Đại Kỷ Nguyên

Hành trình về quê: cảm phục cách người cha doanh nhân dạy cậu quý tử ngỗ nghịch

Ảnh minh họa (nguồn: Flickr).

Trịnh Tân Sinh là ông chủ một công ty bất động sản có tiếng tại khu Đông Hồ Nam Xương. Ở tuổi 50, ông là một doanh nhân thành đạt được mọi người ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, đôi khi nhìn những gia đình bình thường, không dư dả về kinh tế, bản thân ông lại không khỏi ngưỡng mộ họ. Nguyên nhân là bởi Trịnh Lượng, cậu con trai duy nhất của ông chỉ là một chàng trai chơi bời lêu lổng. Không học vấn không nghề nghiệp, cả ngày cậu ta chỉ đàn đúm theo đám bạn không đàng hoàng ăn chơi tụ tập. Nửa năm trước đây, cậu từng bị bắt và đi cải tạo vì tội hút thuốc phiện.

Cứ nghĩ rằng những năm tháng cải tạo sẽ giúp con thay đổi, nhưng khi vừa được thả ra cậu ta vẫn ngựa quen đường cũ, mang tiền của ông đi ăn chơi tiêu xài. Mệt mỏi do không dạy bảo được con, ông bèn tịch thu tất cả thẻ tín dụng và bắt con ở trong phòng để tự kiểm điểm bản thân. Tức giận vì bị nhốt trong nhà, Trịnh Lượng tuyên bố sẽ mang xe và đồ đạc trong nhà đi bán để có tiền tiêu xài.

Ông Sinh bình tĩnh nói với con trai, tuần sau ông muốn về quê, chỉ cần cậu có thể nghe lời ông trong suốt chuyến hành trình đó, khi về lại Nam Xương cậu muốn gì ông cũng đáp ứng. Nhìn dáng vẻ đầy nghiêm túc của cha, Trịnh Lượng mỉm cười gật đầu.

Ba ngày sau, ông Trịnh cùng con trai lên tàu rời Nam Xương về quê. Khi hai cha con bắt đầu xuất phát, trong lòng Trịnh Lượng có đôi chút thắc mắc: “Nhà có xe cớ sao cha lại bắt đi tàu?”. Tuy nhiên, nghĩ tới yêu cầu trước khi đi của cha, anh chỉ biết mặc đồ theo cha ra ga.

Lâu lắm rồi mới ngồi đối diện con trai mình, nhìn nét mặt trẻ trung đang vùi trong giấc ngủ của con, bất giác ông Sinh thở dài hồi tưởng lại một thời đã qua. Khi ông bằng tuổi con, đã phải tới Nam Xương làm thuê cho người ta. Khi đó, ông chỉ là một người thợ học việc trong một nhà máy, mỗi ngày phải làm việc hơn mười giờ đồng hồ, lại thường xuyên bị thầy dạy đánh mắng, ba năm sau mới có thể trở thành công nhân chính thức.

Những khó khăn trở ngại trong cuộc sống của ông như một thước phim quay chậm lần lượt lần lượt trôi qua. Ông ngẩn người nhớ lại những trải nghiệm trong cuộc sống. Lâu lắm rồi, trong bộn bề công việc, hôm nay ông mới lại có thời gian hồi tưởng về nó. Vì mong con được bằng bạn bằng bè, để con không phải chịu đựng những khó khăn vất vả, ông đã cố gắng hết mình dành cho con điều kiện sống thuận lợi nhất để nó có thể phát triển bản thân. Chẳng ngờ, cậu con trai của ông không những không biết trân trọng, ngược lại chỉ biết đua đòi theo bạn xấu ăn chơi.

Tiếng gọi của cậu con trai làm cắt ngang dòng suy nghĩ của ông. Cậu nói mình đói và muốn ăn một chút gì đó. Ông Sinh lấy trong túi ra một cái bánh mì và một hộp sữa đặt trước mặt con trai. Trừng mắt liếc nhìn người cha của mình một cách không hài lòng, trên mặt cậu hiện lên sự khó hiểu và vứt lại chiếc bánh mì cùng hộp sữa lên bàn. Ông mỉm cười không nói gì, cầm lấy chiếc bánh mì và hộp sữa, vừa ăn vừa nhìn ra ngoài cửa sổ.

Ảnh minh họa (nguồn: Pxhere).

