Trong cuộc đời này, chúng ta đã gặp không ít những trường hợp các em nhỏ bị bỏ rơi được các cặp vợ chồng trẻ có điều kiện nhận về chăm sóc. Câu chuyện về một bà cụ 70 tuổi quyết tâm một mình cưu mang và nuôi dưỡng một hài nhi bị chối bỏ thì là việc hoàn toàn khác.
Người dân Trùng Khánh, Trung Quốc, nhiều năm nay đã quen với hình ảnh một cụ bà hàng ngày cõng cháu mắc bệnh xương thủy tinh đến trường, chẳng quản ngày nắng cũng như ngày mưa. Hỏi ra, ai nấy đều trầm trồ thán phục bởi bà cháu họ chẳng phải máu mủ ruột rà, mà nghĩa tình nặng sâu còn hơn cả con cháu dứt ruột đẻ ra.
Cho đến tận bây giờ, đã 8 năm trôi qua, mỗi lần kể về cái ngày định mệnh mà bà cháu gặp nhau, bà Li Xianju vẫn bồi hồi xúc động, bà nói: “Trưa hôm đó, khi đi qua một cầu nhỏ gần đường về nhà, tôi chợt nghe thấy tiếng khóc ngặt nghẽo của trẻ con. Nhìn quanh thì thấy tiếng khóc phát ra từ một chiếc giỏ đặt sát bên thành cầu. Lúc đó, đã trưa muộn, xung quanh không một bóng người. Tôi cứ ngồi chết lặng ở đó, luống cuống vỗ về cái cục thịt đỏ hỏn ấy, mong rằng sẽ có ai đó nghĩ lại mà đến tìm con. Nhưng rồi đến tận chiều chẳng thấy ai cả, con bé càng lúc càng lả đi, chắc vì nó đói. Xót xa quá, tôi bèn bế cháu về nhà chăm sóc cho đến tận bây giờ.”
Bà Li khi đó đã 70 tuổi, sống một mình với đồng lương hưu ít ỏi. Ai cũng bảo Nana, tên cô cháu gái mà bà đặt cho, còn bé quá, bà nên đưa cháu đến một trung tâm từ thiện hoặc xem có đôi vợ chồng hiếm muộn nào đó nhận nuôi cho bà đỡ vất vả. Bà chỉ cười nói: “Tôi không còn trẻ, nhưng vẫn khỏe, có thêm cháu cho vui cửa vui nhà…”. Bà nói vậy, nhưng ai cũng biết bà đã vất vả thế nào, khi nhìn vào cặp mắt thâm quầng vì thiếu ngủ của người phụ nữ không còn trẻ đang chăm con mọn ấy.
Niềm vui của bà Li lớn dần theo Nana. Cô bé rất xinh xắn, chịu ăn, chịu ngủ. Sức khỏe của bà cũng khá hơn từ ngày có bé Nana. Căn hộ nhỏ của hai bà cháu luôn rộn rã tiếng cười. Cho đến một ngày…
Quả là, ngày vui ngắn chẳng tày gang, ông trời như muốn thử lòng bà lần nữa. Khi lên 2 tuổi, Nana, đứa cháu mà bà dốc lòng thương yêu, đột nhiên mắc bệnh xương thủy tinh – một căn bệnh rất nguy hiểm. Trẻ mắc bệnh có tỷ trọng xương giảm, trong những trường hợp nặng, bệnh biểu hiện ngay khi chào đời khiến trẻ sơ sinh bị gãy vụn nhiều xương. Và kết cục của những đứa trẻ này là chết sau khi sinh một thời gian ngắn. Trong những trường hợp nhẹ hơn, bệnh có thể biểu hiện muộn làm ảnh hưởng tới sự phát triển của khối cơ, giảm sức bền cơ; các xương dài như xương đùi, cẳng chân, cánh tay và cẳng tay rất dễ bị gãy dù chỉ va chạm nhẹ. Căn bệnh khiến Nana rất khó khăn trong việc đi đứng, thậm chí là ăn uống.
Những người hàng xóm cảm thấy ái ngại khi chứng kiến cảnh bà cụ đã 70 có lẻ cõng cháu chạy hết bệnh viện này rồi tìm đến thầy thuốc nọ, nên đã tiếp tục khuyên bà tìm địa chỉ từ thiện, nơi có điều kiện y tế tốt hơn đưa cháu vào. Lần này, bà cười buồn trả lời: “Giờ con bé là một phần cơ thể tôi, làm sao tôi có thể xa nó một ngày được chứ.”
Đúng vậy, đã 6 năm trôi qua kể từ ngày em phát bệnh, bà trở thành “đôi chân” của em, cõng em qua những nẻo đường mà Nana muốn đến khi em cảm thấy khó khăn để bước đi. Bà túc trực luôn tại lớp học để giúp Nana mỗi khi em cần, hỗ trợ em làm bài tập và giao lưu cùng các bạn…
Không mong ngày được báo đáp, không màng đến khen chê dư luận, bà Li thương yêu Nana vô điều kiện và cố gắng làm hết sức mình để Nana có được một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Còn cao hơn cả tình mẫu tử, sự hy sinh của bà xuất phát từ một trái tim nhân ái, từ lòng trắc ẩn đối với một mảnh đời bất hạnh.
Trong bối cảnh mà đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, cuộc gặp gỡ định mệnh và câu chuyện về tình yêu thương vô điều kiện của bà Li với bé gái bị bỏ rơi trên đây như điểm sáng của một bức tranh u buồn, ảm đạm. Ánh sáng đó khiến chúng ta có thêm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, nơi con người sống an hòa thuận theo an bài của trời đất, cùng nhau đi hết quãng đường đời đầy ý nghĩa trong cõi nhân sinh.
Tuấn Vũ – An Nhiên
Xem thêm: