việc. Vì vậy, cô quyết định gác lại tất cả công việc đi du lịch. Nhưng gần 1 năm rong ruổi ở Mỹ và Mexico, cô không tìm được nổi một người bạn có cùng chung chí hướng.
Tiếp tục cuộc hành trình, Linh tiếp cận với những bạn trẻ có cùng sở thích du lịch bụi như mình đến từ nhiều đất nước khác nhau. Tuy nhiên, khi cô hỏi họ về những dự định cho tương lai, tất cả đều không biết mình muốn trở thành gì. Vì vậy, Linh đã nộp đơn xin học bổng vào Đại học Duke để được gặp gỡ những người tài giỏi, có mục đích sống.
Linh đã viết 4 bài luận gửi hội đồng Rotary (tổ chức hỗ trợ tài chính) cho họ đọc trước và kiểm tra trình độ lúc phỏng vấn. Do đang trên đường đi du lịch, lúc nộp đơn cô không hề có bảng điểm hay giấy tờ gì liên quan.
Bà Lyn Kenny nằm trong hội đồng sau khi đọc xong đã rất ấn tượng với bài luận của cô. Nhưng vì không có bảng điểm nên Linh phải thi hai kỳ thi và hội đồng sẽ trả tiền lệ phí. Họ còn mời cô đến Madison thuyết trình trong buổi họp mặt của họ.
Lúc đó Linh chủ quan, nghĩ rằng hội đồng trả tiền thi và làm diễn giả chắc họ đã chọn mình nên cô không hề ôn thi, cũng không có sách để học. Dẫn đến kết quả thi thấp và bị đánh rớt khiến cô khóc rất nhiều.
Không bỏ cuộc, cô quyết định gác lại việc đi du lịch để tiếp tục thi lại vào Đại học Duke. Trong thời gian ôn luyện cô đã xin đi làm tình nguyện viên cho các khách sạn ở Mỹ và Mexico để được ăn ở miễn phí, mỗi ngày cô làm trung bình 5 tiếng. Rút kinh nghiệm lần trước, cô dành thời gian còn lại tập trung cho việc học. 6 tháng sau, Linh thi lại và đạt yêu cầu của hội đồng đưa ra.
Chinh phục học bổng với bài luận về nghề “cưa bom” của bố
Trong số 7 bài luận Linh viết, có 4 bài luận gửi cho hội đồng Rotary và 3 bài luận cô phải gửi cho Đại học Duke để họ chấp nhận cho cô vào học. Đặc biệt, bài luận về người bố làm nghề “cưa bom” đã chinh phục được hội đồng thi tuyển giúp Linh giành được học bổng danh giá.
Dưới đây là một đoạn nhỏ trong phần bài luận giới thiệu về bản thân của Linh:
“Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung. Bố tôi thời ấy là một thợ cưa bom. Thu lượm bom đạn sau chiến tranh trở thành một nghề mưu sinh đối với người dân quê tôi. Những quả bom sau đó được cưa ra, vỏ dùng bán cho người thu mua phế liệu, phần thuốc nổ bên trong được dùng để đánh cá.
Một ngày, bố tôi ra khỏi nhà sớm với chiếc máy dò kim loại của ông ấy. Không lâu sau đó một tiếng nổ vang trời. Mẹ tôi nước mắt giọt ngắn giọt dài, vội vã gói ghém đồ đạc vào bệnh viện không biết bao lâu sẽ trở về. Đứa trẻ 7 tuổi như tôi được mẹ giao nhiệm vụ chăm sóc em gái nhỏ vừa tròn vài tháng tuổi. Bác sĩ bảo bố tôi có thể bị mù vĩnh viễn. Ông ấy cần cấy ghép thủy tinh thể và dĩ nhiên là tốn rất nhiều tiền.
Tai nạn bom xé gia đình tôi ra thành nhiều mảnh vỡ. Nhưng điều đó không quan trọng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng vượt qua. Điều quan trọng là, ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 4000 người chết và bị thương vì tai nạn bom mìn. Nhưng lạ thay, những người thợ cưa bom không vì thế mà từ bỏ nghề của họ. Bởi đó là kế sinh nhai duy nhất giúp họ nuôi sống gia đình.
Tôi có 10 tập sách in chung dành cho thiếu nhi và 1 cuốn tiểu thuyết viết riêng. Mọi người hỏi tôi làm thế nào để viết văn. Tôi bảo, tôi bắt đầu viết từ lúc bé. Và bài luyện viết đầu tiên của tôi là thư ly dị dành cho bố mẹ. Mẹ tôi từng sống không hạnh phúc.
Để bảo vệ mẹ, cách duy nhất tôi có thể làm lúc đó là giúp bà ly hôn. Nhưng cuối cùng mẹ tôi từ chối. Bà sợ xã hội phán xét bà. Bà nhìn những phụ nữ xung quanh cũng bị chồng đối xử tệ bạc và nghĩ rằng chuyện đó cũng thường thôi, là phụ nữ cần phải biết cam chịu.
Vài năm trước, tôi được biết đến sau sự kiện sống sót trong trận bão tuyết đã lấy đi mạng sống của hơn 45 người trong đoàn leo núi. Mọi người khen tôi dũng cảm. Nhưng không, những người phụ nữ ở nhà thầm lặng hy sinh cuộc đời họ cho chồng con, tôi thấy họ dũng cảm hơn nhiều.
Không lâu sau đó tôi lại được mọi người biết đến với lá thư gửi Bộ trưởng bộ giáo dục về những bất cập trong sách giáo khoa tiếng Anh.
Rất nhiều người sau khi đọc bức thư vội vàng đổ lỗi cho ngài Bộ trưởng vì đã phá hỏng tương lai con em họ. Nhưng tôi nhớ bố tôi từng nói với tôi một câu thế này “Đừng đổ lỗi cho bất cứ ai khi chính con không thể thay đổi cuộc đời con. Vì cuộc đời là cuộc đời của con, không ai có thể sống thay con được”.
Mỹ Duyên