Đại Kỷ Nguyên

Cố vấn tài chính của ngân hàng Westpac và là Việt kiều Úc tu luyện Pháp Luân Công

Steven Le ngoài 30 tuổi, là người Úc gốc Việt Nam, từng làm việc trong hai ngân hàng thương mại hàng đầu của Australia trụ sở Melbourne với vai trò cố vấn tài chính. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành, hiện nay anh thường xuyên có tên trong bảng xếp hạng nhân viên xuất sắc nhất hàng năm.

Có lẽ rất ít người biết vào mười năm trước anh là một người tính cách nóng nảy, thường xuyên cãi nhau với chị gái làm cha mẹ phải đau đầu. Nhưng tất cả đều thay đổi từ một tờ rơi vô tình anh có được trong ngày nhà trường nơi anh học tổ chức buổi hoạt động cộng đồng.

Pháp Luân Công làm tôi thay đổi hoàn toàn

Theo tin từ mạng Minh Huệ, anh Steven Le sinh ra và lớn lên trong một gia đình người tị nạn Việt Nam, cha mẹ đưa Steven Le cùng người chị gái rời khỏi Việt Nam, khi đó Steven Le vừa tròn một tuổi. Cả gia đình họ đã trải qua hành trình thập tử nhất sinh vượt biển để đến nước Úc tự do. Giống như đa số dân tị nạn Việt Nam, họ chăm chỉ lao động và thành công trong kinh doanh, có cuộc sống giàu có.

Có lẽ do từ nhỏ được bố mẹ cưng chiều nên tính cách Steven Le rất hiếu thắng, thường xuyên cãi nhau với chị làm không khí trong nhà luôn căng thẳng. Nhưng từ khi có duyên được đọc quyển sách “Pháp Luân Công”, tính cách Steven Le hoàn toàn thay đổi.

Steven Le chia sẻ: “Khoảng năm 2000, Đại học Victoria ở Melbourne nơi tôi học tổ chức ngày hoạt động cộng đồng, tôi chợt thấy một hình ảnh có em bé đang ngồi thiền rất hiền hòa và đáng yêu làm tôi thích thú, vì thế tôi xin một tờ rơi Pháp Luân Công của một nữ sinh lớn tuổi hơn tôi, người sau này cũng trở thành học viên Pháp Luân Công”.

“Có lẽ vì cha mẹ tôi là tín đồ đạo Phật nên từ nhỏ tôi đã muốn tìm thầy dạy công phu Trung Quốc. Thời trung học tôi từng học được vài tháng rồi từ bỏ. Trong chương trình học đại học tôi học cũng có nghiên cứu về văn hóa châu Á”.

Sau đó vài tuần, trong một ngày đẹp trời, bất chợt Steven Le nghĩ đến tờ rơi Pháp Luân Công anh để trên đầu giường, thế là anh theo chỉ dẫn trên đó gọi điện cho người liên lạc của Pháp Luân Công ở gần nhà. Anh nói: “Tôi kinh ngạc phát hiện, tất cả học viên tham gia luyện Pháp Luân Công ở đây là do một vị huấn luyện viên Thái cực quyền giới thiệu cho họ, trong khi lúc đó tôi đang bắt đầu học Thái cực quyền. Thế là tôi liền nhờ người hướng dẫn viên tìm giúp tôi quyển Pháp Luân Công bằng tiếng Anh”.

Steven Le kể lại cảm giác khi vừa đọc xong cuốn sách: “Tôi cảm thấy như mình có duyên với Pháp Luân Công, nhận ra đây chính là thứ tôi cần. Nhiều người Tây phương đọc sách này thường thấy khó hiểu, nhưng tôi thì không gặp vấn đề gì, mỗi câu trong sách đều thấm sâu vào tâm trí tôi mà không gặp trở ngại. Cuốn sách đã làm tôi hoàn toàn thay đổi!”

Chứng kiến sự thần kỳ của Đại Pháp

Pháp lý mà người sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí  giảng có nội hàm sâu sắc nhưng được trình bày dễ hiểu, giúp Steven Le hiểu được ý nghĩa nhân sinh. “Điều thay đổi lớn nhất trong những ngày tháng đầu tu luyện là tôi không còn tranh cãi với chị mình nữa, không tính toán chuyện chị ấy nói như thế không vừa ý tôi. Tôi học được chữ Nhẫn. Dần dần lòng tôi không còn bị tác động vì những ngôn từ khó nghe của chị ấy nữa, xem như nó chưa từng xảy ra. Sau đó những lời khó nghe của chị ấy đối với tôi ngày càng ít dần”.

