Dù là con gái cưng của một gia đình giàu có trên đất Mỹ, Carly vẫn quyết định rời ngôi nhà nửa triệu đô với tài xế riêng để ở trong ngôi nhà thuê có giá chưa đến một triệu đồng ở Việt Nam để chăm trẻ em bị down.
Năm 2013, Carly Placek – con gái giám đốc một công ty lớn về xây dựng ở Baltimore, bang Maryland (Hoa Kỳ) sang Việt Nam du lịch cùng gia đình. Chuyến đi khiến cô sợ hãi vì giao thông nơi này, đòi bố mẹ cho về. Nhưng chưa kịp về thì một chuyện đã thay đổi cuộc đời cô.
Ngày ấy, Carly theo cha mẹ đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ở huyện Ba Vì (Hà Nội) làm tự thiện. Đa số các em ở đây đều không có phản ứng gì với người xung quanh. Tuy nhiên, lúc cô vừa đến, bé Mít đã giơ hai cánh tay ra, như muốn nói cô ẵm. Khi ấy, tôi đã nghĩ “Thiên thần của tôi đây rồi” – Carly chia sẻ với báo Vnexpress.
Vậy là cô bé 21 tuổi quyết định bỏ mọi công việc ở Mỹ, xin gia đình cho ở lại Việt Nam chăm những đứa trẻ không may mắn. Mẹ cô cũng đồng ý vì muốn con gái làm những điều tốt cho cộng đồng.
Hai năm đầu ở Việt Nam, Carly nhiều lần cảm thấy thất vọng với bản thân. Đơn giản việc cầm chổi quét nhà đối với cô cũng quá xa lạ, hay việc chào hỏi đúng cách cũng mất cả năm mới rõ. Rồi đến cả chuyện ăn cơm bụi Việt Nam nuốt không nổi vì không có những loại rau quen thuộc như cà rốt, khoai tây, salad mà chỉ có mướp đắng, rau đay…
Cuộc sống lạ lẫm nơi đất khách, muốn nói gì cũng chẳng ai hiểu, Carly stress vì bị cô lập. May thay, cô Hằng, một nhân viên lâu năm của trung tâm, bàn với những nhân viên khác tìm cách dạy cho Carly tiếng Việt. Vốn nhút nhát, thấy các chị nhiệt tình với mình, Carly bắt đầu cảm thấy ấm áp trong lòng. Cô bắt đầu học “chào chị, chào chú, chào em…”, rồi đến câu dài như “làm ơn giúp em mở cửa, dắt xe…”.
Từ khi nói được tiếng Việt, Carly vui cười nhiều hơn. Ròng rã 6 năm trôi qua, cô tiểu thư Mỹ ngày nào giờ đây đã có thể thoăn thoắt làm việc như tất cả các nhân viên ở Trung tâm.
Từng chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật ở Mỹ, Carly không hề ngại ngần với việc thay tã, tắm rửa, giặt giũ cho những “học viên” của trung tâm này. Tuy nhiên cũng có không ít chuyện dở khóc dở cười đến với cô gái trẻ. Có lần đang cặm cụi lau vết bẩn dưới sàn, cô bị đứa trẻ đứng tè thẳng vào đầu. Carly vừa cười vừa mếu, tự nhủ không bao giờ đóng bỉm sót cho học viên nào nữa.
Carly làm việc không lương. Cứ 4 tháng ở Việt Nam, cô lại bay về Mỹ 2 tháng làm quản lý siêu thị, rồi gom tiền tiếp tục trở sang Việt Nam. Mẹ Carly cứ hối con về tiếp quản công ty của gia đình, nhưng Carly chưa muốn. Cô thậm chí không nhận tiền từ người thân.
Những tháng ngày buồn nhất của Carly là phải về nước, xa bé Mít. Mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ khác, Carly chỉ ước rằng có Mít ở đó. Cô luôn đau đáu việc những đứa trẻ ở trung tâm sống không có vòng tay cha mẹ, gia đình. Đối với cô, bất kỳ ai cũng xứng đáng được đối xử công bằng, cô cảm thấy đau đớn khi những đứa trẻ bệnh tật không được chăm sóc đầy đủ. Có lẽ cô gái trẻ ấy muốn dành cả thanh xuân của mình để yêu thương, bù đắp cho bé Mít và những mảnh đời bé nhỏ, bất hạnh kia…
Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?