Trong nhịp sống xô bồ hiện đại, nhiều người, đặc biệt là những người làm công, phải nỗ lực rất nhiều để duy trì cuộc sống. Điều đáng buồn là, họ thường bị đánh giá là tầng lớp thấp trong xã hội. Bạn có bao giờ từng nghĩ, dù công việc khác nhau, nhưng họ thật ra cũng như chúng ta, đều vì mưu sinh mà lam lũ một đời?
Nhã Hương là một nhân viên mai táng. Trong quá trình làm việc, cô thường xuyên phải tiếp xúc với rất nhiều cái chết thương tâm và đau đớn, đến nỗi, cảm xúc của cô gần như đã chai sạn.
Ngày hôm đó, cô tiếp nhận một ca tử vong vì tai nạn lao động. Tuy trong tay không có thông tin về anh công nhân này nhưng từ quần áo anh mặc, khuôn mặt khắc khổ đen sạm của anh, cô biết anh hẳn đã sống một đời lam lũ, khó nhọc. Trái tim cô như thắt lại vì xót xa, cô thì thầm nói với anh: “Anh vất vả rồi”.
Khi xem báo cáo khám nghiệm tử thi, Nhã Hương được biết anh công nhân này vì hít phải rất nhiều khí độc trong khi làm việc mà mất mạng, trong lòng cô lại càng thương xót gấp bội. Một người thật thà, chăm chỉ như anh mà phải kết thúc cuộc đời quá sớm, rồi cũng chẳng biết gia đình anh sẽ ra sao. Cô mặc quần áo, lau vết máu tươi ở mép cho anh mà lòng nặng trĩu, miệng luôn tâm sự với người đã chết rằng: “Anh thực sự đã vất vả rồi! Quá vất vả rồi.”
Dù là một nhân viên mai táng đã từng chứng kiến vô số cái chết, nhưng khi gặp anh công nhân này – con người đã rất chăm chỉ làm việc, cuối cùng lại chết vì công việc, trong lòng cô vẫn thương cảm vô cùng.
Rồi cô nhẹ nhàng tháo đôi giày vẫn còn dính rất nhiều vết sơn ra khỏi đôi chân người công nhân, cả bàn tay đang đeo găng tay của anh vẫn đang nắm chặt khiến cô rất khó cởi ra. Cô cúi xuống thì thầm với anh: “Anh ơi, hết giờ làm rồi, chúng ta thả lỏng đi thôi, anh vất vả rồi, tan ca rồi…” Rồi nước mắt cô cũng rơi lúc nào không hay. Nhiều năm làm cái nghề này, cô đã chứng kiến nhiều cái chết đau thương, mà sao hôm nay gặp người đàn ông này cô vẫn không cầm lòng nổi: Cuộc sống này, sao mà mong manh đến thế?
Chứng kiến cảnh công ty bồi thường tiền cho người nhà anh công nhân, Nhã Hương lại càng cảm nhận sâu sắc hơn cái cuộc sống gọi là “dùng mạng sống để đổi lại”. Cô tự hỏi: Con người, cả đời phấn đấu, khổ cực làm chi? Đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng đâu có mang theo được gì?
Ngày nay, những bậc cha mẹ thường hay giáo dục con cái rằng: “Con không chăm chỉ học tập, sau này sẽ giống như anh ta”, ngụ ý là ám chỉ những người công nhân lao động chân tay phải làm việc vất vả mà đồng lương thì còm cõi. Vẫn biết cha mẹ chỉ muốn khuyên bảo con cần cố gắng hơn nhưng câu nói đó vô tình làm tổn thương biết bao người.
Thực ra, chúng ta có văn phòng khang trang để làm việc, có ngôi nhà ấm cúng để ở chẳng phải đều là nhờ những người công nhân vất vả sớm hôm hay sao? Vậy nên, nếu bạn đang giáo dục con cái, hãy dạy chúng đồng cảm với người khác và biết trân quý sức lao động. Điều mà không chỉ những đứa trẻ mà tất cả chúng ta đều cần được học là biết cách sống lương thiện, làm việc chăm chỉ và kiếm tiền chân chính, nghề nghiệp hoàn toàn không phân biệt sang hèn!
Mong rằng mỗi khi gặp một người lao công đang miệt mài làm việc, bạn có thể dành cho họ lời cảm ơn và sự trân trọng. Họ chính là đang dùng cả mạng sống để tạo nên tiện nghi cho mọi người.
Còn nếu bạn có người thân hay bạn bè làm công việc khó nhọc này, hãy ôm họ thật chặt và nói rằng họ vất vả rồi, và bạn biết ơn họ rất nhiều. Những điều giản dị ấy, tuy đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng…
Linh An