Nhờ tu luyện mà tâm tính tôi hoàn toàn thay đổi, mang đến yên bình cho gia đình, thân tâm tôi cũng được khỏe mạnh, tôi bỏ tâm cố chấp, không còn cố gắng tỏ ra mình có bản lĩnh nữa, “tôi cảm thấy như mình rũ bỏ được gánh nặng trên vai, cảm nhận được lòng nhẹ nhõm mà trước đó chưa bao giờ tôi có được”.  Sự thay đổi tính cách của Steven Le làm mọi người trong nhà thấy kỳ lạ, đặc biệt là mẹ của Steven Le, từ đó bà càng thêm tin tưởng vào Đại Pháp.

Sau khi Steven Le tu luyện không lâu thì gia đình gặp chuyện không may: người cha làm ăn thất bại nên lâm trọng bệnh và qua đời. Trong cảnh gia đình khốn đốn, Steven Le phải gánh trên vai trọng trách là chủ gia đình. “Vì khi đó đã tu luyện được vài năm nên tôi hiểu không có chuyện gì là ngẫu nhiên, chuyện được mất cũng xem như mây nổi, vì thế mà lòng vẫn ung dung. Nếu không tu luyện, tuyệt đối không thể vượt qua khó khăn dễ dàng như thế”. “Trước khi tu luyện, tôi không phải người có tính kiên nhẫn, làm việc gì cũng chỉ muốn xong ngay”.

Quả thật, mất đi người cha là một cú sốc lớn. Đối với một chàng trai trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, đang chuẩn bị bước vào con đường sự nghiệp mà nói, cú sốc này rất dễ làm tinh thần sa sút. Steven Le chỉ còn biết dựa vào chỉ dạy của tôn sư Lý Hồng Chí, “Tôn sư chỉ cho tôi ý nghĩa cuộc đời, luôn che chở cho tôi”. “Từ nhỏ tôi đã có ước mơ gặp được vị tôn sư để theo học công phu cao cường, sau khi tu luyện tôi cảm thấy giấc mơ của mình đã thành hiện thực.”

Anh Steven Le, học viên Pháp Luân Công người Việt Nam sống tại Melbourne (Ảnh: mạng Minh Huệ).

Tốt nghiệp đại học, Steven Le vào làm việc tại ngân hàng Quốc dân Úc (NAB), làm được 7 năm thì chuyển sang ngân hàng Westpac, hiện đã được 5 năm, hai ngân hàng mà Steven Le làm nằm trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất nước Úc. Là người làm công tác cố vấn tài chính, khách hàng mà Steven Le phục vụ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Steven Le nói: “Khách hàng đủ loại người, người thế nào tôi cũng từng gặp, gồm cả những người đặc biệt khó tính. Với những khách hàng này tôi thường tự nhủ mình là người tu luyện phải có tâm thái từ bi, nhờ vậy mà kết quả thu được luôn ngoài mong đợi”.

“Các đồng nghiệp thấy tôi thờ ơ chuyện vinh nhục, xử lý việc không hấp tấp, không níu kéo bằng mọi giá, ai nấy cũng tin phục. Vì tôi thường đặt mình vào vị trí khách hàng để nghĩ cho khách hàng nên mọi người đều cảm thấy tôi khác lạ. Thành tích làm việc của nhóm tôi hàng năm đều được đánh giá xuất sắc”.

“Để hiểu tình hình khách hàng, tôi thường kể chuyện bản thân cho họ, ai nấy nghe đều thích thú câu chuyện tu luyện mà tôi trải nghiệm, trong đó có cả khách hàng Trung Quốc. Sau khi hiểu câu chuyện, họ rất muốn tìm hiểu về tình hình Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc, trong đó có tội ác mổ cướp nội tạng. Nhiều người vì thế cũng lên tiếng ủng hộ chống lại bức hại Pháp Luân Công”.

Chặng đường hơn chục năm tu luyện biến Steven Le trở thành người luôn điềm đạm, ôn hòa. Anh nói: “Tôi vô cùng cảm tạ tôn sư đã dẫn dắt, mong sao có thể làm hết bổn phận của một người đệ tử”.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version