Bé Angel Farley, 11 tuổi (Anh), đã viết và gửi tận tay 1.064 thiệp chúc mừng Giáng sinh đến mọi người trong làng của mình. Đây là nhiệm vụ mà cô bé tự đặt ra cho mình để đem đến nụ cười cho người khác.

Có lẽ, chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh chú lính chì dũng cảm, một nhân vật trong câu chuyện cổ tích của đại văn hào An-đéc-sen. Chú lính chì bị gãy mất một chân, là quà Giáng sinh của một người cha dành tặng cho con trai, đã trải qua những cuộc phiêu lưu gian khổ và trở về nhà với cuộc sống hạnh phúc.

Ngày nay, có một “cô lính chì” bé nhỏ tên là Angel (tiếng Anh có nghĩa là “Thiên thần”), cũng không may mắn mất đi một chân. Cô bé cũng có hành trình Giáng sinh của riêng mình, một hành trình sống đẹp khiến nhiều người cảm động.

Angel được sinh ra với thân thể khiếm khuyết, ổ cối của em bị thoái hóa. Năm ngoái, Angel đã trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ một chân.

Mặc dù khả năng di chuyển hạn chế, cô bé chu đáo đã quyết định gửi thiệp Giáng sinh cho những người cô đơn trong làng của mình từ hai năm trước. Angel lần đầu tiên có ý tưởng này sau khi em hỏi mẹ rằng, liệu mình có thể gửi thiệp cho ai khác ngoài các bạn cùng lớp không.

“Điều đó khiến tôi suy nghĩ. Tôi đã gợi ý Angel hỏi trên Facebook xem có ai muốn nhận một tấm thiệp từ con không”, mẹ của Angel, chị Holly Farley nói. “Sau đó, con bé nói với tôi rằng, sẽ rất tuyệt nếu con có thể gửi thiệp cho những người khuyết tật và những người khác có thể bị lãng quên vào dịp Giáng sinh. Mọi chuyện bắt đầu từ đó”.

Trở lại tháng 2/2018, khi Angel phải cắt cụt chân, gia đình em đã vô cùng xúc động khi cả làng đã tập hợp lại để hỗ trợ cho em. Angel và bố mẹ đã quyết định cắt bỏ chân phải để cải thiện khả năng vận động.

“Con bé đã từng bước đi kiểu của…  hải tặc. Con phải vung chân ra một bên, khiến hông bị lắc lư và cột sống bị cong”, mẹ em nhớ lại.

Việc cắt bỏ chân tại bệnh viện Great Ormond Street ban đầu có vẻ suôn sẻ, nhưng sau đó, chân của Angel bị nhiễm trùng rất nặng. Vậy là cô bé phải nhập viện trong hai tháng, chiến đấu với bệnh nhiễm trùng huyết.

“Đó là một thời gian thực sự khó khăn với chúng tôi. Tôi hỏi các bác sĩ liệu con bé có thể sống sót không và họ không thể cho tôi một câu trả lời dứt khoát”, chị Holly nói.

May mắn thay, Angel đã hồi phục mạnh mẽ và nhờ một chân giả mới, em có thể di chuyển tự do hơn nhiều so với trước đây.

“Trong quá trình hồi phục của Angel, người dân trong làng chúng tôi đã quyên góp cho con”, chị Holly chia sẻ. “Tôi đã rất ngạc nhiên và xúc động. Chúng tôi cảm thấy cần phải làm gì đó để thể hiện sự biết ơn của mình, nên đã quyết định tặng nhiều thiệp hơn nữa”.

Năm nay, gia đình cô bé đã tặng hơn 1.000 tấm thiếp, gấp 10 lần số thiệp được tặng vào năm 2017. Dự án thiệp Giáng sinh được khởi động từ đầu tháng 11 và cả nhà đã dành khoảng 60 giờ để viết tay lời chúc ý nghĩa lên từng tấm thiệp, với nội dung:

Từ nhà cháu gửi đến nhà cô/dì/bác…

Chúc gia đình mình một Giáng sinh an lành.

Yêu thương,

Cháu Angel cùng gia đình.

Cha của Angel, anh Rob, chia sẻ: “Chúng tôi không muốn nó trở thành một nghĩa vụ, vì vậy chúng tôi chỉ làm điều đó khi các con gái muốn. Angel và em gái Mikayla 9 tuổi ngồi ở một chiếc bàn nhỏ và viết thiệp chúc phúc cho mọi người”.

Chị Holly tiếp lời: “Chúng tôi muốn trao tặng mọi người những nụ cười hạnh phúc nhân dịp Giáng sinh. Hầu hết các buổi tối, cả gia đình chúng tôi sẽ cùng nhau đến thăm các nhà trong làng. Đôi khi, Angel cảm thấy khó khăn trong việc này vì khuyết tật của mình, nhưng con bé luôn cố gắng hết sức”.

Chị Holly cũng nói rằng, con gái chị đã nhận được rất nhiều tin nhắn cảm ơn và ủng hộ của mọi người trên Facebook. “Sau những gì chúng tôi đã trải qua năm ngoái, chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi có Angel. Chúng tôi rất vui khi có thể đền đáp lại ân tình của người dân trong làng. Đây thực sự là một cộng đồng đặc biệt”.

Tình làng nghĩa xóm cũng là tình cảm cộng đồng gắn bó, một nét văn hóa truyền thống rất đẹp của người Việt chúng ta. Quả thực, khi mọi người biết quan tâm, sẻ chia, suy nghĩ cho những người xung quanh, cuộc sống sẽ tươi đẹp biết nhường nào!

Huyền Thanh

Theo Good News Network

Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__