Khi mặt trời lặn, cơn đói cồn cào lại làm cậu con trai thức giấc. Cậu nuốt nước bọt nhìn cốc mì tôm của người ngồi gần đó đang nghi ngút bốc khói. Nhưng khi nhìn thấy dáng vẻ nhếch nhác tầm thường của chủ nhân cốc mì gói, cậu lại “hứ” một tiếng tỏ vẻ khinh thường và quay mặt đi. Lại một lần nữa, ông Sinh lấy một hộp sữa và một chiếc bánh mì trong túi đẩy về phía con trai. Cậu ta chộp lấy và nhai ngấu nghiến. Những bữa ăn sau cũng vậy, không thể phản kháng, cậu chỉ có thể ăn bánh mì và sữa cho tới khi xuống tàu.

Khi bước xuống tàu, hai cha con ông phát hiện phía trước có một đám đông liền cùng tiến lại. Giữa đám đông là một cô gái khoảng hơn ba mươi tuổi đang ngồi dưới đất cúi đầu không nói gì, trong lòng bế một cậu bé bị tàn tật ở tay đang nhìn mọi người. Trước mặt cô là một cái hộp nhỏ có vài đồng tiền lẻ, cạnh đó là một tờ giấy có viết số điện thoại và số chứng minh thư của cô gái, cũng viết rõ cô gái muốn xin mọi người bố thí để có tiền chữa bệnh cho con.

Trịnh Lượng liếc nhìn hai mẹ con người phụ nữ, bĩu môi rồi nói với cha: “Cha, con nghĩ người phụ nữ kia là ăn xin giả chứ không phải thật đâu. Hiện nay ở rất nhiều ga tàu có những người chuyên hành nghề ăn xin như vậy đấy. Rõ ràng chân tay đầy đủ cả không bị tàn tật nhưng cố ý làm như vậy để xin tiền”.

Ông Sinh nhìn hồi lâu vào tấm chứng minh thư của cô gái, bỗng cậu bé tàn tật nghểnh cổ lên nhìn cha con ông. Khi chạm phải ánh mắt của cậu bé, tự nhiên ông thấy cảm thấy sống mũi cay cay. Gia cảnh của hai mẹ con cậu bé làm ông nhớ lại tuổi thơ của mình. Ngày xưa nhà ông cũng nghèo lắm, ăn bữa nay lo bữa mai, nhưng khi có hai mẹ con người ăn mày tới nhà xin ăn, mẹ ông vẫn chia cho họ một bát cơm độn sắn của nhà mình.

Ông liền móc ví lấy trong túi ra 10.000NDT (khoảng 30 triệu đồng) bỏ vào chiếc hộp cạnh đó cho mẹ con người ăn mày. Không biết nói gì, hai mẹ con người ăn mày chỉ biết quỳ xuống dập đầu cảm ơn cha con ông.

Trên đường về, cậu con trai không ngừng chế nhạo ông. Cậu nghĩ rằng chắc chắn cha mình đã bị mẹ con người phụ nữ lừa rồi, có khi tối nay mẹ con họ còn đi ăn mừng vì lừa được một con cá lớn như cha con ông. Ông Sinh im lặng không nói gì, ông tin vào trực giác của mình. Năm ngày tiếp theo, cha con ông trở về quê và cũng làm những công việc chân tay như một người nông dân thực thụ ở đó.

Đến ngày thứ sáu, cha con ông ra ga chuẩn bị quay trở lại Nam Xương. Không đợi ông Sinh nói, cậu con trai cũng đảo mắt tìm kiếm xung quanh. Người phụ nữ vẫn ngồi ở vị trí mà cha con ông đã gặp họ, chỉ có một điều khác biệt là đứa trẻ ngồi trong lòng cô là một bé gái với bím tóc hai bên.

Ảnh minh họa (nguồn: Pixabay).

Trịnh Lượng chỉ tay về phía người phụ nữ và nói với cha mình: “Cha à! Cha có thấy những lời con nói là chuẩn xác không? Cha con mình bị lừa mà cha vẫn còn tin cô ta. Có lẽ cô ta không những là kẻ lừa đảo mà còn là người chuyên đi bắt cóc trẻ con cũng nên”. Cậu con trai móc điện thoại đang định báo cảnh sát thì bị ông Sinh ngăn lại. Ông nhẹ nhàng nói với con trai: “Đợi chút đã con, chúng ta sẽ đi theo mẹ con họ về nhà xem tình hình cụ thể ra sao. Tới lúc đó báo cũng chưa muộn mà”. 

Khi mặt trời bắt đầu lặn, người phụ nữ thu dọn đồ đạc bế con trở về. Đó là một căn nhà cũ nát nhỏ, nằm cách ga tàu mười phút đi bộ. Người phụ nữ lấy chìa khóa mở cửa cổng và đi vào trong nhà. Ông Sinh nhìn quanh, quan sát khung cảnh ngôi nhà. Đó là một căn nhà nhỏ đã cũ nát, ngoài sân phơi một vài bộ quần áo của trẻ con, trên tường treo một cái bảng đen với những nét chữ nguệch ngoạc như mới tập viết. Cha con ông đi qua sân ngó qua cửa sổ nhìn vào nhà.

Trong nhà có khoảng năm, sáu đứa trẻ tàn tật đang ngồi xung quanh người phụ nữ nọ cười nói vui vẻ. Người phụ nữ móc trong túi ra chút đồ ăn vặt chia cho từng đứa nhỏ. Sau khi chia hết chỗ đồ ăn vặt trong túi, người phụ nữ tiến về phía trước, nét mặt đầy thương yêu lo lắng thay bỉm cho cậu bé tàn tật miệng đang chảy đầy nước dãi, chân tay không thể cử động trên giường. Cử chỉ hành động và nét mặt chăm sóc yêu thương của cô dành cho cậu bé khác hẳn với sự vô cảm nghiêm nghị của cô ở ga tàu ban nãy.

Ảnh minh họa (nguồn: Pixabay).

Đôi mắt ông Sinh ướt đẫm lệ, ông quay sang nhìn cậu con trai cũng đang cố lau đi những giọt lệ đang tràn hoen mi từ lúc nào. Phát hiện cha đang nhìn mình, Trịnh Lượng vội vàng lắc lắc đầu và ra hiệu cho cha rời đi. Sáng hôm sau, hai cha con ông bận rộn nửa ngày trời hoàn thành việc cần làm và lên tàu về lại Nam Xương.

Khi thành phố đã lên đèn, người phụ nữ nọ mới xong công việc và quay trở về nhà. Vừa vào đến phòng, cô phát hiện trong phòng có một chiếc va ly nhỏ và một phong thư. Cậu bé lớn nhất trong nhà kể lại: “Cái va ly đó là của người ta gửi cho mẹ đấy ạ! Sáng nay có một ông mặc đồ rất đẹp đi cùng một chú tới nhà mình, ông nói gửi cái va ly này gửi cho mẹ, dặn bọn con phải trông cẩn thận, lại còn mang cho chúng con rất nhiều kẹo nữa”.  

Người phụ nữ cầm bức thư lên, bên ngoài phong thư viết: “Kính gửi người mẹ tốt bụng”. Cô thận trọng mở bức thư chầm chậm đọc từng dòng chữ ngay ngắn trong đó, không biết cha con ông Sinh viết gì, khi đọc xong bức thư cô bỗng ngồi bệt xuống đất.  

Người phụ nữ đó tên thật là Vương Hiểu Lộ. Năm năm trước đây, sau khi kết hôn không bao lâu, trên đường đi làm về cô nhặt được một đứa trẻ tàn tật. Người chồng cô khăng khăng không muốn nuôi đứa trẻ, bắt cô mang vào trại trẻ mồ côi. Vì cô không chịu nên người chồng nhất quyết đòi ly hôn. Sau đó, cô tiếp tục nhận thêm 6-7 đứa trẻ tàn tật mồ côi bị bỏ rơi khác. Vì gánh nặng kinh tế lại vì bận chăm sóc những đứa trẻ tàn tật này nên cô không đi làm được ở đâu, chỉ đành ra ga tàu xin ăn để tối về có nhiều thời gian chăm sóc bọn trẻ. Cuộc sống cực nhọc vất vả đó của mẹ con cô cứ vậy đã năm năm trời. 

Hiểu Lộ kéo khóa va ly ra, trong đó là 800.000NDT (khoảng 2,4 tỉ VNĐ), cô ôm chặt lấy các con và khóc nức nở. Sau khi Trịnh Lượng trở lại Nam Xương cùng cha, anh tự động cắt đứt liên quan với nhóm bạn xấu trước kia, giúp cha mình xây dựng công ty và tham gia các hoạt động xã hội.

Kiên Định

Video xem thêm: Vì sao tình yêu kiểu “bao bọc” thường tạo ra những con người vô ơn?

Exit mobile version